Ngành Hải quan: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện cải cách hành chính

Theo kế hoạch cải cách hành chính của Tổng cục Hải quan năm 2019 vừa được ban hành, ngành Hải quan tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trong việc tham mưu, giúp Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa XNK; thống kê hàng hóa XNK.

Ngành Hải quan tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Ảnh: H.Nụ

Ngành Hải quan tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Ảnh: H.Nụ

Đặc biệt, ngành Hải quan tiếp tục tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện cải cách hành chính; xác định rõ kết quả đạt được, những nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện và bố trí nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan kết quả thực hiện cải cách hành chính theo quy định.

Tổng cục Hải quan sẽ lồng ghép, kết hợp các hoạt động cải cách hành chính với kế hoạch hoạt động chung của Ngành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công vụ và các hoạt động khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Xác định rõ các nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm để tập trung thực hiện hiệu quả, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Hải quan đáp ứng yêu cầu: Kỷ cương - Hành động - Hiệu quả.

Tiếp tục nghiên cứu đề xuất hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan; thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), hướng tới các tiêu chuẩn phổ biến của các nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng công tác cho ý kiến về mặt pháp lý dự thảo văn bản QPPL; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản QPPL quy định điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là các văn bản, quy định mới ban hành và thủ tục hành chính. Tiếp tục triển khai Đề án quản trị Kế hoạch cải cách phát triển hiện đại hóa Hải quan giai đoạn 2016 - 2020.

Ngành Hải quan sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá qua đó đề xuất các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan và triển khai thực hiện các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt, trong đó tập trung vào nghiên cứu giảm thời gian, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới người dân, DN.

Triển khai kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, của Tổng cục Hải quan về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Nâng bậc xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam trong năm 2019 tăng từ 3 - 5 bậc so với năm 2018.

Rà soát, thống kê thủ tục hành chính trong các văn bản QPPL mới ban hành để trình Bộ Tài chính công bố thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan. Thực hiện đăng tải công khai thủ tục hành chính và địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, DN về thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan, các trang thông tin điện tử của cục hải quan tỉnh, thành phố, tại trụ sở cơ quan Hải quan và địa điểm làm thủ tục hải quan; cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Tổ chức triển khai Cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của Chính phủ. Nghiên cứu xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; triển khai tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; tổ chức hội nghị đối thoại với các DN về việc tuân thủ chính sách, pháp luật và việc thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hải quan.

Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra sau thông quan đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa hải quan. Tăng cường kiểm tra các trường hợp DN có rủi ro cao, hoạt động XNK phức tạp và thực hiện sản xuất, XNK tại nhiều địa phương khác nhau; kiểm tra các lĩnh vực, vấn đề nổi cộm như về trị giá hải quan. Chú trọng nâng cao công tác thu thập, phân tích thông tin phục vụ hoạt động kiểm tra sau thông quan, xác minh thông tin và xử lý kết quả kiểm tra sau thông quan.

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các đơn vị trong ngành Hải quan bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng khung năng lực chuyên môn nghiệp vụ lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở xuống đối với 6 lĩnh vực nghiệp vụ chính: Giám sát quản lý, thuế XNK, kiểm tra sau thông quan, điều tra chống buôn lậu, quản lý rủi ro, xử lý vi phạm. Xây dựng khung năng lực lĩnh vực thanh tra, kiểm định hải quan...

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, đặc biệt quan tâm đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý chuyên gia, công chức cấp cơ sở và thực hiện đúng lộ trình phát triển các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tài chính theo Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tài chính giai đoạn 2012 - 2020; đổi mới nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức gắn với kế hoạch, quy hoạch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan.

Năm 2019, ngành Hải quan cũng sẽ triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Quyết liệt triển khai các giải pháp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2019 được giao là 300.500 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả đó, ngành Hải quan sẽ tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và DN. Tổ chức triển khai Nghị quyết 02/NQ/BCSĐ ngày 9/3/2018 của Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Nâng cao hiệu quả sử dụng Hệ thống thông quan điện tử, mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Phối hợp với Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã ký kết thực hiện dự án phối hợp thu 24/7 tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa nhanh chóng.

Tuấn Kiệt

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/nganh-hai-quan-tang-cuo-ng-tra-ch-nhie-m-nguo-i-du-ng-da-u-trong-thuc-hien-cai-cach-hanh-chinh-100562.html