Ngành mía đường-thay đổi hay là 'chết': Hiến kế để thu 'trái ngọt'

Tương lai ngành công nghiệp sản xuất hơn 1,5 triệu tấn đường mỗi năm và đời sống người nông dân trồng mía sẽ ra sao là mối quan tâm của rất nhiều người, không chỉ những người trong cuộc hay có liên quan lĩnh vực này. Phóng viên Báo NTNN ghi nhận một số ý kiến, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường.

GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp:

Chưa tập trung đầu tư thích đáng

Mặc dù mía từng được coi là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho nông dân các vùng khó khăn, nhưng nhà nước chưa tập trung đầu tư thích đáng để nông dân trồng mía ở Việt Nam cạnh tranh được với nông dân nước khác.

Tương tự như cây lúa, ai cũng kể vanh vách kinh nghiệm trồng lúa miễn sao có giống mới và áp dụng nhiều phân bón, không cần cải thiến gì thêm; việc trồng mía bằng kinh nghiệm rất tốn kém nên dù có bán cả tấn mía, nhận hàng triệu đồng mà nông dân vẫn không lời được bao nhiêu.

Nông dân huyện M'Drak (Đăk Lăk) vào mùa thu hoạch mía. Ảnh: Đ.L.O

Hiệp hội Mía đường Việt Nam và ngành nông nghiệp đã thảo luận nhiều về chiến lược tăng năng lực cạnh tranh cho mía đường Việt Nam nhưng vẫn chưa mạnh dạn có kết luận, khuyến cáo nào truyền đạt đến nông dân trồng mía trong nước.

Thực tế ngay tại vùng trồng mía Cù Lao Dung (Sóc Trăng), nhiều nông dân tiếp cận được nước mặn Biển Đông đã nhanh chóng chuyển mía sang hai mặt hàng khác đang có thị trường lớn là tôm và siêu cao lương. Phải chăng đã đến lúc một số diện tích mía quanh các nhà máy đường kém hiệu quả của ĐBSCL cần chuyển sang sản xuất mặt hàng khác có lợi hơn nhiều lần?

Ông Nguyễn Quốc Thế - nông dân trồng mía tỉnh Tây Ninh:

Nhà máy và nông dân phải tạo được niềm tin

Ngày trước, Tây Ninh từng là “thủ đô” cây mía nhưng giờ nhìn lại thì thấy giữa vùng mía lại có vùng trồng... mãng cầu. Cứ sản xuất lộn xộn như thế làm sao cạnh tranh được với các nước.

Bản thân nông dân cũng có một phần trách nhiệm khi không đảm bảo được vùng nguyên liệu ổn định giữa phong trào trồng - chặt rồi lại chặt - trồng. Chính quyền phải vào cuộc cụ thể chứ không phải chỉ hô hào, kêu gọi nhà máy đầu tư. Nhà máy phải tạo được niềm tin cho nông dân. Và nông dân cũng phải thật thà từ sản xuất đến tiêu thụ.

Trong ngành mía, nông dân và nhà máy có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhà máy không tiêu thụ được thì nhiều diện tích sẽ mất vì nông dân không biết như thế nào. Nên đặt vấn đề nhiều hơn để Chính phủ có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra.

Ông Cao Anh Đương – Viện trưởng Viện mía đường Việt Nam:

Hỗ trợ cho công tác nghiên cứu

Đặc thù của cây mía là nhân giống vô tính nên không thể áp dụng được quy định về bản quyền tác giả giống. Trong nước hiện có hàng trăm công ty kinh doanh giống cây trồng nhưng không có đơn vị nào đăng ký kinh doanh giống mía vì rất dễ mất bản quyền. Đó là lý do nhiều giống tốt được đưa ra sản xuất thử nhưng không được công nhận chính thức, không được đăng ký danh mục.

Ngoài những thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân lực; sự quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học ngành mía đường cũng còn nhiều bất cập. Mức đầu tư cho mía rất thấp so với các cây trồng khác và so với các nước. Cả Viện mía đường hiện chỉ có duy nhất 1 đề tài nghiên cứu về mía với kinh phí 1 tỷ đồng, sang năm chỉ còn 800 triệu. 5 năm tới chắc cũng chỉ có vậy!

Niên vụ vừa qua, trong số 37/41 nhà máy đường đang hoạt động, có 9 nhà máy đã sản xuất điện đồng phát từ bã mía với tổng công suất xấp xỉ 200MW, và đấu lưới xấp xỉ 100MW. Dự kiến năm 2030, ngành đường có thể sản xuất 2,4 triệu MWh và lên lưới 1,2 triệu MWh điện từ đồng phát bã mía.

Chúng tôi không mong nhận được tiền bản quyền nhưng ít hay nhiều phải có sự đầu trở lại cho công tác nghiên cứu. Chúng tôi đề xuất Chính phủ có cơ chế để Viện có sự đầu tư trở lại thông qua việc trích một phần tiền trên số lượng đầu tấn mía hoặc đường. Viện không thể mãi trông chờ vào ngân sách nhà nước.

Ông Phạm Quốc Doanh – Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam:

Điện bã mía là sản phẩm chính

Đồng phát nhiệt điện có thể là giải pháp cứu ngành mía đường với nguồn doanh thu bổ sung từ bán điện lên lưới quốc gia, và trích lại một phần tiền lãi để nâng cao giá mua mía cho nông dân. Việc đầu tư công nghệ sản xuất năng lượng sinh khối cũng góp phần phát triển bản thân ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện EVN chỉ mua điện từ đồng phát điện bã mía với mức giá 5,8 cent/kWh (tương đương 1.220 đồng/kWh); thấp hơn mức giá 7,4 cent/kWh cho điện từ các nhà máy điện sinh khối. Việc sản xuất điện sinh khối trong ngành mía đường chưa hiệu quả như mong muốn.

Niên vụ vừa qua, trong số 37/41 nhà máy đường đang hoạt động, có 9 nhà máy đã sản xuất điện đồng phát từ bã mía với tổng công suất xấp xỉ 200MW, và đấu lưới xấp xỉ 100MW. Dự kiến năm 2030, ngành đường có thể sản xuất 2,4 triệu MWh và lên lưới 1,2 triệu MWh điện từ đồng phát bã mía. Đây là con số khá lớn đóng góp vào an ninh năng lượng quốc gia.

Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo công bằng trong điện sinh khối đối với điện từ mía đường khi giá điện bã mía. Không nên gọi điện từ bã mía là sản phẩm phụ nữa mà đó là một trong những sản phẩm chính của nhà máy đường.

Nguyên Vỹ (ghi)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/nganh-mia-duong-thay-doi-hay-la-chet-hien-ke-de-thu-trai-ngot-916285.html