Ngành mía đường đang đứng trước viễn cảnh xấu?

Các nhà máy đường đồng loạt đóng cửa, 300 nghìn ha đất trồng mía đã hình thành trong hơn 30 năm qua có nguy cơ bị chặt bỏ… là viễn cảnh rất xấu của ngành mía trước thời điểm Việt Nam phải 'cởi bỏ' hạn ngạch thuế quan nội khối với sản phẩm đường.

Ngành mía đường sẽ bị ảnh hưởng khốc liệt từ đầu năm 2018 khi Việt Nam phải bỏ hạn ngạch thuế quan khối ASEAN

“Đối thủ” nặng ký

Thống kê cho thấy, năng suất, chất lượng mía và hiệu quả thu hồi của Thái Lan thua kém Brazil (cường quốc số 1 về mía đường) nhưng trong vòng 4 năm vừa qua Thái Lan đã tăng thị phần xuất khẩu của đường ra thế giới từ 12.1% lên mức 15.8%. Nếu như bình quân chế biến 01 tấn mía các nhà máy đường Brazil sản xuất được 135 kg đường (hiệu quả thu hồi 7.5 kg mía được 01 kg đường), Thái Lan cũng đã đạt tới 108 kg đường (hiệu quả thu hồi 9.3 kg mía được 01 kg đường).

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), từ năm 1984, khi Thái Lan ban hành Luật mía đường, Chính phủ Thái Lan đã và đang có những hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành mía đường phát triển dưới nhiều hình thức, từ hỗ trợ công khai bao gồm: hỗ trợ mức giá cố định, phân chia thị phần, kiểm soát nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu… tới hỗ trợ không chính thức như hỗ trợ tài chính trực tiếp 1,3 tỷ USD/năm, tài trợ nợ vay, trợ cấp đầu vào, hỗ trợ gián tiếp dài hạn.

Đặc biệt là chương trình hỗ trợ chuyển đổi vùng nguyên liệu từ trồng gạo sang mía trị giá 615 triệu USD. Các chính sách của ngành mía đường Thái Lan đặc biệt tập trung vào việc đảm bảo cơ chế trợ cấp với nông dân và bảo hộ thương mại đối với doanh nghiệp.

Thái Lan công bố là sẽ xóa bỏ hệ thống trợ cấp hạn ngạch kéo dài 30 năm qua và thả nổi giá đường nội địa từ cuối năm 2017 để tránh bị Brazil kiện tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy xóa bỏ cơ chế hạn ngạch, nhưng thực chất Chính phủ Thái Lan vẫn bảo hộ bằng cách “lách luật”, thay thế bằng kho dự trữ. So với trợ cấp hạn ngạch, đó chỉ là sự thay đổi về tên gọi, từ hạn ngạch sang “dự trữ đệm”. Chính phủ Thái Lan vẫn có thể phân bổ hơn 2 triệu tấn đường/năm cho tiêu dùng nội địa.

Nằm trong bối cảnh bị ảnh hưởng sâu sắc từ chính sách cạnh tranh thiếu lành mạnh của Thái Lan, thị trường trong nước tiêu thụ chậm, đường lậu lại diễn biến phức tạp tại biên giới Việt Nam, nhất là việc thực hiện cam kết nhập khẩu một lượng đường nhất định tăng 5% mỗi năm với WTO, kết hợp với tình trạng gian lận thương mại từ các quốc gia trong khu vực, ngành mía đường Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn lớn từ trong ra ngoài. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình cảnh không chỉ phải cạnh tranh với doanh nghiệp mía đường Thái Lan mà còn cạnh tranh cả chính phủ Thái Lan và với gần 70 triệu dân Thái.

Đề nghị lùi thời hạn thực hiện ATIGA

Theo cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến 1/1/2018 phải thực hiện bỏ hạn ngạch thuế quan nội khối đối với sản phẩm đường. Gần 1 tháng qua, các doanh nghiệp mía đường đã phải hạ giá bán xuống đáy là 12.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm.

Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp cần sử dụng đường và các thương nhân kinh doanh đường đồng loạt ngừng mua hàng, bởi họ chờ đến đầu năm 2018, Việt Nam chính thức thực hiện lộ trình cam kết Hiệp định ATIGA để mua cho có lợi.

Còn với các nhà sản xuất đường trong nước, để chuẩn bị hội nhập, trong thời gian vừa qua cũng đã đầu tư thay đổi công nghệ, thiết bị mới để tăng hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, đầu tư giống mới, phân bón, hệ thống tưới tiêu và cơ giới hóa, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất mía đường.

Theo nhiều chuyên gia ngành mía đường, trong khi tất cả các chi phí đầu tư từ nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp hoặc phải vay với lãi suất thương mại từ các ngân hàng, không nhận được bất kỳ ưu đãi nào của chính phủ thì các nhà sản xuất đường Thái Lan vẫn được Chính phủ Thái Lan tiếp tục trợ giá, can thiệp mua đường dự trữ để hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, vi phạm các quy định WTO.

Hơn nữa các nhà máy đường Thái Lan với hơn 30 năm nhận được ưu đãi từ chính phủ đã phát triển lớn mạnh thì việc chúng ta theo lộ trình mở cửa thị trường để đường Thái Lan vào thị trường Việt Nam là tạo sân chơi không công bằng cho các doanh nghiệp chế biến đường trong nước.

Chỉ còn hơn tháng nữa Hiệp định ATIGA có hiệu lực, chắc hẳn cuộc cạnh tranh của ngành đường Việt Nam sẽ không chỉ có Thái Lan mà còn nhiều nước khác trong và ngoài khu vực. Brazil là đất nước số 1 thế giới và có hiệu quả nhất thế giới về mía đường, đồng thời còn được trợ cấp mạnh mẽ của chính phủ Brazil mà còn có nhiều nhà máy phải đóng cửa vì Thái Lan.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành đường, mới đây, VSSA đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho lùi thời gian thực hiện cam kết trong khối ASEAN theo Hiệp định ATIGA đến năm 2022, nếu sớm hơn là 2020.

Trong khi đó nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong thời gian ngành mía đường Thái Lan đang bị Brazil cáo buộc vi phạm hiệp định thương mại quốc tế, chính phủ Việt Nam nên tạm thời chưa mở cửa hoàn toàn thị trường đường cho Thái Lan, hạn chế hạn ngạch nhập khẩu đường từ Thái Lan thêm vài năm nữa.

Đồng thời hỗ trợ nông dân trồng mía và các doanh nghiệp mía đường trong nước tập hợp các chứng cứ pháp lý về việc ngành mía đường Thái Lan vi phạm các quy định của WTO để buộc ngành đường Thái Lan vận hành theo đúng quy định thương mại quốc tế và tạo sự công bằng cho việc cạnh tranh giữa ngành mía đường Việt Nam với các nước khác, đặc biệt Thái Lan trong hội nhập quốc tế.

Viễn cảnh xấu của ngành mía đường

Theo VSSA, khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực, 300 - 500 nghìn tấn đường nhập lậu hàng năm sẽ đường hoàng đi qua cửa nhập khẩu chính ngạch, và lượng nhập chính ngạch sẽ còn tăng cao gấp nhiều lần con số này. Hiện có 22 nhà máy công suất dưới 3000 tấn mía/ngày có khả năng phải đóng cửa vì thua lỗ, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống việc làm, thu nhập của 11 vạn hộ nông dân trồng mía với 38 vạn lao động và 10 vạn công nhân trong các nhà máy đường. Ước tổng số tiền thiệt hại lên tới 10 nghìn tỷ đồng.

Phi Hùng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//thi-truong/nganh-mia-duong-dang-dung-truoc-vien-canh-xau-367227.html