Ngành logistics đẩy mạnh sử dụng xe điện để giao hàng

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, ngành logistics cũng có bước phát triển mạnh mẽ hướng tới sử dụng phương tiện sạch, yên tĩnh trong chặng giao hàng cuối.

Ahamove triển khai dịch vụ AhaRide dùng xe điện VinFast chở hành khách tại Đà Nẵng

Ahamove triển khai dịch vụ AhaRide dùng xe điện VinFast chở hành khách tại Đà Nẵng

Từ các ông lớn ngành logistics thế giới

Mới đây, gã khổng lồ hậu cần logistics DHL, còn được gọi là Deutsche Post, đã cam kết mua 2.000 xe tải giao hàng chạy điện từ Ford để thực hiện các chuyến giao hàng chặng cuối vào cuối năm 2023.

Xe điện (Electric Vehicle - EVs) vốn yên tĩnh và không phát khí thải từ ống xả. Đơn đặt hàng EVs từ Ford bao gồm hai dòng xe Pro EVs và E-Transit, vốn là sản phẩm bán chạy nhất trong các loại xe thương mại của Ford.

DHL đặt mục tiêu sử dụng những chiếc xe tải điện giao hàng chặng cuối chạy ở nhiều thị trường, trong đó có thị trường lái xe bên phải của Vương quốc Anh, các thị trường châu Âu như Đức, Bỉ, Bulgaria, Hà Lan, Cộng hòa Séc, và Mexico.

DHL cũng đang nhắm mục tiêu 60% phương tiện trong lĩnh vực hậu cần của mình là xe điện thuần túy vào năm 2030. Điều đó đồng nghĩa với hơn 80.000 phương tiện sẽ cần được chuyển đổi trong 8 năm tới.

Với việc các phương tiện giao hàng di chuyển quãng đường xa hơn so với nhiều loại xe chở khách khác, tính kinh tế trong việc vận hành và bảo dưỡng phương tiện giao hàng EV đang có lợi cho các nhà khai thác như DHL.

Các hãng logistic lớn trên thế giới đều đặt mục tiêu chuyển sang sử dụng xe điện giao hàng

Coke và Pepsi, 2 đối thủ này cũng không chỉ cạnh tranh trong lĩnh vực nước giải khát mà còn có cuộc tranh giành vị trí đầu tiên trong việc sử dụng xe điện.

Tháng 11 vừa qua, chỉ 1 tuần trước khi Pepsi chuẩn bị nhận những chiếc xe bán tải chạy điện Tesla đầu tiên vào ngày 1/12, Coca-Cola cũng công bố một tin thú vị– công ty bắt đầu giao hàng bằng đội xe tải điện mới.

Coca-Cola Europacific Partners (CCEP) sẽ sử dụng 30 xe tải điện để giao hàng chặng cuối cho các khách hàng địa phương ở Bỉ, với 5 chiếc đầu tiên đã được tung ra thị trường vào tuần cuối tháng 11. Thông qua quan hệ đối tác với Renault Trucks, CCEP mong muốn thành lập một trong những đội giao hàng EV lớn nhất ở Bỉ bằng cách chuyển đổi 1/5 đội xe tải của mình sang xe điện.

Coca-Cola sẽ sử dụng xe tải điện giao hàng để chạy 200 km mỗi ngày, tương đương hơn 40% lộ trình giao hàng của nhà sản xuất nước giải khát. Xe tải EV sẽ sạc qua đêm với cơ sở hạ tầng tại chỗ được cung cấp 100% năng lượng sạch.

Nhà sản xuất xe điện thương mại BILITI Electric, có trụ sở tại California, và gã khổng lồ thương mại điện tử châu Phi JUMIA gần đây đã ký kết quan hệ đối tác để những chiếc xe điện ba bánh sẽ ra mắt đầu tiên ở Kenya. Tại đó, xe tuk-tuk chạy điện sẽ được tích hợp vào đội xe giao hàng hiện có của JUMIA.

Theo ông Rahul Gayam, người đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của BILITI Electric, cho biết hình thức này vừa tiết kiệm chi phí đồng thời cũng hạn chế khí thải. Ông nói: “Chi phí giao hàng chặng cuối chiếm 53% tổng chi phí vận chuyển. Xe điện giúp tiết kiệm chi phí lớn so với bất kỳ phương tiện động cơ đốt trong nào”.

Vào năm 2020, hơn 90% lượng điện sử dụng trong nước được tạo ra từ các nguồn tái tạo như thủy điện, địa nhiệt, năng lượng mặt trời và gió. Một năm trước đó, Kenya cũng đã giảm thuế nhập khẩu đối với xe chạy hoàn toàn bằng điện, sau đó đưa ra một chiến lược toàn diện để tăng cường sử dụng xe điện.

