Ngành mới, học phí mỗi trường một vẻ

Mùa tuyển sinh 2021, Trường ĐH Hoa Sen cho biết mở thêm 11 ngành mới, nâng tổng số ngành đào tạo lên 39. Trong đó, ngành Răng – Hàm- Mặt có học phí đến 180 triệu/năm. Vẫn biết đào tạo Y - Dược ở Việt Nam hiện nay được cho là mức học phí đa phần còn thấp không đủ đáp ứng yêu cầu. Nhưng tăng bao nhiêu cho đủ lại là câu hỏi khó có lời giải đáp.

Ngành Y – Dược tăng cao

Theo ĐH Hoa Sen, trong 11 ngành học mới, học phí ngành Răng-Hàm-Mặt là 180 triệu/năm; học phí ngành Dược học là 155 triệu/năm; học phí ngành Quản lý bệnh viện, Kỹ thuật Y sinh khoảng 60 triệu/năm. Các ngành còn lại học phí dao động từ 50-70 triệu/năm. Nếu nhìn vào mặt bằng chung, mức học phí này là cao và quá cao.

Năm 2020, riêng khối Y – Dược, học phí đã xếp ở nhóm cao. Điển hình, ngành Răng - Hàm - Mặt hệ chất lượng cao của khoa Y, ĐHQG TP HCM là 88 triệu đồng/năm. Học phí ngành Y khoa chất lượng cao của khoa Y là 65 triệu đồng và 55 triệu đồng đối với ngành Dược học chất lượng cao.

Học phí Trường ĐH Y - Dược TP. HCM cũng gây choáng, khi tăng cao nhất gấp 5 lần so với những khóa trước, lên mức 30 - 70 triệu đồng/năm, tùy từng ngành.

Trường ĐH Y Dược Cần Thơ có mức học phí bình quân tối đa là 24,6 triệu đồng/năm cho chương trình đại trà.

Tại khoa Y - Dược (ĐHQG Hà Nội), mức học phí các ngành trong năm học 2020 - 2021 là 14,3 triệu đồng. Riêng học phí ngành Răng - Hàm - Mặt hệ Chất lượng cao là 60 triệu đồng/năm. Trường ĐH Y tế Công cộng có mức học phí dao động từ 9,8 - 14,3 triệu đồng/năm, tùy ngành…

Trong nhóm các trường tư có đào tạo chuyên ngành Y, Dược thì cá biệt đối với ngành Răng - Hàm - Mặt tại Trường ĐH Hồng Bàng, mức học phí lên tới gần 200 triệu đồng.

PGS. TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch từng cho biết: Học phí khối ngành Y- Dược quá thấp thì không thể đào tạo được nhân lực bậc cao và để sinh viên cạnh tranh trong khu vực. Đại diện nhiều trường khối ngành đào tạo sức khỏe thừa nhận, mức học phí khối ngành đào tạo sức khỏe ở các trường đại học hiện nay vẫn ở mức rất thấp so với các nước trên thế giới.

Nhưng học phí tăng bao nhiêu mới là đủ? Cùng nhóm ngành Y – Dược sao trường cao trường thấp? Trong khi đó, đào tạo và chương trình của khối này ở các trường có gì khác nhau về chương trình và chất lượng hay không?

Còn theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), khi Luật yêu cầu công khai mức học phí từ khi tuyển sinh, thì việc một trường nào đó đặt ra mức học phí quá cao phải giải trình được về mức thu học phí đó, cam kết chất lượng ra sao.

Học phí khối ngành Y - Dược của một số trường ngoài công lập chạm ngưỡng gần 200 triệu/năm (Ảnh: P.T)

Học phí khối ngành Y - Dược của một số trường ngoài công lập chạm ngưỡng gần 200 triệu/năm (Ảnh: P.T)

Học phí lớp chất lượng cao tăng nhanh

Tại mùa tuyển sinh năm 2020, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM quy định học phí ĐH chính quy năm học mới là 684.000 đồng/tín chỉ và không tăng quá 10% mỗi năm. Trường ĐH Mở TP.HCM công bố HP chương trình đại trà năm học mới này ở mức 17 - 22 triệu đồng/năm. Các ngành chương trình chất lượng cao 34,5 - 37,5 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, học phí chương trình đại trà sinh viên trúng tuyển năm 2020 là 20,5 triệu đồng/năm thứ nhất và các năm tiếp theo tăng lên: 22,5 triệu đồng (năm 2); 24,8 triệu đồng (năm 3) và 27,2 triệu đồng (năm 4). HP chương trình cử nhân chất lượng cao từ 940.000 - gần 1,6 triệu đồng/tín chỉ.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, học phí chương trình đại trà cũng ở mức 17,5 - 19,5 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao tiếng Việt 28 - 30 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao tiếng Anh và chất lượng cao Việt - Nhật 32 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Luật TP.HCM công bố học phí 18 triệu đồng/năm (lớp đại trà), 36 triệu đồng/năm (lớp Anh văn pháp lý), 45 - 49,5 triệu đồng/năm (các lớp chất lượng cao). Trường ĐH Quốc tế TP.HCM dự kiến mức thu sinh viên chính quy 43,5 triệu đồng và lộ trình tăng tối đa từng năm 10%.

Ỏ nhiều trường, học phí lớp, ngành chất lượng cao dao động từ 16 đến khoảng 60 triệu đồng/năm. Nhưng con số không cố định, có thể sẽ tăng hàng năm.

Theo nhiều chuyên gia, khi đăng ký tuyển sinh, thí sinh cần chú ý kỹ về chính sách học phí. Môt là có đủ năng lực đáp ứng học phí hay không, hai là cân nhắc về việc lựa chọn lớp chất lượng cao, vì ngoài năng lực tài chính, còn cần năng lực tiếng Anh theo kèm.

GS.TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cho rằng, có trường ĐH tăng mạnh học phí với giải thích là vì ngân sách nhà nước cắt toàn bộ chi thường xuyên.

Điều này, không hợp lý khi tất cả gánh nặng dồn lên học phí. Bởi các trường phải tính đến các nguồn thu khác như tăng cường các nguồn tài trợ của Nhà nước và doanh nghiệp, các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ, chuyển giao công nghệ, hoạt động đầu tư…

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nganh-moi-hoc-phi-moi-truong-mot-ve-223842.html