Ngành lương thực, thực phẩm tìm giải pháp gia tăng giá trị sản xuất

Với vai trò là cầu nối đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp, Hội lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh quy tụ cộng đồng doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm.

Ngành lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm tỷ trọng 26,09% trong 4 ngành trọng yếu và chiếm 17,6% trong toàn ngành sản xuất công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngành lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm tỷ trọng 26,09% trong 4 ngành trọng yếu và chiếm 17,6% trong toàn ngành sản xuất công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN

Chiều 20/12, tại Hội nghị triển khai hoạt động năm 2020 của Hội lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho biết, với vai trò là cầu nối đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp, Hội sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh quy tụ cộng đồng doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm. Đồng thời, trở thành đầu mối ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp và tham mưu cho Thành phố về những chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và gia tăng giá trị sản xuất.
Theo ông Trương Tiến Dũng, ngành lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm tỷ trọng 26,09% trong 4 ngành trọng yếu và chiếm 17,6% trong toàn ngành sản xuất công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh.
Hiện doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành lương thực, thực phẩm tại Thành phố đã tập trung đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Tính đến hết 11 tháng, tỷ trọng sản xuất công nghiệp ngành chế biến lương thực, thực phẩm trong toàn ngành công nghiệp vẫn giữ mức tăng trưởng 18,5%. Chỉ số phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm đề xuất Tp. Hồ Chí Minh sớm có chính sách quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp cho ngành chế biến lương thực, thực phẩm.
Bên cạnh đó, Thành phố xây dựng kế hoạch quy hoạch quy hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu thông qua những giải pháp tăng hiệu quả liên kết giữa các tỉnh, thành; nông dân – doanh nghiệp sản xuất – nhà quản lý…
Điển hình, năm 2018, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành danh mục “Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Tp. Hồ Chí Minh năm 2020”, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận những phương án hỗ trợ cụ thể nào.
Ngoài ra, Thành phố khẩn trương ban hành cơ chế chính sách phát triển thị trường bán lẻ nội địa bằng việc hỗ trợ cho doanh nghiệp có thương hiệu.
Với chỉ số tăng trưởng ổn định, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống đã có đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của Tp. Hồ Chí Minh nói chung. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2020, Hội lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cần tăng cường sự phối hợp với cơ quan Ban ngành, tổ chức Hiệp hội, Hội ngành nghề khác… để hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn.
Dự báo tình hình kinh tế trong và ngoài nước năm 2020 sẽ có những diễn biến khó lường, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho hay, trong năm 2020 Hội sẽ đẩy mạnh phát triển theo hướng ưu tiên những doanh nghiệp có tiềm lực tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục quảng bá, gia tăng giá trị thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp đến những đối tác tiềm năng cũng như kết nối giao thương, xúc tiến thương mại.
Hiện nay, kinh tế Tp. Hồ Chí Minh đã và đang từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến chất lượng, hiệu quả và tính bền vững. Do đó, Hội sẽ chủ động tìm kiếm nguồn vốn vay ưu đãi, nhà cung cấp và giới thiệu cho doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận./.

Mỹ Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nganh-luong-thuc-thuc-pham-tim-giai-phap-gia-tang-gia-tri-san-xuat/143056.html