Ngành Kiểm sát có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay

Nếu như Luật PCTN 2005 quy định trách nhiệm của Viện kiểm sát có tính chất nguyên tắc và chủ yếu thông qua hoạt động tố tụng thì Luật PCTN năm 2018 có nhiều điểm mới liên quan đến thực hiện chức năng của Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

Từ khi Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (Luật PCTN) được ban hành, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Luật PCTN đã từng bước giúp tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch, từng bước tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng. Cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ cũng ngày càng được cải thiện. Việc xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng cũng được chú trọng và nâng cao hiệu quả. Bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng bước đầu được củng cố, kiện toàn.

 Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng.

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Những năm gần đây, một số vụ việc, vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, nhưng việc xử lý còn kéo dài, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do những bất cập của Luật PCTN hiện hành và sự thiếu đồng bộ trong các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, như: Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật doanh nghiệp, Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự…

Nếu như Luật PCTN hiện hành quy định trách nhiệm của Viện kiểm sát có tính chất nguyên tắc và chủ yếu thông qua hoạt động tố tụng thì Luật PCTN năm 2018 có nhiều điểm mới liên quan đến thực hiện chức năng của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, được quy định như sau:

- Về tổ chức, cùng với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an thì VKSND tối cao được thành lập đơn vị chuyên trách về phòng chống tham nhũng. Điều 83 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao có đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn”.Trách nhiệm của VKSND trong thực thi Luật PCTN 2018 được quy định cụ thể, đầy đủ hơn, theo đó:

- VKSND tối cao có trách nhiệm tổ chức thực hiện, chỉ đạo thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với tội phạm tham nhũng; điều tra tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, VKSND, Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp (Điều 86, 87).

- VKSND tối cao có trách nhiệm phối hợp với Chính phủ trong việc xây dựng báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc xây dựng báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương (Điều 16).- Trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tịch thu hoặc thu hồi tài sản tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. VKSND tối cao là cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam (Điều 90, 91).

- Để thực hiện có hiệu quả công tác PCTN trong nội bộ ngành Kiểm sát, Luật quy định: Viện trưởng VKSND tối cao quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền quản lý của mình (Điều 25). Viện trưởng VKSND phải tăng cường quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người có chức vụ, quyền hạn khác; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ nhằm ngăn chặn hành vi lạm quyền, nhũng nhiễu và các hành vi khác vi phạm pháp luật trong hoạt động chống tham nhũng. Cán bộ, công chức, viên chức và người có chức vụ, quyền hạn khác của Cơ quan VKSND có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động chống tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật. (Điều 57).

Kiểm sát viên Đào Thịnh Cường - Phó Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội tham gia tranh luận tại phiên tòa. Ảnh TTXVN

- Thông qua các quy định của Luật PCTN 2018 cho thấy ngành Kiểm sát có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh PCTN hiện nay. Nhằm thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, ngành Kiểm sát cần thực hiện các giải pháp sau đây:

1. Tuyên truyền phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, thống nhất có hiệu quả từ nhận thức đến hành động của cán bộ,công chức, viên chức trong ngành trong việc phòng, chống tham nhũng.2. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị chuyên trách về phòng chống tham nhũng, đơn vị thanh tra thuộc VKSND tối cao. Bố trí đội ngũ kiểm sát viên, công chức có đầy đủ năng lực trình độ và bản lĩnh, phẩm chất tốt thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát án điều tra án tham nhũng trong toàn Ngành.

3. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

4. Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng.

5. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát, chủ động thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan theo quy định của Luật PCTN 2018 trong việc báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất và hợp tác quốc tế về PCTN.

6. Thực hiện nghiêm quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn thuộc trong hệ thống Ngành. Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ công vụ.

7. Thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức trong Ngành theo những quy định mới của Luật PCTN 2018.

Bùi Mai Phương - VKSND quận Ba Đình

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/nganh-kiem-sat-co-vai-tro-quan-trong-trong-cuoc-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-hien-nay-70975.html