Ngành mía đường chồng chất khó khăn, làm sao để tự tin hội nhập?

Làm gì để gỡ khó cho ngành mía đường, để người nông dân trồng mía yên tâm sản xuất, ổn định đời sống? Làm gì để ngành mía đường Việt Nam thoát ra khỏi 'bẫy' hội nhập? Những câu hỏi này sẽ được đặt ra với các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế và chính các DN mía đường tại buổi tọa đàm do báo NTNN/Dân Việt tổ chức sáng 01/06.

Từ ngày 1/1/2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức được áp dụng, tất cả hạn ngạch và thuế suất nhập khẩu đường dự kiến sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn. Sân chơi ngành mía đường khu vực Đông Nam Á sẽ “phẳng” hơn bao giờ hết, nguồn đường từ các quốc gia sẽ được mua bán tự do trên thị trường. Đi kèm với đó ngành mía đường Việt Nam phải trực tiếp đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp mía đường các nước khác.

Cây mía đang là "cây xóa đói giảm nghèo" ở nhiều vùng nông thôn, miền núi Việt Nam (Ảnh: minh họa)

Cây mía đang là "cây xóa đói giảm nghèo" ở nhiều vùng nông thôn, miền núi Việt Nam (Ảnh: minh họa)

Lâu nay, ngành mía đường Việt Nam luôn bị đánh giá là nhận được quá nhiều chính sách bảo hộ từ Chính phủ và không chủ động đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh để đón đầu hội nhập. Tuy nhiên thực tế cho thấy, đối với sản phẩm đặc biệt như mía đường, các quốc gia trên thế giới đều dành rất nhiều chính sách ưu đãi để ngành này phát triển. Đồng thời, trong quá trình thực thi các FTA, hàng rào bảo vệ đối với những loại sản phẩm đặc biệt như mía đường luôn được gỡ xuống sau cùng.

Ngay tại Thái Lan, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của ngành mía đường Việt Nam, Chính phủ nước này hỗ trợ cho ngành đường ít nhất là 1,3 tỷ USD/năm, theo báo cáo của Liên minh Mía đường Hoa Kỳ thực hiện năm 2015. Trong đó khoảng trên 775 triệu USD được sử dụng cho khoản trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua hệ thống bình ổn giá đường, tức là tăng trợ giá để bù đắp mỗi khi giá đường trên thế giới sụt giảm. Khoảng 500 triệu USD được dùng để thanh toán trực tiếp cho người trồng mía. Đó là chưa kể việc các nhà sản xuất mía đường trong nước được hưởng lợi đầy đủ từ các khoản vay có lãi suất thấp và khoản trợ cấp đầu vào như tất cả ngành khác trong lĩnh vực nông nghiệp Thái Lan.

Ở quy mô quốc tế, hầu hết các quốc gia dùng chi phí người tiêu dùng để tài trợ cho sản xuất (nông dân và nhà máy). Tất cả các quốc gia xuất khẩu đường đều can thiệp để giá đường tại thị trường nội địa ở mức tương đối cao, trong khi giá đường trên thị trường quốc tế ở mức thấp. Trong thời gian dài giá giao dịch trên thị trường quốc tế luôn luôn thấp hơn giá thành sản xuất.

Như vậy, dù đã chuẩn bị phần nào về nội lực trong những năm qua, song đứng trước những chính sách bảo hộ cũng sự hỗ trợ tối đa cho ngành mía đường của Chính phủ các nước ASEAN, toàn bộ các mắt xích trong chuỗi sản xuất mía đường Việt Nam đã, đang và sẽ đứng trước nguy cơ gặp khó khăn sau hội nhập. Ngành mía đường nói riêng và các ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung sẽ yếu thế khi tham gia sân chơi quốc tế với tâm thế sòng phẳng, trong khi các quốc gia khác thực thi luật chơi không bình đằng.

Ngành mía đường Việt Nam sẽ phải thay đổi nhiều hơn nữa về mặt cấu trúc, song song đó cũng cần có những chính sách đúng đắn của Chính phủ nhằm tạo ra sân chơi công bằng hơn để có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh cửa hội nhập đang sắp mở toang.

Các doanh nghiệp mía đường Việt Nam đã chuẩn bị những gì để hội nhập?

Trong bối cảnh ngành mía đường nước ta đang chịu nhiều sức ép từ tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cạnh tranh quyết liệt của cây trồng khác; tình trạng khan hiếm và thiếu lao động trong nông nghiệp; tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu đường ngày càng gia tăng… thì việc gia nhập và thực thi Hiệp định ATIGA theo lộ trình từ 01/01/2020 chắc chắn sẽ càng tạo ra những áp lực lớn đối với ngành mía đường. Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế là phù hợp, là xu thế tất yếu. Tuy nhiên tiến trình hội nhập cần bảo đảm thực hiện có hiệu quả, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch cho các doanh nghiệp.

Làm gì đế gỡ khó cho ngành mía đường, để người nông dân trồng mía yên tâm sản xuất, ổn định đời sống? Làm gì để ngành mía đường Việt Nam thoát ra khỏi bẫy hội nhập? Những câu hỏi này sẽ được đặt ra với các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế và chính các doanh nghiệp ngành mía đường tại buổi tọa đàm với chủ đề: Làm gì để ngành mía đường vượt “bẫy” hội nhập? do báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức từ 8h00 - 11h30 ngày 1/6.

Tọa đàm có sự tham dự của: Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; các chuyên gia kinh tế; đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam, người nông dân trồng mía và các doanh nghiệp sản xuất mía đường…

PV

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nganh-mia-duong-chong-chat-kho-khan-lam-sao-tu-tin-hoi-nhap-atiga-984560.html