Ngành Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng-Giống&khác gì với những điều bạn nghĩ?

Bên cạnh người kỹ sư thiết kế, thi công thì người lập kế hoạch, quản lý, giám sát các nguồn nhân lực, vật lực cũng đóng vai trò không thể thiếu trong sự ra đời của mọi công trình. Chính vì thế, lĩnh vực Xây dựng không chỉ là câu chuyện của kỹ thuật mà còn có 'sức mạnh mềm' thuộc về các ngành 'tưởng lạ mà quen' như Kinh tế xây dựng hay Quản lý xây dựng.

Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng - những ngành “đứng sau” các dự án xây dựng hoành tráng

Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng - những ngành “đứng sau” các dự án xây dựng hoành tráng

Tìm hiểu một chút về các ngành học rất có thể sẽ mang đến thêm cho bạn những lựa chọn tiềm năng, bởi trong xu thế phát triển lĩnh vực Xây dựng tại Việt Nam hiện nay thì phát triển nguồn nhân lực về Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng cũng là yêu cầu cấp thiết.

Gia tăng nhu cầu “sức mạnh mềm” trong nhóm ngành Xây dựng hiện nay

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững hướng đến năm 2030. Điều này trở thành động lực mạnh mẽ cho nhóm ngành Xây dựng tại Việt Nam phát triển một cách chủ động; đồng thời cũng đòi hỏi một lực lượng lớn nhân lực trình độ cao nhằm triển khai đề án, phục vụ tốt nhất nhu cầu nhà ở của con người - đặc biệt là ở các đô thị lớn, khi dân số ngày càng tăng nhanh. Yêu cầu về các dự án “xanh”, các công trình công cộng hay các tòa nhà phức hợp cũng khiến nhu cầu nhân lực ngành Xây dựng gia tăng mạnh mẽ.

Trong bối cảnh đó, các ngành Quản lý xây dựng, Kinh tế xây dựng là những ngành nghề cung cấp lực lượng nhân sự tham gia vào quá trình phát triển dự án ngay từ khi “trên giấy” - cụ thể là trong các khâu khảo sát, thẩm định, định giá, đấu thầu,... cho đến khi quản lý, giám sát triển khai, đánh giá nghiệm thu dự án. Với nhu cầu nhân lực tăng cao cùng với yêu cầu được đào tạo bài bản, chuẩn mực, “quyền lực” của các kỹ sư Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dụng chắc chắn là không thể phủ nhận.

Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng: “Sức mạnh mềm” của những công trình “khủng”

Nếu các ngành Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông thiên về hướng kỹ thuật thì Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng là những ngành đòi hỏi năng lực tính toán, quản lý nhằm đảm bảo một công trình vừa đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật, vừa phù hợp định mức kinh tế.

Sinh viên nhóm ngành này được trang bị kiến thức nền tảng về xây dựng trước khi đi sâu vào kinh tế, quản lý...

Cụ thể, với ngành Kinh tế xây dựng, ngoài kiến thức nền tảng về xây dựng, bạn sẽ được học chuyên sâu về định mức kinh tế, định giá công trình, lập và thẩm định dự án, lập và đánh giá hồ sơ đấu thầu,... Ngoài ra thì một ngành học mang yếu tố “kinh tế” như Kinh tế xây dựng không thể thiếu khối kiến thức về kế toán, phân tích kinh tế, đấu thầu, chiến lược và kế hoạch hóa trong xây dựng.

Trong khi đó, ngành Quản lý xây dựng là ngành trực tiếp “chịu trách nhiệm” lập hồ sơ thiết kế tổ chức thi công, tổ chức thực hiện và quản lý tất cả các khâu trong quá trình thực hiện dự án - từ đấu thầu, triển khai thiết kế, thi công đến bàn giao nghiệm thu, thanh quyết toán công trình,... Như thế, Quản lý xây dựng và Kinh tế xây dựng đều không phải là những ngành “vòng ngoài” như nhiều người thường hình dung, mà là những mắc xích không thể thiếu để làm nên thành công của mọi công trình xây dựng.

Chọn bệ phóng vững chắc, nâng cơ hội thành công ngay từ trên giảng đường

Cùng với niềm yêu thích của bản thân thì một môi trường học tập năng động, trẻ trung, hiện đại sẽ là chiến lược thông minh giúp các bạn trẻ yêu thích nhóm ngành Xây dựng nói chung và các ngành Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng nói riêng có một khởi đầu và nền tảng vững chắc để theo đuổi, chinh phục đam mê của mình.

Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) - một trong những địa chỉ uy tín đào tạo nhóm ngành Xây dựng hiện nay

Với phương pháp giảng dạy hiện đại, không chỉ cung cấp nền tảng chuyên môn vững vàng, mà còn tạo điều kiện để các bạn sinh viên tích lũy những kinh nghiệm nghề nghiệp ngay từ trên giảng đường, cùng với trang thiết bị học tập hiện đại, môi trường học chuyên nghiệp, các trường Đại học uy tín như trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM,... sẽ là những địa chỉ phù hợp để bạn lựa chọn thực hiện mong muốn trở thành người nắm giữ “quyền lực mềm” và phát huy hiệu quả nhất “quyền lực” ấy, giữ vai trò không thể thiếu được trong sự phát triển lĩnh vực Xây dựng tại Việt Nam.

Thông tin xét tuyển ngành Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng ở một số trường ĐH:

- Trường Đại học HUTECH: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), C01 (Toán, Văn, Lý), D01 (Toán, Văn, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia; hoặc Xét tuyển học bạ lớp 12 với tổng điểm 03 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên; hoặc Xét tuyển kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQG HCM; hoặc kỳ thi tuyển sinh riêng của HUTECH.

- Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia; hoặc Xét tuyển học bạ với điểm TB của từng môn theo tổ hợp 3 năm lớp 10, 11, 12 từ 6.0 điểm trở lên.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/nganh-kinh-te-xay-dung-quan-ly-xay-dunggiongkhac-gi-voi-nhung-dieu-ban-nghi-1494459.tpo