Ngành ngân hàng đồng hành, gỡ khó cho người chăn nuôi

Tạo điều kiện cho khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, áp dụng linh hoạt cơ chế lãi suất... là những giải pháp được ngành ngân hàng triển khai nhằm chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi lợn khi bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đang bùng phát trở lại.

Gia đình chị Hoàng Thị Xuân, thôn Bái Trung, xã Hòa Lộc bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi được ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ.

Đàn lợn của gia đình chị Hoàng Thị Xuân ở thôn Bái Trung, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến gần 100 con lợn buộc phải tiêu hủy. Được biết, từ năm 2016, gia đình chị Xuân nhận 1 ha đất cấy lúa kém hiệu quả kinh tế của xã để chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi tổng hợp. Từ nguồn vốn tự có của gia đình và nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Hậu Lộc (Agribank Hậu Lộc), gia đình chị đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, vịt. Chị Xuân cho biết: Chăn nuôi đang thuận lợi thì dịch bệnh phát sinh khiến cả gia đình lao đao. Gia đình tôi đã đề nghị và được Agribank Hậu Lộc tạo điều kiện cơ cấu lại nợ để chuyển hướng đầu tư phát triển kinh tế.

Theo thống kê của Agribank Hậu Lộc, trong tổng số hơn 5.000 khách hàng trên địa bàn vay vốn để phát triển chăn nuôi lợn với tổng dư nợ đến ngày 20-9 đạt 304 tỷ đồng có 38 khách hàng bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng dư nợ 743 triệu đồng. Ngay sau khi xảy ra bệnh dịch trên địa bàn, bám sát chỉ đạo của cấp trên, ngân hàng đã chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại gây ra đối với khách hàng đang vay vốn để kịp thời xem xét, cơ cấu lại thời gian trả nợ và cho vay mới đối với những khách hàng có nhu cầu tiếp tục đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa, tính đến ngày 25-9, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại cho hơn 1.000 khách hàng đang vay vốn ngân hàng với dư nợ khoảng 12 tỷ đồng. Để gỡ khó cho người chăn nuôi lợn, thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn; trên cơ sở đó kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau khi dịch kết thúc. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa còn chỉ đạo các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn xã, phường, thị trấn có bệnh dịch chủ động phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với vốn vay theo quy định. Đồng thời, chủ động tổng hợp, đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Với sự vào cuộc tích cực đó, tính đến ngày 25-9 các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hàng trăm khách hàng bị ảnh hưởng, với tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện cơ cấu, gia hạn nợ cho khách hàng với dư nợ 2,78 tỷ đồng, miễn giảm 700 triệu đồng tiền lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi; cho khách hàng vay bổ sung mới 360 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh...

Hiện, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa tiếp tục tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn chăn nuôi lợn bị bệnh dịch, từ đó áp dụng kịp thời các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để khách hàng sớm phục hồi sản xuất.

Bài và ảnh: Minh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nganh-ngan-hang-dong-hanh-go-kho-cho-nguoi-chan-nuoi/108315.htm