Ngành gỗ muốn tiến lên phân khúc cao hơn

Bên cạnh những giá trị sản xuất đã đạt được thời gian qua, các DN chế biến gỗ Việt Nam đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới việc đầu tư cho các giá trị vô hình như thiết kế, thương hiệu. Đây cũng là nền tảng để bước chân vào phân khúc cao hơn, đạt thặng dư lớn hơn.

Giá trị sản xuất của ngành gỗ sẽ không còn nhiều dư địa để khai thác do những khó khăn về lao động, quỹ đất để xây dựng thêm nhà máy. Ảnh: N.H

Giá trị sản xuất của ngành gỗ sẽ không còn nhiều dư địa để khai thác do những khó khăn về lao động, quỹ đất để xây dựng thêm nhà máy. Ảnh: N.H

Tầm nhìn mới

Dù số lượng xuất khẩu thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam, nhưng ngành nội thất Ý vẫn luôn vững vàng ở vị trí Top 5 quốc gia có giá trị xuất khẩu nội thất cao nhất thế giới. Tất cả là nhờ các sản phẩm nội thất của Ý luôn có giá trị rất cao. Với quan niệm “không bán sản phẩm mà bán cảm xúc”, những thương hiệu Ý từ lâu đã trở thành hình mẫu và chuẩn mực về thiết kế, chinh phục cả thế giới. Câu chuyện thành công của Ý chính là nỗi đau đáu của không ít DN hoạt động trong ngành nội thất của Việt Nam trong rất nhiều năm qua, những người muốn đưa ngành gỗ Việt Nam thoát khỏi thân phận gia công và vươn lên một tầm cao mới.

Theo định hướng của Chính phủ, ngành chế biến gỗ đã đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và vươn lên thứ 4 những quốc gia xuất khẩu đồ gỗ nhiều nhất thế giới. Mức kim ngạch này là gần gấp đôi so với kết quả đã đạt được trong năm 2019 là 10,5 tỷ USD. Các chuyên gia nhận định, để đạt được con số đó, ngành gỗ không thể tiếp tục chỉ dựa vào giá trị sản xuất mà cần khai thác các giá trị cao hơn. Bởi lợi thế về giá nhân công rẻ đã không còn nhiều, quỹ đất để xây dựng, mở rộng nhà máy cũng là bài toán vô cùng khó khăn hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai đã phân tích, trong 5 giá trị cốt lõi của ngành gỗ gồm sản phẩm, công nghệ, thiết kế, thương hiệu và tính bền vững, Việt Nam đã sở hữu được 3 yếu tố là sản phẩm, công nghệ và tính bền vững. Điều mà Việt Nam đang thiếu là thiết kế và thương hiệu. Hai giá trị này sẽ là đòn bẩy để DN đạt đến giá trị thặng dư cao hơn. Bởi lẽ giá trị tiêu dùng của ngành gỗ và nội thất toàn cầu lên tới 450 tỷ USD, nhưng giá trị sản xuất chỉ chiếm 140 tỷ USD, còn lại chia đều cho các lĩnh vực sáng tạo, thương mại và thương hiệu. Thời gian qua, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam dù đạt tăng trưởng nhanh, nhưng mới chỉ khai thác được giá trị sản xuất. “Nếu chúng ta định hướng lại câu chuyện của ngành chế biến gỗ theo hướng 450 tỷ USD, tham gia vào các khâu thiết kế, thương hiệu, thương mại… thì giá trị nhận được so với hiện tại sẽ là rất lớn” – ông Trai nhìn nhận.

Khai thác giá trị thiết kế

Tại lễ trao giải Hoa Mai – Cuộc thi thiết kế mẫu nội ngoại thất gỗ do Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) tổ chức mới đây, lần đầu tiên ban tổ chức giải tiến hành một cuộc đấu giá các sản phẩm thiết kế của các thí sinh đoạt giải. Và điều bất ngờ là các mẫu thiết kế đã thu hút được sự quan tâm của các DN tham gia. Phiên đấu giá diễn ra gay cấn và kịch tính với giá mua liên tục được đẩy lên cao, hệt như những buổi đấu giá lớn tại nước ngoài. Điển hình như chiếc ghế dựa có tên “Minnaar Chair” của Quách Minh Quân (sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng) đã được hai DN là AKA Group và Tân Thành Furniture tranh giành quyết liệt. Sau nhiều lần tăng giá mua, quyền sở hữu thiết kế của chiếc ghế này thuộc về Tân Thành Furniture với giá lên tới 42 triệu đồng, dù giá đề xuất ban đầu chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng. Sự sôi động trong phiên đấu giá tại lễ trao giải Hoa Mai vừa qua đã cho thấy mức độ quan tâm của các DN gỗ Việt Nam đối với việc đầu tư cho khâu thiết kế đang tăng lên nhanh chóng.

Công ty AA hiện được xem là hình mẫu thành công trong ngành gỗ nội thất của Việt Nam khi đã tham gia cả thiết kế và thi công nội thất cho các công trình chuẩn 5 sao chứ không đơn thuần chỉ gia công hay bán sản phẩm. Tại AA có những chiếc bàn được thiết kế và bán với giá lên tới hàng chục nghìn USD.

Nhìn vào thành công của các DN thuộc Hawa, có thể thấy các DN gỗ của Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác tốt các giá trị này trong thời gian tới. Ông Trần Việt Tiến, Ủy viên ban thường trực Hawa nhìn nhận, khi gia công, DN phải chờ đơn hàng nhưng khi có thiết kế, DN có thể chủ động chào hàng, chủ động tìm kiếm đối tác mới thay vì vật lộn với bài toán làm sao có giá sản xuất rẻ hơn nữa. Đầu tư cho sáng tạo, DN còn có thể tận dụng hiệu quả nguồn lực của mình. Thay vì chạy theo những đơn hàng hay chạy theo thị hiếu của thị trường để đáp ứng, khi đầu tư thiết kế dựa trên những hạ tầng mình có, DN có thể tận dụng mọi tài nguyên của mình, biến nó thành thế mạnh. Như vậy, khoản đầu tư này giúp DN tránh lãng phí và khấu hao tài nguyên một cách hợp lý. Nếu quy ra con số, chắc chắn, đây sẽ là nguồn tài chính không nhỏ.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hawa cũng cho biết, để gia tăng hàm lượng chất xám cho hội viên, Hawa đã kết nối hợp tác với Hội kiến trúc sư Việt Nam để tạo nhịp cầu liên kết nhà sản xuất với đội ngũ sáng tạo. Ngoài giải Hoa Mai được tổ chức hàng năm, Hawa cũng tổ chức hội chợ Vifa GU nhằm xúc tiến thương mại cho các thiết kế Việt. Ở Vifa Gu, Hawa khuyến khích DN đầu tư thiết kế, mang đến những sản phẩm mới nhất, riêng nhất của mình nhằm giới thiệu đến cộng đồng thiết kế lẫn người tiêu dùng. Nghĩa là Hawa và DN đều xác định sẽ không tiếp cận khách hàng bằng những tiêu chí cũ như giá rẻ, chất lượng… mà khẳng định khả năng sáng tạo.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nganh-go-muon-tien-len-phan-khuc-cao-hon-123167.html