Ngành mai mối Trung Quốc 'hái ra tiền' từ 200 triệu người độc thân

Thừa nam, thiếu nữ khiến đàn ông Trung Quốc phải chật vật tìm bạn đời. Một số tham gia các trường học tán tỉnh, những người giàu có thì đổ tiền vào trung tâm mai mối.

Trong một trung tâm mua sắm lộng lẫy ở Hàng Châu, 8 người đàn ông tản ra các hướng với chung một mục đích: làm quen với phụ nữ. Liu Yuqiang, một trong số họ, chải chuốt cẩn thận nhằm che giấu sự thật là anh xuất thân từ ngôi làng nhỏ nơi quê nghèo.

27 tuổi, Liu không còn trẻ và cũng biết rõ đàn ông nông thôn không phải sự lựa chọn của phụ nữ thành phố.

Liu bước đi ngượng nghịu, cảm thấy sợ. Trong khi đó, Tiến sĩ Tình yêu, huấn luyện viên của họ, cố giúp anh bắt chuyện với phụ nữ, hay “đi săn”, như cách các học viên tại học viện tán tỉnh thường gọi.

“Đi tới chỗ cô gái. Ước lượng khoảng cách an toàn 1,5 m. Nói rằng cô ấy thật thu hút, lấy số điện thoại rồi giả vờ có hẹn và đi tiếp”, Tiến sĩ Tình yêu dặn dò. Nhưng 10 phút trôi qua, Liu vẫn chưa bắt chuyện với ai. Dù Tiến sĩ Tình yêu đôi khi thúc nhẹ ra dấu cho Liu tiếp cận đối tượng, lần nào Liu cũng không thể làm được.

Thầy dạy tán tỉnh chỉ cách thoa kem nền cho học viên trước khi đi hẹn hò. Ảnh: Spiegel.

Chính sách một con định mệnh

Trung Quốc hiện có khoảng 200 triệu người độc thân. Số phận của Liu được quyết định từ năm 1979, trước cả khi anh chào đời. Lúc đó, chính phủ thực thi kế hoạch một con kéo dài 35 năm. Chính sách đi kèm với tư tưởng trọng nam dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới trầm trọng hiện nay. Cứ 100 nữ thì có tới 114 nam. Số đàn ông Trung Quốc nhiều hơn số phụ nữ khoảng 30 triệu người.

Không chỉ vậy, “nếu là nam, bạn sẽ không muốn đến từ Giang Tây”, Liu chia sẻ. Xuất thân tỉnh lẻ khiến viễn cảnh tìm vợ của anh càng mịt mù. Những người có hộ khẩu ở quê thường đối mặt với nguy cơ bị xa lánh trong khi nữ giới Trung Quốc coi trọng nguồn gốc xuất thân của chồng, và đánh giá cao địa vị của đàn ông có nhà, xe.

Điều này đặt ra thách thức cho hàng triệu lao động di trú từ quê. Theo Liu, họ ở cách tình yêu tận “3 ngọn núi cao” là tiền, thời gian và quan hệ. Một cô gái còn từng nói mối quan hệ với anh sẽ chỉ dẫn đến “đám cưới chay”, không tiệc, nhẫn, xe và cũng chẳng có tuần trăng mật.

Liu sống cùng ông bà từ bé. Hai ông bà cũng không thường thể hiện tình cảm. “Những người trải qua nạn đói tại Trung Quốc không có thời gian cho sự lãng mạn”, Liu chia sẻ anh không có bất kỳ hình mẫu tình yêu nào để noi theo. Thời đi học, Liu cũng không có bạn gái vì giáo viên và gia đình ngăn cấm.

Ông mai, bà mối bận rộn

Kinh tế phát triển kéo người trẻ ra khỏi các làng và thị trấn. Sau khi tốt nghiệp, Liu chuyển đến thành phố và làm việc trong siêu thị. Người trẻ được tự do hơn nhưng áp lực cưới xin vẫn đè nặng vai họ. Điều này tạo cơ hội cho hàng nghìn ông mai bà mối có dịp bận rộn. Các cuộc hẹn hò tập thể thường xuyên được tổ chức. Những trang web mai mối đang xuất hiện ngày càng nhiều. Liu cài tới 7 ứng dụng hẹn hò trên điện thoại.

Baihe, trang web mai mối lớn nhất Trung Quốc, có hơn 300 triệu thành viên. Các nhà tâm lý học của Baihe có mặt khắp nơi để đưa những người “khủng hoảng vì ế” tới với nhau. Họ duyệt hồ sơ và cung cấp cả dịch vụ vay tiền cho những người muốn mua nhà. Mỗi năm, ngành mai mối tại Trung Quốc thu về tới hàng trăm triệu USD.

Đôi khi, Liu mơ có nhà, xe và làm chủ để trở thành đối tượng theo đuổi của phụ nữ. Dù vậy, có lẽ anh không biết rằng kể cả người giàu có cũng gặp đường tình trắc trở. Nhiều người Trung Quốc đang đầu tư hàng trăm nghìn USD để tìm cô dâu hoàn hảo.

Dịch vụ tìm vợ 15.000 USD/tháng

Công ty Diamond Love (Tình yêu Kim cương), trụ sở tại Thượng Hải, thu hút tới 5 triệu khách hàng sẵn sàng trả 15.000 USD/tháng để đổi lấy cô dâu trong mơ. Ren Xuemei, 42 tuổi, là bà mối chuyên nghiệp học qua tâm lý học và là một trong số ít những người hiểu về rắc rối tình duyên của giới thượng lưu.

