Ngành gỗ Việt Nam với 'đơn hàng' 20 tỉ USD của Thủ tướng

Tại Hội nghị 'Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu' hôm 8/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành cần phải nỗ lực hơn nữa để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước và đến năm 2025 đạt 20 tỉ USD xuất khẩu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Những kiến nghị

Đánh giá thực trạng ngành gỗ và chế biến lâm sản xuất khẩu, Bộ NN-PTNT nhìn nhận trong 10 năm qua giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm lâm sản tăng hơn 2,7 lần. Từ 2,3 tỉ USD xuất khẩu năm 2007 lên hơn 8 tỉ USD hiện nay, là ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành nông lâm thủy sản. Trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới. Sản phẩm gỗ Việt đã xuất hiện tại 120 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Tiềm năng phát triển của ngành còn nhiều nhờ dư địa thị trường thế giới và lộ trình hiệu lực từ hiệp định Việt Nam-EU (EVFTA) xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với các mặt hàng đồ gỗ nội thất, văn phòng...

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều trở ngại mà các DN cần phải khắc phục. Đó là tình trạng gia tăng nhập khẩu nguyên liệu, ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu, phải nhập khẩu từ bên ngoài làm tăng chi phí, giảm cạnh tranh. Thiếu chuỗi liên kết đồng bộ từ sản xuất-quảng bá-phân phối sản phẩm. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ Việt Nam chưa được chú trọng...

Ông Nguyễn Sỹ Hoài (VIFORES) nêu câu hỏi: “Trong thời gian tới, ngành gỗ Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng tăng kim ngạch xuất khẩu, hay chuyển hướng tăng trưởng dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, tức là tăng giá trị tạo ra dựa trên nguyên liệu đầu vào, ngày công của công nhân để có sản phẩm giá trị cao? Đài Loan, Indonesia, Malaysia và cả Trung Quốc đang ngày càng thu hẹp ngành gỗ do giá nhân công tăng. Đây cũng là tương lai không xa mà Việt Nam không thể dựa vào làm thế mạnh”. Để ngành phát triển bền vững, ông Hoài kiến nghị các giải pháp để nâng cao năng lực tiếp thị, quảng bá sản phẩm cho ngành.

Đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, Chủ tịch Nguyễn Quốc Khanh tham luận: ngành gỗ cần được Chính phủ hỗ trợ để thay đổi tầm nhìn, lựa chọn là ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam thành trung tâm sản phẩm gỗ và nội thất chất lượng cao, hợp pháp của thế giới dựa trên nội lực có sẵn. Tiềm năng từ thị trường thế giới rất lớn mà Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm lĩnh. Nhu cầu thị trường thế giới khoảng 428 tỉ USD, thị trường tiêu thụ khoảng 141 tỉ USD và dự kiến tăng thêm 4% trong năm nay. Việt Nam chỉ mới chiếm 6% thị trường thế giới là chưa tương xứng. Nếu làm tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên top 3 thế giới trong thời gian tới, rất ít ngành sản xuất trong nước có được tiềm năng này.

HAWA kiến nghị, dù DN đã và đang nỗ lực, Chính phủ cần có thêm sự trợ giúp về chính sách để phát triển bền vững thông qua các chiến lược về nguyên liệu, ổn định lao động. Hạn chế nhập khẩu nguyên liệu có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, phù hợp với tinh thần của VPA/FLEGT mà Việt Nam sắp ký kết. Mục tiêu trong 10 năm tới là ngành gỗ Việt Nam từ chỗ 80% OEM (gia công) chuyển thành 80% ODM (sản xuất có bản quyền), gia tăng hàm lượng chất xám cho sản phẩm, đầu tư sáng tạo để xây dựng bản sắc phong cách gỗ Việt, làm tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, việc phát triển xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cũng cần được Nhà nước hỗ trợ thông qua xây dựng các trung tâm giao dịch, triển lãm quy mô 6-8ha tại TP.HCM thông qua hình thức đấu thầu khai thác. Không làm mất vốn mà còn thu được thuế bền vững.

20 tỉ USD không phải là con số viển vông

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực của các DN trong ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của ngành trong cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, chưa có nhiều DN Việt Nam trong ngành gỗ có được thương hiệu mang tầm vóc quốc tế. Nhiều DN nhỏ và vừa vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất trong khi dư địa phát triển của ngành rất lớn, các DN trong ngành gỗ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đồ gỗ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành cần kiên quyết hơn trong việc thực thi chính sách bảo vệ rừng tự nhiên. Triệt để ngăn chặn phá rừng tự nhiên để trồng cây công nghiệp để phát triển bền vững. Năm 2017 luật Lâm nghiệp đã được thông qua trong đó coi ngành lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, liên kết trên chuỗi giá trị sản phẩm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm lâm nghiệp. Ngành cần tuyên truyền quảng bá người dân thay đổi tập quán sử dụng gỗ, từ bất hợp pháp sang hợp pháp, từ rừng tự nhiên sang gỗ rừng trồng.

Thủ tướng đưa “đơn hàng” cho ngành: 10 năm tới chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phải là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, là trung tâm hàng đầu về sản xuất đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu uy tín, hợp pháp của thế giới. Nếu năm 2018 mục tiêu đạt 9 tỉ USD, năm 2019 đạt 11 tỉ USD thì 2025 phải đạt 18-20 tỉ USD, đó không phải là con số viển vông vì các DN trong ngành đều đang rất sẵn sàng, ngành lại có đóng góp lớn vào nền kinh tế. Thủ tướng cho rằng, tất cả mục tiêu và các yếu tố phát triển của ngành sẽ không thể đạt được nếu bỏ qua khâu xây dựng thương hiệu DN, nhất là thương hiệu mang tầm vóc quốc tế.

Bộ NN-PTNT và Văn phòng Chính phủ đã dự thảo Chỉ thị để sau hội nghị này Thủ tướng sẽ ban hành văn bản quy phạm cần thiết để ngành gỗ Việt Nam có điều kiện phát triển nhanh hơn.

Bài & ảnh: LẠC LÂM

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nganh-go-viet-nam-voi-don-hang-20-ti-usd-cua-thu-tuong-9829.html