Ngành hải quan tiếp nhận và xử lý 164.000 hồ sơ thủ tục qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 21/10, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của ngành Hải quan đã tiếp nhận và xử lý gần 164 bộ hồ sơ thủ tục hành chính. Trong đó, Cục Hải quan Hải Phòng dẫn đầu cả nước với gần 43.000 hồ sơ.

Ảnh minh họa: Internet

Trong những năm qua, Hải quan Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh về cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).

Ngay từ năm 2005, thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai thí điểm, đến năm 2013, đã được thực hiện trong phạm vi toàn quốc. Đây chính là bước đột phá trong cải cách thủ tục hải quan, đồng thời tạo tiền đề quan trọng để Hải quan Việt Nam tiếp nhận và triển khai thành công Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS vào năm 2014.

Theo cổng thông tin Tổng cục hải quan, cùng với việc triển khai Cổng thanh toán điện tử, các thủ tục hành chính cốt lõi trong lĩnh vực hải quan đã được cung cấp DVCTT mức độ 4, cho phép thực hiện việc khai báo và thông quan hàng hóa hoàn toàn trên môi trường điện tử một cách nhanh chóng và thuận lợi.

Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, từ đầu năm 2017, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục mở rộng cung cấp DVCTT trên Cổng thông tin điện tử hải quan. Kết quả đến nay 173/183 thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực hải quan hải quan (chiếm hơn 94,5% số lượng TTHC) đã được cung cấp DVCTT mức độ 3 và 4 (trong đó, có 164 TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 4) cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng Internet.

Có thể nói, việc đẩy mạnh triển khai Hệ thống DVCTT đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, giúp giảm thời gian thực hiện TTHC và thời gian chờ đợi phản hồi từ cơ quan hải quan. Qua đó giúp doanh nghiệp giảm được chi phí, tăng khả năng cạnh tranh. Đơn cử như với những DN ở TP. Hồ Chí Minh, nếu gửi công văn, hồ sơ cho Tổng cục Hải quan để thực hiện TTHC thì thời gian công văn đến cũng như quy trình xử lý mất ít nhất cũng vài ngày; còn nếu sử dụng hệ thống DVCTT thì ngay lập tức cơ quan hải quan có thể nhận được hồ sơ và giải quyết cho DN.

Việc giải quyết các TTHC qua Hệ thống DVCTT đồng thời cũng giúp giảm tiếp xúc giữa DN với cán bộ công chức, nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Kể từ khi được triển khai (tháng 3/2017), tính đến ngày 21/10, hệ thống DVCTT đã tiếp nhận và xử lý gần 164.000 hồ sơ TTHC. Trong đó, Cục Hải quan Hải Phòng dẫn đầu với 43.000 hồ sơ; Cục Hải quan Bình Dương 23.000 hồ sơ…

Với mục tiêu Xây dựng Hải quan Việt Nam trở thành cơ quan hải quan điện tử hiện đại, đi đầu trong cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh mối quan hệ đối tác trong và ngoài nước, tạo thuận lợi cho các đối tác trong thực hiện thủ tục hải quan, Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh cung cấp DVCTT, đảm bảo kịp thời cung cấp DVCTT trong trường hợp có sự sửa đổi hoặc bổ sung các TTHC trong lĩnh vực hải quan.

D.V

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/cntt/nghi-quyet-36nqtw/nganh-hai-quan-tiep-nhan-va-xu-ly-164-000-ho-so-thu-tuc-qua-he-thong-dich-vu-cong-truc-tuyen-174202.ict