Ngành GTVT vượt khó khăn, 'đánh thức' tiềm năng nội lực

Phát huy sức mạnh nội tại, tận dụng mọi thời cơ, nắm bắt sự vận động của cơ chế thị trường, xu hướng phát triển của xã hội, các lĩnh vực của ngành GTVT đã có sự nỗ lực lớn, bước qua từng giai đoạn khó khăn để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2018, nhiều 'điểm sáng' trong Ngành xuất hiện với quyết tâm 'bứt phá', tạo dựng diện mạo GTVT đất nước hiện đại, phát triển.

Ông Nguyễn Văn Huyện Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN

Ông Nguyễn Văn Huyện Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN

"Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành đường bộ"

Những năm qua, Tổng cục ĐBVN đã tập trung đẩy mạnh xây dựng các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành đường bộ như hệ thống quản lý tài sản đường bộ RAMPS, hệ thống quản lý mặt đường PMS, quản lý cầu BMS, hệ thống giám sát hành trình, cấp đổi giấy phép lái xe… tiến tới tự động hóa trong việc khảo sát thu thập tài sản đường bộ, lập kế hoạch bảo trì đường bộ.

Bên cạnh việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục đã triển khai mới hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc chủ yếu trên môi trường điện tử giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc phục vụ người dân và doanh nghiệp; xây dựng Trung tâm dữ liệu dự phòng hệ thống cấp đổi giấy phép lái xe...

Từ nay đến năm 2020, Tổng cục ĐBVN sẽ triển khai một số nội dung: Xây dựng hệ thống thông tin quản lý điều hành tập trung của Tổng cục ĐBVN; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc kết nối với hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc Bộ GTVT; xây dựng các hệ thống nghiệp vụ chuyên ngành đường bộ; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo kết nối chia sẻ dữ liệu dùng chung với hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GTVT; thực hiện đánh giá, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng cho các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của Tổng cục ĐBVN, bảo đảm thực hiện kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ GTVT.

"Phát triển hàng không trên bình diện tổng thể quốc gia"

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

Thời gian qua, loại hình GTVT hàng không phát triển với tốc độ rất nhanh. Đây là xu thế của đất nước, của thời đại khi hàng không có những lợi thế riêng. Nhiều địa phương, vùng miền kiến nghị rằng địa phương mình, khu vực mình cũng cần phải có sân bay để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Chúng ta cần khẳng định đó là suy nghĩ chưa hoàn toàn chính xác bởi không phải cứ có sân bay thì địa phương đó mới có điều kiện phát triển.

Nhìn một cách tổng thể, mạng lưới sân bay của Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới hiện vẫn còn khiêm tốn, tuy nhiên sự phân bổ vị trí các sân bay tại các vùng miền, khu vực là hợp lý bởi ngoài mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì an ninh - quốc phòng luôn là một yếu tố vô cùng quan trọng mà ngành Hàng không phải đảm trách.

Năm 2018, thị phần vận tải hàng không tăng trưởng 15,9% so với năm 2017. Con số đó nói lên nhiều điều. Trong khi các phương tiện GTVT khác tuy đã có nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nhưng hàng không vẫn là phương tiện mà người dân ưa chuộng. Các sân bay của nước ta có quy mô nhỏ, trong khi lượng hành khách ngày càng gia tăng, điều đó đồng nghĩa áp lực lên hệ thống quản lý, điều hành bay, cơ sở vật chất phục vụ là rất lớn.

Những kết quả mà ngành Hàng không đạt được trong năm qua là sự nỗ lực vượt bậc của các đơn vị, hệ thống, bộ phận hàng không. Bước sang năm mới 2019, ngành Hàng không sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa để đáp ứng sự tin tưởng của người dân, góp sức vào công cuộc xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tăng “lực đẩy” khơi thông “điểm nghẽn” đường thủy

Ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

Với chính sách khuyến khích phát triển đường thủy nội địa (ĐTNĐ) của Chính phủ, năm 2018 và 2019, nguồn ngân sách nhà nước cho công tác bảo trì được tăng lên mức 1.000 tỷ đồng. Tăng nguồn vốn là “lực đẩy” quan trọng giúp khơi thông phần nào những “điểm nghẽn” về hạ tầng luồng tuyến, cảng bến vốn là “rào cản” kìm hãm sự phát triển của vận tải thủy nội địa thời gian qua.

