Ngành gỗ phải cạnh tranh chất xám chứ không phải sức mạnh cơ bắp

Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ muốn có chỗ đứng trên thị trường cần chú trọng đến sáng tạo và thiết kế, phải cạnh tranh bằng chất xám và sáng tạo chứ không phải sức mạnh cơ bắp. Có như vậy, doanh nghiệp mới kiểm soát được khách hàng, không chịu nhiều sức ép về cạnh tranh trên thị trường.

Đơn hàng xuất khẩu gỗ dồi dào

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là đồ gỗ nội thất chất lượng cao, sản phẩm đồ gỗ ngoại thất.

3 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ đạt bình quân 750 triệu USD/tháng

3 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ đạt bình quân 750 triệu USD/tháng

Năm 2018 ghi nhận những thành công của ngành gỗ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản vượt ngưỡng 9,3 tỷ USD, chiếm trên 25% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp, giá trị suất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD. Tiếp đà thành công đó, năm 2019, ngành lâm nghiệp phấn đấu xuất khẩu đạt 11 tỷ USD, năm 2020 đạt 13 tỷ USD và đến năm 2025 đạt 20 tỷ USD.

Các hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… đang cho thấy những tác động tích cực lên ngành xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Số liệu từ Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho thấy, 3 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ đạt bình quân 750 triệu USD/tháng, tăng bình quân 100 triệu/tháng so với các năm trước.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ chia sẻ, trong bối cảnh thị trường có nhiều triển vọng, CPTPP giống như chất xúc tác thêm vào cho ngành này. Vì thế, không chỉ năm 2019 mà cả năm tới, đơn hàng xuất khẩu gỗ sẽ ngày càng nhiều cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp lớn xuất khẩu gỗ hiện nay đều là doanh nghiệp FDI. Từ năm 2016 tới nay, thu hút FDI vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam đã tăng đáng kể, đạt bình quân khoảng 70 doanh nghiệp/năm và dự kiến còn tiếp tục tăng hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, từ chỉ có khoảng 600 doanh nghiệp FDI vào năm 2016 thì nay đã tăng lên 800 doanh nghiệp. Đáng chú ý, nếu như trước đây chỉ có các doanh nghiệp đến từ Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông đầu tư thì nay có thêm các quốc gia đến từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước trong khối CPTPP như Canada, Chile…

Phải chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, với những lợi thế về xuất khẩu nhờ những hiệp định thương mại được ký kết gần đây, ngành gỗ trong tương lai có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của ngành là rất ít doanh nghiệp ngành chế biến gỗ Việt Nam có thể tự thiết kế mẫu mã để bán trực tiếp cho khách hàng, vì vậy giá trị sản phẩm thấp và sức cạnh tranh không cao.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu đồ gỗ nội thất chất lượng cao

Trong chuỗi giá trị, sản phẩm gỗ gồm bốn giá trị: sản xuất, thương mại, thiết kế và thương hiệu. Hiện ngành chỉ mới đạt được giá trị sản xuất ở mức trung bình vì năng suất chưa cao, chất lượng chưa ổn định do trình độ tổ chức, công nghệ và kỹ năng lao động. Nguyên nhân vì hầu hết nhà sản xuất Việt Nam thực hiện theo đơn đặt hàng của thương nhân nên ít chú trọng đến giá trị thương mại. Vì thế, thụ động và ít phát triển marketing, chưa có nhiều hệ thống phân phối ra thị trường để khai thác giá trị thương mại của sản phẩm.

Cùng với đó, một thực tế đang diễn ra cản trở việc nâng giá trị của các sản phẩm đồ gỗ đó là, các nhà sản xuất hiện mới chú trọng kiếm tiền từ hiệu quả phần cứng sản phẩm mà chưa phát triển phần mềm thông qua thiết kế và kỹ năng lao động để đưa tư duy sáng tạo vào sản phẩm nhằm nâng cao giá trị ngoài sản xuất.

Thực tế hiện nay, mặc dù Việt Nam có nhiều nhà sản xuất lớn, công nghệ hiện đại nhưng hiếm có công ty nào có tên tuổi trên thị trường quốc tế và để lại dấu ấn sâu đậm trên thị trường quốc nội. Việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và cả thương hiệu quốc gia cũng chưa chú trọng đúng mức.

Bình luận về vấn đề này, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ thừa nhận, rất ít công ty có thể tự thiết kế mẫu mã để bán trực tiếp cho khách hàng, vì vậy giá trị sản phẩm thấp và sức cạnh tranh trên thị trường không cao.

Khẳng định cơ hội của ngành gỗ đang rộng mở, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cũng thẳng thắn chỉ ra thách thức phải giải quyết, như cần vốn lớn để cải tiến máy móc, cải tiến năng lực sản xuất để có thể đáp ứng được các đơn hàng lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi cho chế biến gỗ, cụ thể là quy hoạch khu công nghiệp tập trung cho doanh nghiệp gỗ, giúp tạo sức mạnh cộng hưởng, tăng sự liên kết, phân công lao động…

Minh Lê

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nganh-go-phai-canh-tranh-chat-xam-chu-khong-phai-suc-manh-co-bap-532920.html