Ngành gỗ: Chuyển hướng sản xuất

Dịch Covid-19 gây ra ảnh hưởng đến XK một số ngành hàng, trong đó có ngành gỗ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để DN XK đồ gỗ bứt phá.

Tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho XK nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc cũng như toàn cầu, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, các ngành hàng gồm thủy sản, đồ gỗ, rau quả và gạo… được xác nhận là bị ảnh hưởng lớn nhất về thị trường XK, cụ thể là gặp khó khi XK vào thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam- cho biết, Covid-19 đã khiến những lô hàng dăm gỗ của các DN Việt Nam XK vào Trung Quốc giảm mạnh. Để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường này, các DN chế biến, XK gỗ nên chuyển hướng sản xuất, XK sang một số thị trường khác ngoài Trung Quốc.

Nguồn cung đồ gỗ từ Trung Quốc giảm là cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Nguồn cung đồ gỗ từ Trung Quốc giảm là cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Trên thực tế, mặt hàng dăm gỗ XK sang thị trường Trung Quốc mang lại giá trị gia tăng không cao, không thúc đẩy được phát triển bền vững vốn rừng. Khi XK dăm gỗ sang Trung Quốc bị giảm, nguồn nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm này có thể bổ sung để sản xuất ván nhân tạo, MDF… để XK tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Đã có một vài DN ngành gỗ tính đến việc chuyển hướng sản xuất và thị trường, mua thiết bị để sản xuất gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu... thay vì chỉ sản xuất dăm gỗ XK sang Trung Quốc. Ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, nhà nước nên tạo điều kiện về lãi suất và ưu đãi vay vốn, giúp các DN gỗ chuyển hướng sản xuất, sớm hoàn thiện các dây chuyền sản xuất chế biến sâu các sản phẩm để XK.

Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) - cho biết: Dịch Covid-19 khiến nhiều ngành sản xuất gặp khó khăn về nguyên liệu do phải nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng ngành gỗ không chịu tác động bởi yếu tố này. Hiện các DN sản xuất đồ gỗ và nội thất của Việt Nam đã chủ động được trên 70% nguyên liệu trong nước, còn lại chủ yếu nhập khẩu từ châu Phi, Mỹ, Canada, New Zealand... Một số nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất đồ gỗ nội thất của các DN Việt Nam như tay nắm, ray, ốc vít, vải cho sofa... phải nhập khẩu từ Trung Quốc thì số lượng cũng không lớn, nên không tác động đáng kể đến quá trình sản xuất, do vậy không bị ảnh hưởng đến kim ngạch XK.

Theo báo cáo về triển vọng đồ nội thất thế giới của Trung tâm Nghiên cứu công nghiệp (CSIL), năm 2019, Trung Quốc đứng đầu thế giới về XK đồ gỗ nội thất với 54,3 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ 5 với 10,9 tỷ USD. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến XK đồ gỗ của Trung Quốc bị ảnh hưởng rất nhiều. HAWA nhận định, nếu ngành gỗ trong nước giữ vững được tốc độ phát triển, tận dụng tốt thời cơ, năm 2020 Việt Nam có thể tạo đột phá về giá trị XK đồ gỗ nội thất.

Theo đó, để tận dụng được cơ hội, các DN đồ gỗ trong nước phải chủ động nắm bắt cơ hội, mở rộng thị trường tiêu thụ, thích ứng nhanh với nhu cầu của khách hàng, đưa ra mẫu mã đẹp, chất lượng sản phẩm tốt, tăng cường ứng dụng nền tảng thương mại trực tuyến… Hội chợ Quốc tế về đồ gỗ và Thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2020 (Vifa Expo 2020) sắp diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh tới đây sẽ là cơ hội tốt để các DN sản xuất đồ nội thất Việt Nam tiếp cận với các nhà mua hàng quốc tế.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19 khiến nguồn cung đồ gỗ từ Trung Quốc của các nhà nhập khẩu Mỹ gặp khó, trong khi nhu cầu vẫn lớn. Trong đó, Việt Nam sẽ là một lựa chọn tốt đối với các nhà nhập khẩu Mỹ.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-go-chuyen-huong-san-xuat-132712.html