Tiềm năng của ĐTNĐ sẽ thực sự “trỗi dậy” khi dẹp bỏ những hạn chế trong việc tiếp cận vận tải đa phương thức, đồng thời phải đẩy nhanh tiến trình container hóa trong chuỗi logistics để mở rộng số lượng hàng hóa. Mặt khác, cần có những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy việc hiện đại hóa hệ thống cảng, bến thủy nội địa.

Để tạo đột phá cho ĐTNĐ sẽ là cả một quá trình còn nhiều thách thức. Trước mắt, lĩnh vực ĐTNĐ phải dẹp bỏ những “rào cản”, đảm bảo kết cấu hạ tầng phục vụ tốt cho phương tiện vận tải, cùng với đó là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin hiện đại, tự động hóa hệ thống quản lý, bảo trì.

Ở góc độ chiến lược, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các cơ chế, chính sách thông thoáng, xúc tiến các nguồn vốn đầu tư hạ tầng, đặc biệt là đầu tư phát triển các hành lang đường thủy và logistics.

Chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng hàng hải

Ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam

Để có kết quả tích cực trong năm 2018, Cục Hàng hải Việt Nam đã xác định các lĩnh vực trọng tâm, cần đầu tư, kết hợp thực hiện bảo trì và sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng hàng hải nhằm tăng cường năng lực vận tải biển; xác định rõ và huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải; ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới nhằm hạ giá thành đầu tư xây dựng công trình; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, chú trọng việc cho thuê khai thác cầu bến cảng biển quan trọng và bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải.

Năm 2019, Cục sẽ tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải như nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng container Cái Mép; đầu tư nạo vét luồng hàng hải qua cửa Trần Đề cho tàu biển 2.000 DWT (đoạn từ Vàm Nhơn Mỹ đến cửa Trần Đề; đầu tư xây dựng công trình nạo vét luồng hàng hải Phan Thiết cho tàu biển 1.000 DWT; xây dựng các trạm luồng hàng hải và các công trình đèn biển.

Công nghệ có ý nghĩa then chốt đối với đường sắt Việt Nam

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Thời gian qua, nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, trong khi xã hội hóa khó khăn là nguyên nhân chính cản trở phát triển, hiện đại hóa đường sắt. Nguyên nhân của thực trạng này là nhận thức về vai trò của đường sắt trong tổng thể kết cấu hạ tầng GTVT nói chung chưa nhất quán và đầy đủ, chưa có một bài toán để khẳng định đường sắt phải chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần vận tải, từ đó có cơ cấu đầu tư phù hợp.

Chính vì vậy, năm 2019 đường sắt Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vào tái cơ cấu quản trị, bao gồm phần mềm bán vé, hàng hóa, theo dõi kết cấu hạ tầng; tái cơ cấu khoa học - công nghệ (thiết bị hạ tầng, hệ thống thông tin tín hiệu chạy tàu, thiết bị bốc xếp, thiết bị duy tu bảo dưỡng công trình, cơ khí đóng tàu) vì công nghệ có ý nghĩa then chốt, cấu thành lên chi phí vận hành và lợi nhuận.

Đồng thời, ngành Đường sắt sẽ tập trung khai thác an toàn cao nhất kết cấu hạ tầng hiện có, đa dạng hóa dải vé, chất lượng dịch vụ vận tải. Về vận tải hành khách, Ngành sẽ tập trung các tuyến có lợi thế và cự ly trung bình như Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh để có thể cạnh tranh với phân khúc vận tải khác. Ngành ÐSVN sẽ ưu tiên đầu tư tàu tốt, bố trí giờ đẹp đối với tuyến này để chú trọng vào hành khách đi du lịch, đồng thời bán vé ô tô kết nối từ ga đường sắt đến điểm du lịch. Ðường sắt phải hướng ra bên ngoài, thay đổi tư duy từ việc nhỏ nhất, tránh đi vào lối mòn cũ, học hỏi những tiện ích, chất lượng dịch vụ ưu việt của các đơn vị khác để áp dụng.

Nhóm PV

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/nganh-gtvt-vuot-kho-khan-danh-thuc-tiem-nang-noi-luc-d71388.html