Ngành kiểm sát chính thức có đơn vị giám định kỹ thuật hình sự

Tại phiên họp thứ 52 diễn ra vào sáng 12/1, UBTVQH đã phê chuẩn quyết định của Viện trưởng VKSNDTC về việc thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự.

Cơ quan điều tra VKSNDTC bắt một điều tra viên Công an huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Cơ quan điều tra VKSNDTC bắt một điều tra viên Công an huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có hiệu lực từ 1/1/2021, tại Khoản 7, Điều 12 quy định: “Viện trưởng VKSNDTC quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC, trình UBTVQH phê chuẩn”,

VKSNDTC trình UBTVQH xem xét, phê chuẩn Quyết định của Viện trưởng VKSNDTC quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự.

Theo Quyết định số 18/QĐ-VKSTC, Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, có tài khoản và con dấu riêng theo quy định pháp luật, có chức năng, nhiệm vụ: thực hiện giám định kỹ thuật hình sự về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật giám định tư pháp; nghiên cứu khoa học chuyên ngành kỹ thuật hình sự về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế chuyên ngành kỹ thuật hình sự về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử theo quy định của pháp luật.

Hằng năm, tổng kết, báo cáo Viện trưởng VKSNDTC về tổ chức, hoạt động giám định kỹ thuật hình sự về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử để báo cáo Quốc hội, đồng thời gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, Bộ Công an theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ khác do Viện trưởng VKSNDTC giao.

Quyết định của Viện trưởng VKSNDTC quy định Phòng Giám định kỹ thuật hình sự là đơn vị cấp phòng thuộc Văn phòng VKSND tối cao. Phòng Giám định kỹ thuật hình sự có Trưởng, Phó phòng, các Giám định viên và công chức khác. Trưởng, Phó phòng phụ trách chuyên môn về giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.

Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, Viện trưởng VKSNDTC có Tờ trình đề nghị UBTVQH phê chuẩn Quyết định trên là thực hiện đúng quy định tại khoản 4 và khoản 7 Điều 12 Luật Giám định tư pháp.

Hồ sơ Tờ trình của Viện trưởng VKSNDTC được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ, đã có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét.

Bà Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thống nhất với tờ trình và Quyết định của Viện trưởng VKSNDTC về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và biên chế, kinh phí hoạt động của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC.

UBTVQH đã biểu quyết để phê chuẩn quyết định của Viện trưởng VKSNDTC về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC với 100% thành viên UBTVQH tham gia biểu quyết tán thành.

lTheo đánh giá của TS Bùi Thị Hạnh, Trưởng khoa PLHS & KSHS, ĐH Kiểm sát Hà Nội, việc thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự trong ngành Kiểm sát góp phần giúp VKS làm tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai trong tố tụng hình sự.

Theo khoản 2 Điều 3 Luật Tổ chức VKSND 2014, VKS thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm “mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội”.

Mục tiêu này cũng là cơ sở khoa học để luật quy định cho VKS thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự trong ngành kiểm sát là biện pháp giúp VKS thực hiện tốt hơn mục tiêu chống oan, sai, xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, bởi:

Thứ nhất, việc giao CQĐT của VKSNDTC điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp đặt ra yêu cầu việc điều tra những tội phạm này cần phải được thực hiện bởi một chủ thể độc lập, tách biệt với các chủ thể điều tra khác. Việc điều tra độc lập thì thiết chế bổ trợ điều tra cũng phải độc lập, đặc biệt là việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ sẽ được thực hiện một cách chủ động, khách quan.

Thứ hai, việc giao cho VKS thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp cần thiết là nhằm khắc phục vi phạm trong quá trình điều tra vụ án, khắc phục sự thiếu sót về chứng cứ hoặc bỏ lọt tội phạm; hoặc để kiểm tra, đánh giá lại những chứng cứ mà CQĐT đã thu thập được.

Việc tiến hành các hoạt động điều tra của VKS đặt ra yêu cầu phải có sự tách biệt với CQĐT, kể cả hoạt động giám định kỹ thuật hình sự. Có như vậy, chứng cứ thu thập được mới khách quan, toàn diện và kịp thời, mới đủ cơ sở để nhận định về giá trị chứng minh của những chứng cứ mà CQĐT đã thu thập được, cũng như mới có thể khắc phục được các vi phạm hoặc sai sót trong quá trình giải quyết vụ án của CQĐT.

V.Sơn - H.Thư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/nganh-kiem-sat-chinh-thuc-co-don-vi-giam-dinh-ky-thuat-hinh-su-567369.html