Ngành mía đường Hậu Giang 'kêu cứu' vì đường nhập lậu tràn lan

Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về việc kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường. Cơ quan này kiến nghị Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ tạm dừng việc nhập khẩu đường.

Đường nhập lậu tràn lan với giá rẻ do trốn thuế nhập khẩu, thuế VAT

Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết đường nhập lậu đang tràn lan với giá rẻ do trốn thuế nhập khẩu, thuế VAT…, do đó, Sở này đề nghị Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với mặt hàng đường, đặc biệt là tại các địa phương có biên giới tiếp giáp với các nước láng giềng.

Ngoài ra, cơ quan này cũng kiến nghị Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ tạm dừng việc nhập khẩu đường, kể cả việc tạm nhập tái xuất do nguồn cung trong nước đang dư thừa và gian lận thương mại phức tạp.

Đồng thời kiến nghị áp thuế nhập khẩu và kiểm soát hạn ngạch đối với các chất ngọt thay thế đường, khuyến khích sử dụng đường trong nước miễn thuế giá trị giá tăng xuống 0% từ mức 5% hiện nay đối với sản phẩm đường sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cũng đề xuất xem xét điều chỉnh giá điện sinh khối và cho thành lập Quỹ phát triển mía đường để có cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ công tác giống và cơ giới hóa cho nông dân trồng mía.

Ngoài ra, kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các ngân hàng nới lỏng tín dụng và có lãi suất ưu đãi cho ngành sản xuất mía đường vì đặc thù của ngành là sản xuất 4-6 tháng/năm nhưng phải tồn trữ đường để tiêu thụ quanh năm.

Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết, với lượng đường tồn kho cả nước như hiện nay khoảng 700.000 tấn đường (Hậu Giang khoảng 300.000 tấn) là cao kỷ lục, trong khi vùng mía đường tỉnh Hậu Giang phải thu hoạch sớm nhất của cả nước, thời gian vào vụ sản xuất 2018-2019 chỉ còn khoảng 2 tháng nữa.

“Nếu không có sự hỗ trợ quyết liệt và hiệu quả từ cơ quan bộ ngành thì doanh nghiệp không thể sản xuất được do lượng tồn kho cao, nguồn vốn sản xuất không đủ, cây mía Hậu Giang sẽ không có nơi tiêu thụ, nông dân trồng mía gặp rất nhiều khó khăn”, văn bản của Sở Công Thương nêu.

Hiện Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long, với hơn 100ha.

Lệ Chi

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/nganh-mia-duong-hau-giang-keu-cuu-vi-duong-nhap-lau-tran-lan-20180504224210909.htm