Ngành ngân hàng giảm cho khách hàng 560 tỷ đồng phí dịch vụ

Bên cạnh các chính sách về miễn, giảm phí, nhiều ngân hàng thương mại còn triển khai các chính sách về giảm lãi suất đối với những khoản vay cũ và cả khoản vay mới... cho khách hàng.

Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 2/4, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau 2 lần giảm phí trong năm 2020 đã có trên 63% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) được giảm phí trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của gần 100% các ngân hàng.

Theo đó, tổng số tiền phí mà các ngân hàng giảm cho các khách hàng trong cả 2 lần giảm phí khoảng 560 tỷ đồng.

Cụ thể, lần 1 Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương; giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 đồng trở xuống) cho người sử dụng dịch vụ. Chính sách này áp dụng từ ngày 25/2.

Trong đợt giảm phí lần 1, NAPAS đã thực hiện miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương và một số ngân hàng cũng đã triển khai thực hiện miễn phí dịch vụ như: Vietcombank, Agribank…..

Ở lần 2, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện điều chỉnh giảm phí dịch vụ đối với phí dịch vụ thanh toán cho các món thanh toán có giá trị từ 500.001 đồng đến 2 triệu đồng cho khách hàng và giảm giá sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng với khách hàng. Thời gian thực hiện từ ngày 25/3 đến hết ngày 31/12.

Mặc dù, cả hai chương trình giảm phí trên tác động không nhỏ đến doanh thu của NAPAS và các ngân hàng nhưng NAPAS và các ngân hàng cam kết sát cánh, đồng hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng và người dân.

Không chỉ ngân hàng thương mại giảm phí dịch vụ thanh toán, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cũng 2 lần giảm phí dịch vụ thông tin tín dụng. Giải pháp của CIC ngoài việc giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất còn gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Đối tượng được giảm mức thu dịch vụ thông tin tin tín dụng của CIC là tất cả các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh các chính sách về miễn, giảm phí, nhiều ngân hàng thương mại còn triển khai các chính sách về giảm lãi suất đối với những khoản vay cũ và cả khoản vay mới, hoãn, giãn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ngày 1/4, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành điều chỉnh giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng. Tại thông tư này, cơ quan quản lý yêu cầu các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển tiền qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng số tiền giảm phí mà Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nganh-ngan-hang-giam-cho-khach-hang-560-ty-dong-phi-dich-vu/632027.vnp