Ngành ngân hàng châu Âu bên bờ khủng hoảng (Phần II)

Việc Deutsche Bank, ngân hàng tư nhân lớn nhất Đức rơi vào khó khăn đã làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính lớn tại châu Âu.

Vụ Deutsche Bank làm dấy lên những lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính lớn tại châu Âu. Ảnh: Reuters

Lại một lần nữa châu Âu run rẩy vì các ngân hàng và sự ổn định tài chính của mình. Những khó khăn của Deutsche Bank, gã khổng lồ trong lĩnh vực này, đã khiến cho mối quan ngại về một cú sốc ngân hàng mới lại nổi lên.

Deutsche Bank hiện suy yếu về các vấn đề mang tính cơ cấu và bị đe dọa bởi khoản tiền phạt khổng lồ 12,5 tỷ euro bởi chính phủ Mỹ do bị quy trách nhiệm trong vụ bê bối vay nợ thế chấp dưới chuẩn (subprimes) năm 2007, nguồn gốc gây ra vụ khủng hoảng 2008.

Ba vấn đề của thị trường tài chính

Trong bản Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu định kỳ 6 tháng mới công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng báo động về các rủi ro đối với châu Âu. Peter Dattels, phó giám đốc IMF phụ trách thị trường tiền tệ và vốn, đã làm rõ ba vấn đề hệ thống ngân hàng châu lục cần chú ý: khối lượng nợ khó đòi lớn, mức lợi nhuận thấp và mô hình kinh doanh thiếu bền vững.

Vấn đề thứ nhất bắt nguồn từ quá khứ: một thập kỷ tăng trưởng kinh tế thấp của Eurozone đã dẫn tới hệ lụy các ngân hàng tích tụ gánh nặng nợ xấu khổng lồ mà IMF ước tính khoảng 900 tỷ USD. Một cuộc điều tra với gần 280 ngân hàng lớn nhất của Mỹ và châu Âu đã phát hiện ra rằng tại châu Âu khoảng một phần ba lĩnh vực ngân hàng, quản lý 8.500 tỷ USD tài sản, không có khả năng hoặc chỉ tạo ra lợi nhuận rất thấp trong thời gian dài.

Khiếm khuyết thứ hai liên quan đến chính sách lãi suất cực thấp, thậm chí lãi suất âm, và không chỉ ở châu Âu. Hiện nay, gần 40% trái phiếu chính phủ của các nước phát triển có lãi suất âm, một điều chưa từng có tiền lệ. Vấn đề là, nhất là các ngân hàng châu Âu, các ngân hàng sau khi tăng vốn chủ sở hữu và áp dụng các nguyên tắc thận trọng sau cuộc khủng hoảng 2008-2009, đã vững chắc hơn, nhưng hiện nay tăng trưởng kinh tế yếu và chính sách lãi suất thấp quay trở lại đe dọa những thành quả mà khó khăn lắm họ mới đạt được.

Ngành ngân hàng châu Âu bên bờ khủng hoảng. Ảnh: The New York Times

ECB đã theo đuổi chính sách nới lỏng định lượng từ năm 2015, hạ lãi suất tiền gửi xuống dưới không nhằm mục tiêu kích thích kinh tế. Ban đầu, chính sách này có lợi cho lĩnh vực ngân hàng do nó kích thích tín dụng và thị trường trái phiếu. Nhưng tới nay thì chiều hướng đã thay đổi, do nó thu hẹp khả năng tạo lợi nhuận của ngân hàng: do lãi suất ngắn và dài hạn tương đương nhau, ngân hàng không thể tạo lợi nhuận bằng cách tái cấp vốn ngắn hạn (rẻ hơn) để cho vay dài hạn (đắt hơn).

Theo ông Artus: “Chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt: lĩnh vực ngân hàng không còn lợi nhuận và giá trị [vốn hóa] suy giảm. Cần phải hành động và ECB phải suy nghĩ một cách nghiêm túc tới các hậu quả của chính sách tiền tệ” mà họ đang theo đuổi. Báo cáo của IMF đã cảnh báo ECM một cách gián tiếp: “Một số chính sách tiền tệ như lãi suất âm đã chạm tới giới hạn hiệu quả”.

Điểm yếu thứ ba của Eurozone liên quan đến mô hình hoạt động của các ngân hàng. Xét từ góc độ này, khó khăn của Deutsche Bank có thể coi là một ví dụ điển hình cho những khó khăn của quá trình chuyển đổi từ mô hình huy động vốn qua trung gian sang chú trọng huy động vốn trực tiếp trên thị trường kiểu Mỹ. Theo ông Peter Dattels, “Deutsche Bank cần thuyết phục các nhà đầu tư rằng mô hình kinh doanh của họ đáng tin cậy”.

Nicolas Véron, chuyên gia của Viện nghiên cứu Bruegel, Vương quốc Bỉ, kết luận, những vấn đề của ngân hàng “là một bài trắc nghiệm đối với [thành công] của dự án xây dựng liên minh ngân hàng”, đồng thời là yếu tố hết sức quan trọng đối với khả năng thành công của việc thành lập một bảo hiểm tiền gửi châu Âu.

Quay lại phần I

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nganh-ngan-hang-chau-au-ben-bo-khung-hoang-phan-ii-/26969.html