Ngành kiểm toán hướng tới chất lượng, hiệu quả

Với nhiều giải pháp mới, có tính đột phá, triển khai khai đồng bộ, báo cáo kết quả công tác kiểm toán 6 tháng 2019 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố cho biết đã xử lý tài chính đến ngày 30/6 là 37.513,4 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngay từ đầu năm, Kiểm toán nhà nước đã bám sát định hướng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) để triển khai kế hoạch năm 2019, trong đó tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2019 của KTNN được thực hiện chủ động, có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan, đảm bảo tuân thủ pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai với 220 cuộc kiểm toán.

Bên cạnh việc giảm đầu mối kiểm toán, nhiều giải pháp mới, có tính đột phá đã được KTNN tổ chức triển khai đồng bộ, như: Thí điểm hoán đổi đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, trong đó các KTNN chuyên ngành, khu vực thực hiện hoán đổi các nhiệm vụ kiểm toán tương đồng tại các đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi kiểm toán của mình; đẩy mạnh việc kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; tiếp tục xác định chi tiết danh mục cụ thể các đơn vị, đầu mối, dự án được kiểm toán. Theo đánh giá, đây là điểm khác biệt, đổi mới so với các năm trước, góp phần tăng cường tính minh bạch; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được kiểm toán; hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp với các cơ quan thanh, kiểm tra; giảm thiểu sự phiền hà đối với các đối tượng được thanh tra, kiểm toán.

Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra

Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra

Tại báo cáo hoạt động 6 tháng 2019 của KTNN, với các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm, tính đến 30/6/2019 toàn ngành đã triển khai 126/220 cuộc kiểm toán theo kế hoạch (đạt 57,2%), kết thúc kiểm toán 108/220 cuộc, phát hành 53/246 báo cáo kiểm toán (BCKT). Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, chấp hành tốt Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN, quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước, 100% các cuộc kiểm toán phát hành BCKT theo đúng quy định của Luật KTNN.

Kết quả xử lý tài chính đến ngày 30/6/2019 là 37.513,4 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó, thu về NSNN 9.029,1 tỷ đồng; giảm chi ngân sách Nhà nước (NSNN) 10.076,4 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 18.407,9 tỷ đồng. Đồng thời, qua kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, thay thế nhiều văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân.

Trong đó một số cuộc kiểm toán có kết quả nổi bật như: Chuyên đề việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2017; chuyên đề Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2017; Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam; Kiểm toán ngân sách Bộ Ngoại giao; Dự án xây dựng Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn 1)...; nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập đối với việc thực hiện cơ chế tự chủ trong các trường đại học công lập; thực hiện hợp đồng BT, BOT; quản lý thuế xuất nhập khẩu; công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020...

Trong 6 tháng đầu năm, thanh tra KTNN cũng đã triển khai công tác thanh tra công vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quản lý, điều hành đơn vị và thực hiện hoạt động kiểm toán tại 6 đơn vị theo Kế hoạch thanh tra năm 2019 và 2 cuộc thanh tra đột xuất nhằm kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm toán, góp phần chấn chỉnh kịp thời sai phạm và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của KTNN. KTNN cũng đã tiếp nhận 35 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, đề nghị. Các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN đã được Tổng KTNN chỉ đạo sao gửi đến các KTNN chuyên ngành và khu vực để nghiên cứu khi thực hiện kiểm toán tại các đơn vị có liên quan.

Trong 6 tháng đầu năm, KTNN đã hoàn thành Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 với kết quả xử lý tài chính là 92.499 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN (44.466 tỷ đồng) tăng 18,39% so với năm 2017 (37.556 tỷ đồng). Đồng thời, qua kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, thay thế 160 văn bản pháp luật không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.

Để hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác năm 2019, thời gian tới, lãnh đạo ngành KTNN yêu cầu toàn ngành cần tiếp tục bám sát phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, phát huy những mặt tích cực đã đạt được, khắc phục hạn chế, tồn tại để tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung hoàn thiện và khẩn trương phát hành các BCKT đã kết thúc theo đúng quy định của Luật KTNN, đảm bảo cơ sở pháp lý và chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là kiến nghị về xử lý tài chính và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Đồng thời, tiếp tục kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2018 đối với niên độ ngân sách 2017 theo kế hoạch được duyệt; đôn đốc, cập nhật kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán các năm trước; có giải pháp hiệu quả đối với các đơn vị được kiểm toán không thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của KTNN; đẩy nhanh tiến độ giải quyết, trả lời kiến nghị, khiếu nại của các đơn vị được kiểm toán. Đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kế hoạch công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) năm 2019 đảm bảo tiến độ và chất lượng; tăng cường các cuộc KSCLKT, thanh tra đột xuất, trực tiếp để chấn chỉnh kịp thời đối với các sai sót, tồn tại ngay trong quá trình thực hiện kiểm toán. Xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm, người đứng đầu đơn vị, trưởng đoàn, phó trưởng đoàn, tổ trưởng nếu xảy ra sai phạm hoặc để cấp dưới xảy ra sai phạm trong phạm vi trách nhiệm quản lý được giao.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-kiem-toan-huong-toi-chat-luong-hieu-qua-122219.html