Ngành hải quan chủ động phòng, chống tiêu cực

Những năm qua, ngành hải quan luôn chủ động thực hiện nhiều biện pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đấu tranh phòng, chống tệ phiền hà sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm làm trong sạch nội bộ, xây dựng Hải quan Việt Nam chuyên nghiệp - minh bạch - hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân do thiếu tu dưỡng, thiếu rèn luyện đã vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý với nhiều hình thức. Năm 2018, ngành hải quan xử lý 51 trường hợp vi phạm, trong đó khiển trách 21 trường hợp, cảnh cáo 22 trường hợp, buộc thôi việc tám trường hợp, luân chuyển 2.353 lượt cán bộ, công chức. Cùng với đó, tiến hành 129 cuộc thanh tra chuyên ngành và 264 cuộc kiểm tra nội bộ, từ đó kiến nghị truy thu và xử phạt vi phạm hành chính gần 250 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 212 tỷ đồng, bao gồm số thu từ kiến nghị năm 2017.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, việc kiểm tra, giám sát, kiểm tra công vụ để phòng ngừa, phát hiện tiêu cực, phiền hà sách nhiễu, tham nhũng của cán bộ hải quan và xử lý nghiêm minh các sai phạm, luôn được đặt lên hàng đầu. Tổng cục Hải quan đã ban hành Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm của công chức trong ngành hải quan, trong đó quy định hơn 300 mục thuộc hành vi vi phạm, từ tư thế, tác phong, lễ tiết, văn hóa ứng xử đến các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan... tùy theo tính chất mức độ mà áp dụng chế tài xử lý. Quan trọng hơn, quy chế hướng tới việc giúp công chức hải quan nhận thức rõ ràng hành vi nào là vi phạm để phòng tránh. Công tác trực ban, giám sát trực tuyến cũng là kênh quan trọng để phát hiện dấu hiệu vi phạm, từ đó thanh tra kịp thời chủ trì kiểm tra, xác minh đột xuất để ngăn chặn và đề nghị xem xét, xử lý.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Tổng cục Hải quan nhận được những phản ánh, dư luận về một số cán bộ, công chức hải quan có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu; thu các khoản chi phí không chính thức, hiện tượng “tham nhũng vặt”, gây ảnh hưởng kỷ luật, kỷ cương toàn ngành, làm suy giảm lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp, tác động xấu đến đơn vị, cần phải kiểm điểm nghiêm khắc, khẩn trương khắc phục ở tất cả các cấp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tháng 5-2019, trước thông tin về việc các lực lượng chức năng tại cửa khẩu La Lay (Quảng Trị), trong đó có cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu La Lay (Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị) có dấu hiệu nhận tiền “bôi trơn” khi thực hiện thủ tục cho hành khách, phương tiện qua cửa khẩu, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị kiểm tra, xác minh vụ việc, kiên quyết xử lý tập thể, cá nhân liên quan sai phạm. Qua đó, có năm cán bộ, nhân viên đơn vị này bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, bốn người trong số đó bị chuyển khỏi các vị trí tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, không bố trí công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong thời hạn ít nhất hai năm…

HIỆN, toàn ngành hải quan đang nỗ lực triển khai các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về kỷ cương, kỷ luật hành chính, phòng, chống các biểu hiện sách nhiễu, phiền hà của công chức hải quan khi thi hành công vụ. Phối hợp cấp ủy đảng cùng cấp tăng cường công tác quán triệt, phổ biến, triển khai chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng trong đơn vị. Ngoài việc tuyên truyền trong nội bộ ngành, tiếp tục quan tâm tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân trong công tác chống tiêu cực trong ngành hải quan. Tiếp đó, tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công chức thừa hành, thực hiện thường xuyên, theo kế hoạch hoặc đột xuất. Cụ thể, yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành thường xuyên, liên tục thực hiện kiểm tra, tự kiểm tra và xử lý vi phạm theo phạm vi, thẩm quyền. Chủ động phát hiện, xử lý tình trạng “tham nhũng vặt” ở cơ quan, đơn vị mình; chọn một số vụ việc trong các khâu, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm để xử lý nghiêm và công khai nhằm tăng cường tính răn đe.

Giải pháp quan trọng nữa là phát huy hiệu quả thông tin từ phòng giám sát trực tuyến để phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm gắn xem xét trách nhiệm người đứng đầu nơi để xảy ra tiêu cực. Công chức trong ca trực ban, giám sát trực tuyến, trưởng ca trực phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm và ghi chép, phản ánh đầy đủ tình hình trong ca trực. Xử lý cụ thể trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc, không đầy đủ các kết luận, kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các đoàn kiểm tra, giám sát của cơ quan hữu quan khác.

VĨNH KHANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/40533802-nganh-hai-quan-chu-dong-phong-chong-tieu-cuc.html