Xe điện giao hàng vừa tiết kiệm chi phí, vừa không phát khí thải ra môi trường

Các công ty giao hàng khác như Amazon cũng đã công bố khoản đầu tư lớn hơn 1 tỷ USD vào các hoạt động giao hàng bằng xe điện ở châu Âu. Gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đã tìm ra một giải pháp đơn giản để thay thế hàng ngàn chuyến giao hàng bằng xe tải của mình, đó là xe đạp điện chở hàng.

Đây là những chiếc xe đạp điện chở hàng bốn bánh trông giống như một chiếc xe tải chở hàng thu nhỏ, nhưng sử dụng hệ thống truyền động của xe đạp điện để đẩy. Các phương tiện này thường được giới hạn ở tốc độ tối đa là 25 km/h, đủ cho mục đích giao hàng ở các trung tâm thành phố đông đúc.

Tất nhiên, Amazon không phải là gã khổng lồ giao hàng duy nhất khám phá việc sử dụng xe đạp điện bốn bánh để giao hàng ở các khu vực đô thị đông dân cư. UPS cũng đã bắt đầu thử nghiệm một chiếc xe đạp chở hàng điện bốn bánh trông giống như một chiếc xe van thu nhỏ của UPS ở Scotland cách đây vài tháng. Sau đó, công ty bắt đầu thử nghiệm các phương tiện tương tự ở New York City, một khu vực khác rất thuận lợi cho việc giao hàng bằng các phương tiện nhỏ.

Đến logistics Việt Nam - bắt kịp xu thế

Ngày 28/11, Công ty Cổ phần Dịch vụ Tức thời Ahamove cho ra mắt dịch vụ xe ôm điện chở người AhaRide tại Đà Nẵng.

Trước đó, hồi giữa tháng 9, Ahamove cũng là đơn vị tiên phong tại Việt Nam ra mắt AhaFast – dịch vụ vận chuyển hàng hóa trên nền tảng công nghệ bằng xe máy điện đầu tiên tại Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, dịch vụ được triển khai tại Đà Nẵng với 100 xe, sau đó sẽ tiến hành mở rộng đến các thành phố lớn khác như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Nha Trang…

2 dịch vụ AhaRide và AhaFast được ra mắt càng giúp Ahamove và VinFast nhanh chóng đạt mục tiêu đã đặt ra là đưa 10.000 xe máy điện vào hoạt động vào năm 2025.

Xe điện cho khả năng vận hành tiết kiệm chi phí hơn xe xăng truyền thống. Ảnh: Ahamove

Đồng thời, dịch vụ mới của Ahamove hoàn toàn phù hợp với định hướng cũng như mục tiêu chung của thành phố Đà Nẵng trong việc hạn chế các phương tiện giao thông kém đảm bảo chất lượng, ảnh hướng đến môi trường xã hội. Đồng thời đem lại cho Đà Nẵng sự phát triển kinh tế, xã hội, hiện đại hóa và tạo thêm việc làm cho người lao động.

Ngày 29/11 vừa qua, Lazada Logistic (thuộc sàn thương mại điện tử Lazada Việt Nam) đã công bố hợp tác cùng Salex Motors, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện thông minh, đưa 100 chiếc xe máy điện vào hoạt động giao hàng tại thị trường Việt Nam trong năm 2023.

Đây là những chiếc xe máy điện “bán tải” đầu tiên ở Đông Nam Á, mà theo tiết lộ của nhà sản xuất có năng lực vận tải vượt trội nhờ vào thiết kế độc đáo và khả năng tiết kiệm chi phí vận chuyển so với các phương tiện truyền thống, tính trên cùng một quãng đường. Ngoài ra, xe được quản lý thông minh, ứng dụng công nghệ IoT và có chi phí bảo trì thấp hơn so với các dòng xe máy xăng phổ thông.

Được biết, năm 2017 Lazada Logistics cũng thí điểm đưa xe đạp điện vào hoạt động giao hàng tại Việt Nam. Mỗi chiếc xe đạp điện có thùng hàng với sức chứa gấp 2 - 3 lần thùng hàng trên xe máy truyền thống, quãng đường di chuyển lên đến 20 km, và thực hiện được hơn 100 đơn hàng cho mỗi lần sạc.

Đầu năm 2022, Honda Việt Nam và Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã bắt tay hợp tác để triển khai thử nghiệm khoảng 70 xe vào việc giao hàng bằng mẫu xe máy điện Honda Benly

Đây là bước tiến quan trọng, góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng xanh, hướng tới mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn từ nay đến năm 2050 – giảm phát thải khí nhà kính bằng 0.

Ngọc Linh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nganh-logistics-day-manh-su-dung-xe-dien-de-giao-hang-post15183.html