Ngành logistic Việt Nam vẫn phát triển kiểu 'nửa nạc, nửa mỡ'

Mặc dù tiềm năng lớn nhưng ngành logistics của Việt Nam phát triển chưa bài bản, chi phí logistic của Việt Nam được xếp vào hàng cao nhất thế giới, chiếm gần 16-17% GDP.

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội thảo “Xây dựng năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng và logistics khu vực châu Âu, châu Mỹ”.

Hội thảo nhằm đóng góp ý kiến, giúp Bộ Công Thương thực hiện thành công Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Trong đó có nhiệm vụ vận động, thu hút đầu tư xây dựng trung tâm logistics để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam tại khu vực châu Âu, châu Mỹ.

5 “điểm nghẽn” lớn

Theo Bộ Công Thương, với bờ biển dài hơn 3.000 km, Việt Nam có những lợi thế rất lớn cho việc phát triển các trung tâm logistics mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, hiện đa số doanh nghiệp logsitics nội địa đang hoạt động do quy mô nhỏ nên năng lực tài chính, trình độ quản lý hạn chế, chủ yếu vẫn dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ logistics 2PL mà cụ thể là dịch vụ vận tải hàng hóa.

Hội thảo “Xây dựng năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng và logistics khu vực châu Âu, châu Mỹ” ngày 20/12 tại Hà Nội. (Ảnh: P.M)

Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thường tìm kiếm các gói dịch vụ logistics tích hợp (phổ biến là 3PL) vốn không đơn thuần là vận chuyển hàng hóa, còn đi kèm với nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác (thủ tục hải quan, lưu kho, đóng gói và phân phối sản phẩm).

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ cho rằng, sự tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam còn muộn hơn so với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu và tiềm năng để các doanh nghiệp Việt phân phối hàng hóa toàn cầu là rất lớn.

Theo Báo cáo phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2018 đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2%. Cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến, nông sản và tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Cùng với việc gia nhập thị trường thì hoạt động dịch vụ logistics và quản lý chuỗi cung ứng, mạng cung ứng kỹ thuật số vừa là điều kiện, vừa là cơ hội.

Ông Linh cho rằng, có 5 “điểm nghẽn” lớn đang ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành logistics Việt Nam, bao gồm: hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ chưa phát triển tương xứng với tốc độ công nghiệp hóa dẫn đến tình trạng quá tải và ùn ứ; quy trình thủ tục hải quan còn nhiều chồng chéo và cứng nhắc làm chậm tốc độ luân chuyển hàng hóa; vận tải biển nội địa chưa được phát huy hết tiềm năng để giảm tải cho vận tải đường bộ; sự phát triển thiếu quy hoạch và thiếu tính liên kết của các cảng và dịch vụ hậu cảng như kho, bãi, trung tâm logistics; doanh nghiệp logistics thiếu sự liên kết.

Vẫn manh mún, thiếu bài bản

Nhận định về thị trường châu Âu, châu Mỹ, theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, với thị trường châu Âu – một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam, việc Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sắp ký kết sẽ mở ra cánh cửa cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ông Thành lưu ý, bên cạnh việc tận dụng FTA để xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp cần lưu ý việc lựa chọn đối tác liên quan đến logistics.

Ngoài ra thị trường Mỹ Latin cũng là một thị trường tiềm năng chưa được khai thác do những rào cản về khoảng cách địa lý, ngôn ngữ…Tuy vậy, với Hiệp định Đối tác toàn diện và tuyến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thị trường Mỹ Latin có thể là một đích đến hứa hẹn mà doanh nghiệp Việt Nam nên hướng đến, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành logistics.

Là một chuyên gia kinh tế từng dự nhiều Hội thảo về logistics trong và ngoài nước, ông Thành đánh giá, mặc dù tiềm năng lớn nhưng ngành logistics của Việt Nam phát triển chưa bài bản, chi phí logistic của Việt Nam được xếp vào hàng cao nhất thế giới, chiếm khoảng 16-17% GDP.

Theo các chuyên gia, cần hỗ trợ một Trung tâm logistics bằng nhiều phương thức vận chuyển. (Nguồn: Báo Giao thông)

“Việt Nam có chiến lược, có Hiệp hội logistics đã hoạt động từ lâu, nhưng chưa nói đến hình hài thì chuỗi hoạt động này ở Việt Nam vẫn rất manh mún, kiểu ‘nửa nạc nửa mỡ’, chưa có định hình rõ ràng”, ông Thành cho hay.

Việt Nam cũng có rất ít nghiên cứu bài bản về logistics. Ông Thành dẫn chứng, cách đây 4 năm mới có một đề tài khoa học về hoạt động này được xuất bản. Do đó, việc học hỏi những năng lực cạnh tranh, việc tham gia chuỗi cung ứng và logistic của Việt Nam với các nước phát triển là rất quan trọng.

Các chuyên gia tại Hội thảo cũng cho rằng, để khuyến khích vận chuyển đa phương thức và xử lý hàng hóa, cần hỗ trợ một Trung tâm logistics bằng nhiều phương thức vận chuyển, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không…

“Bài học kinh nghiệm từ các nước lớn cho thấy, Việt Nam cần xác định vị trí, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia và quốc tế, nằm gần các trung tâm kinh tế thương mại lớn. Xác định được quỹ đất, chi phí và triển vọng cho trung tâm logistics hoạt động trong thời gian dài ra sao? Ngoài ra, với vốn đầu tư lớn cộng với thời gian thu hồi vốn rất dài, rủi ro cao... nên cần có chính sách đặc thù về thuế, hỗ trợ vốn, gắn với đặc khu... để thu hút đầu tư”.

Phan Mích

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/nganh-logistic-viet-nam-van-phat-trien-kieu-nua-nac-nua-mo-83973.html