Ngành mía đường lo ngại cạnh tranh không công bằng

Nông dân bỏ mía khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa do thiếu nguyên liệu là thực trạng hiện nay của ngành đường khi Việt Nam mở cửa thị trường nhập khẩu theo cam kết hội nhập.

Đường trong nước bị bủa vây bởi đường giá rẻ nhập khẩu và cả nhập lậu, khiến nhiều DN phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Trong ảnh : Đường nhập lậu bị Hải quan bắt giữ. Ảnh: L.T

Đường trong nước bị bủa vây bởi đường giá rẻ nhập khẩu và cả nhập lậu, khiến nhiều DN phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Trong ảnh : Đường nhập lậu bị Hải quan bắt giữ. Ảnh: L.T

Doanh nghiệp "chết lâm sàng"

Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho hay, diện tích trồng mía đã giảm phân nửa, từ 300.000 ha xuống chỉ còn gần 160.000 ha. Nhiều diện tích mía gốc vụ 2019/2020 bị nông dân bỏ, không chăm sóc và thu hoạch, do lo ngại thu không đủ bù chi vì giá mua mía vụ trước đó quá thấp. Điều này khiến cho sản lượng mía đưa vào chế biến vụ 2019/2020 chỉ đạt hơn 7,6 triệu tấn, thấp hơn 2 triệu tấn so với kế hoạch và là mức thấp nhất kể từ vụ 1999/2000.

Trong báo cáo cập nhật ngành đường được công bố mới đây, Công ty chứng khoán FPTS chỉ ra rằng, năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19 và lũ lụt, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu đường. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, giá trị nhập khẩu đường từ Việt Nam của Trung Quốc trong 7 tháng năm 2020 đạt hơn 69,3 triệu USD (tương đương 230.000 tấn). Các chuyên gia của FPTS đánh giá, đây là cơ hội lớn trong ngắn hạn (năm 2020) cho các DN đường Việt Nam có khả năng xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là các DN tại miền Bắc, có vị trí địa lý gần với biên giới Trung Quốc.

Trong khi đó, EVFTA quy định hạn ngạch xuất khẩu 20.000 tấn đường các loại và 400 tấn đường đặc biệt từ Việt Nam sang EU sẽ được miễn thuế. Thuế xuất khẩu ngoài hạn ngạch vẫn được tính với thuế suất 339 EUR/tấn đối với đường thô và 419 EUR/tấn đối với đường luyện. Nhu cầu sử dụng đường của thị trường này đang hướng đến các sản phẩm cao cấp như đường organic, đường ăn kiêng, đường có bổ sung thêm dưỡng chất… Đây là những sản phẩm có giá bán cao, tỷ suất lợi nhuận đạt từ 35 - 40%. Do đó, thị trường EU sẽ đem lại cơ hội lớn cho các DN có bộ sản phẩm đường và sau đường đa dạng, đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng.

Với sản lượng mía thấp nên trong số 41 nhà máy đường, có tới 12 nhà máy đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động. “Ngoại trừ các DN hoạt động đa ngành, còn lại đa phần các DN đường đều đang “chết lâm sàng”" – ông Lộc chia sẻ. Theo đó, vụ 2019/2020, lượng đường sản xuất được là 913.397 tấn, giảm 405.979 tấn, tương đương gần 35% so với vụ trước.

Theo VSSA, khi bắt đầu vào vụ ép mía 2019/2020, với viễn cảnh dự báo thiếu cung đường trong năm 2020, giá đường có xu hướng tăng vào đầu vụ và việc tiêu thụ đường tồn kho của vụ trước tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, bước vào năm 2020 khi Việt Nam bắt đầu thực hiện các cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cho ngành đường và dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu tiêu thụ đã giảm sút, giá đường bắt đầu giảm và việc tiêu thụ trở nên khó khăn. Trong lúc đó việc nhập khẩu đường đã bùng nổ với lượng nhập khẩu rất lớn.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 8 tháng năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, chủ yếu là đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, chiếm 90%. Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu đường dù đã giảm nhưng vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn. Điều này đã dẫn tới việc nguồn cung đường dư thừa trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp, khiến cho giá đường trên thị trường duy trì ở mức thấp, thấp hơn giá thành sản xuất. Đường sản xuất từ mía hầu như không tiêu thụ được. Thậm chí, ông Cao Anh Đương, quyền chủ tịch VSSA cho hay, lượng đường nhập khẩu trong 9 tháng đã vượt mức 1 triệu tấn, cao hơn sản lượng sản xuất trong nước.

Trước tình hình đó, ông Đương cho hay, các nhà máy chỉ có hai sự lựa chọn: một là tiếp tục tồn kho đường để đối mặt với tình trạng cạn kiệt dòng tiền hoạt động. Hệ quả là ngân sách sửa chữa bảo dưỡng bị thu hẹp, quỹ lương công nhân bị cắt xén phải nợ lương, thậm chí một số nơi còn chưa thanh toán hết tiền mía cho nông dân dù vụ ép đã kết thúc 3, 4 tháng. Hai là chấp nhận bán lỗ một số lượng đường để duy trì dòng tiền hoạt động và chấp nhận đối mặt với một viễn cảnh còn tồi tệ hơn là sự giảm sút doanh thu và lợi nhuận trong báo cáo tài chính dẫn đến việc bị các ngân hàng thu hẹp hạn mức tín dụng, thắt chặt điều kiện giải ngân.

Cần cạnh tranh công bằng

Những khó khăn trong niên vụ 2019/2020 vẫn chưa dừng lại mà sẽ kéo dài sang niên vụ sau, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Theo VSSA, dự kiến sẽ có thêm 4 nhà máy đường gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không có hiệu quả.

Trong số 4 quốc gia sản xuất mía đường chính ở ASEAN là Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam, Việt Nam đã cam kết và nghiêm túc thực hiện ATIGA thông qua việc gỡ bỏ hoàn toàn hạn ngạch nhập khẩu đường bắt đầu từ thời điểm 1/1/2020. Tuy nhiên, theo VSSA, các quốc gia còn lại trên thực tế đã không hề mở cửa thị trường đường và đã áp dụng những biện pháp khác nhau để bảo vệ thị trường đường của mỗi nước.

So sánh với các quốc gia trồng mía chính trong khối ASEAN, VSSA nhận định, trình độ của ngành đường Việt Nam, từ giống mía, năng suất, chất lượng sản phẩm đều hoàn toàn tương đương với các nước khác trong khu vực. Nhưng việc các nước không tuân thủ “luật chơi” ATIGA đã dẫn tới sự cạnh tranh không công bằng cho các DN Việt Nam.

Do đó, VSSA kiến nghị Bộ Công Thương áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế. Đặc biệt, đăng ký công bố áp dụng đường là mặt hàng nhạy cảm cao theo điều 24 của ATIGA đối xử đặc biệt cho đường và gạo như Philippines và Indonesia đã và đang áp dụng.

Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm mía đường từ Thái Lan. Vào đầu tháng 10, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã gửi bảng câu hỏi điều tra cho các DN nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài và chính phủ Thái Lan để trả lời bảng câu hỏi điều tra. Thời hạn để trả lời bảng câu hỏi điều tra là trước 17 giờ ngày 13/11/2020 (theo giờ Hà Nội).

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nganh-mia-duong-lo-ngai-canh-tranh-khong-cong-bang-135541.html