“Cùng với sự đi lên của đất nước, khách hàng của chúng tôi mất phương hướng. Họ cứ nghĩ họ kiểm soát cả thế giới”, Ren nói.

Nhân viên của Love Diamond chụp ảnh cô gái để lưu lại trong bộ dữ liệu của công ty. Ảnh: Spiegel.

Ren nhận định chính sách một con là thảm họa dẫn đến sự gia tăng những kẻ tự luyến, ích kỷ và khó chiều. Một khách hàng của bà đã từ chối 3.000 cô gái trong bộ dữ liệu công ty chỉ vì lý do như lông mày quá cao hay da có khuyết điểm. Trường hợp khó nhất là một người 47 tuổi, tạm gọi là ông Rich, chi gần 150.000 USD để tìm vợ. Tuy nhiên, Rich từ chối cả 50 người phụ nữ mà công ty đề xuất và luôn gọi điện hỏi xem có “hàng mới” hay chưa.

Rich thuộc “Phúc nhất đại”, thế hệ người giàu đầu tiên của Trung Quốc. Ông xuất thân khiêm tốn nhưng phất lên nhờ đầu tư nước ngoài. Theo Ren, “giới tinh hoa Trung Quốc quen với việc làm chủ. Họ có kỳ vọng khổng lồ”. Trong khi gầy gò, không ưa nhìn và hút thuốc nhiều, Rich lại tin rằng ông xứng đáng lấy cô gái xinh nhất làm vợ và đã ký hợp đồng một năm với trung tâm mai mối để được hẹn hò 5 người phụ nữ mỗi tháng.

Diamond Love có 200 nhân viên tư vấn cùng 200 bà mối sẵn sàng phục vụ tầng lớp thượng lưu. Nhân viên “do thám” thường chạy theo những cô gái ở khu mua sắm, lái xe quanh thành phố, “rình” ở các trường đại học để “săn” vợ cho các đại gia. Có lần họ còn tổ chức cuộc thi văn nghệ cho các cô gái mà giám khảo chính là những người tìm vợ.

Phụ nữ, hay “tài nguyên” theo cách gọi của Ren, sẽ phải vượt qua vòng kiểm tra và phỏng vấn. Trong số 100 người, công ty sẽ chỉ chọn ra khoảng 10 người để trở thành đối tượng tìm hiểu của khách hàng.

Trong khi đó, đối với Liu, học viên tại trường học tán tỉnh, mọi thứ không hào nhoáng như vậy. Tất cả các học viên đều đến từ quê nghèo.

“Tôi không biết nên nói về chủ đề gì với phụ nữ”, một học viên cho biết. Người khác nói: “Trên ứng dụng hẹn hò, ngay khi tôi hẹn gặp mặt, các cô gái liền chặn luôn”. Liu kể: “Khi tôi gặp phụ nữ, tôi quá lo lắng nên chẳng ai muốn gặp tôi lần nữa”.

Công viên xem mặt hay còn gọi là chợ hôn nhân tại Thượng Hải. Ảnh: Spiegel.

"Phụ nữ thừa" không còn thừa?

Hui Xue, 29 tuổi, là một nhà kinh tế học xinh đẹp. Cô từng đi du học tại Anh, Mỹ và hiện làm việc cho một công ty lớn. Dù vậy, cô vẫn chưa kết hôn. Để cha mẹ yên tâm, Hui thường tới công viên xem mặt, nơi cha mẹ rao thông tin của con cái để tìm dâu, rể phù hợp. Địa điểm này trở thành nơi giúp bậc cha mẹ cảm thấy tốt hơn khi cùng nhau đối diện vấn đề con cái.

Từ bình minh, khoảng 500 ông bố bà mẹ đã giành giật chỗ ngồi tốt nhất để mở sẵn chiếc ô trưng bày thông tin của con. Từ bác sĩ, nhà thiết kế đến nhân viên ngân hàng, tất cả hồ sơ đều xuất sắc, nhưng các cô gái đều trong độ tuổi cuối 20, bị gắn mác là “phụ nữ thừa”.

Chính phủ sử dụng những lời công kích nhằm khuyến khích phụ nữ kết hôn và sinh con. Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc định nghĩa “phụ nữ thừa” là những người trên 27 tuổi chưa kết hôn. Theo cơ quan này, dù phụ nữ độc thân trên 35 tuổi có sở hữu “căn hộ đắt tiền, ôtô và cả một công ty” thì họ vẫn là “phụ nữ thừa”.

Tuy nhiên, sau chính sách một con, Hui có nhiều lựa chọn. Cô vẫn chưa nói với cha mẹ về việc đang hẹn hò với một đồng nghiệp. Anh lịch sự và đối xử tốt với cô nhưng không phải người đạt được nhiều thành tựu. Hui không chắc liệu anh có “đủ tốt để kết hôn” hay không. Cô cho biết cô phải có được sự chấp thuận từ gia đình trước.

Bên trong ngôi làng 'ế vợ' ở Trung Quốc

Nằm ở phía đông Trung Quốc, làng Laoya (Lão Áp) ở tỉnh An Huy được xem là "làng ế vợ" khi có tới hơn 100 đàn ông độc thân trên tổng dân số 1.600 người.

Ngọc Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nganh-mai-moi-trung-quoc-hai-ra-tien-tu-200-trieu-nguoi-doc-than-post867057.html