Ngành giấy với nỗi lo thiếu hụt nguyên liệu sản xuất

Việc lo ngại nhập khẩu giấy thu hồi sẽ biến Việt Nam thành 'bãi rác' chỉ đúng khi nguyên liệu này không phục vụ cho bất cứ hoạt động sản xuất nào, còn một khi đã là nguyên liệu sản xuất thiết yếu, lại là mặt hàng được giao dịch toàn cầu thì cần cẩn trọng xem xét.

Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Lê

Đây là trăn trở của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành giấy được chia sẻ trong Hội thảo ngành sản xuất giấy Việt Nam: Giải pháp chính sách hướng tới phát triển bền vững do Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 16/10, tại Hà Nội.

Theo dự báo, nhu cầu giấy của Việt Nam trong thời gian tới có mức tăng trưởng từ 8-10%/năm, trong đó nhu cầu giấy bao bì tăng khoảng 15%/năm. Sản xuất của ngành giấy dự kiến đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt trên 1 tỷ USD.

Điều này do xu hướng sử dụng giấy bao bì để thay thế cho các loại bao bì đang tăng cao. Đồng thời, mức tiêu thụ bình quân đầu người của Việt Nam hiện đang thấp so với khu vực và thế giới (Việt Nam: 44 kg/đầu người; trung bình thế giới 56 kg/đầu người; Nhật Bản: 206 kg/đầu người…)

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, hằng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 2 triệu tấn giấy.

Với vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên cũng như mang lại nhiều lợi ích xã hội, sử dụng giấy tái chế là nguyên liệu đầu vào đang trở thành xu thế tất yếu. Riêng với các doanh nghiệp, việc tận dụng phế liệu để sản xuất giúp giảm chi do giá thành phế liệu thấp, giảm thiểu chi phí để xử lý so với việc phát thải phế liệu ra môi trường.

Tuy nhiên, theo ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu. Trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước, còn lại phải nhập khẩu. “Đối với các doanh nghiệp tái chế giấy chuyên nghiệp, có năng lực tái chế tốt như các doanh nghiệp FDI, họ rất cần nguồn nguyên liệu giấy và rõ ràng nhập khẩu là một giải pháp bắt buộc trong bối cảnh trong nước không đủ nguyên liệu sản xuất”.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Trung Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến cho rằng tỉ lệ thu hồi giấy của Việt Nam mới chỉ đang ở mức của Nhật Bản vào những năm 1990 và thấp hơn bình quân thế giới. Nếu không có chính sách phù hợp hiệu quả thu gom giấy phế liệu rất khó tăng lên.

“Kể cả khi có chính sách mới thì thường cũng phải cần đến 5 năm mới phát huy tác dụng. Vì vậy, thời gian tới sẽ không có sự đột biến, trong khi nhu cầu giấy thu hồi cho sản xuất ngày càng cao, có thể lên tới 9 triệu tấn vào năm 2025 thì việc nhập khẩu loại nguyên liệu này là rất cần thiết”, ông Sơn lý giải.

Mặc dù có vai trò trọng yếu trong việc phát triển công nghiệp, nhưng theo các chuyên gia và doanh nghiệp, nguyên liệu giấy tái chế và việc nhập khẩu nguyên liệu này vẫn còn gặp nhiều thách thức.

Trao đổi về dự thảo sửa đổi quyết định 73/2014/QĐ-TTg, quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, đa phần ý kiến đều ghi nhận việc siết chặt quản lý phế liệu này là cần thiết khi có một số doanh nghiệp đã lợi dụng những kẽ hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu cho sản xuất để nhập “rác” vào Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, nhiều nhóm phế liệu giấy như giấy hỗn hợp vẫn là nguyên liệu sản xuất quan trọng của các ngành công nghiệp tái chế lại có khả năng bị đưa ra khỏi danh mục được phép nhập khẩu trong tương lai gần, dẫn đến nhiều vấn đề tồn đọng cho doanh nghiệp.

Theo chuyên gia phân tích chính sách Phạm Đình Thưởng: “Nếu loại bỏ nguồn nguyên liệu tái chế này chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp giấy lao đao, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn ngành giấy. Mặt khác, việc siết chặt quản lý đột ngột khiến doanh nghiệp lâm vào thế bị động. Việc này cũng sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền đến một chuỗi các ngành công nghiệp khác như ngành công nghiệp bao bì, ngành công nghiệp xuất khẩu”.

Ông Phan Chí Dũng thì nhận định: “Bất cứ nguyên liệu nào dù được thu mua hay nhập khẩu để sản xuất đều tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không có biện pháp quản lý tốt. Việc lo ngại nhập khẩu giấy thu hồi sẽ biến Việt Nam thành ‘bãi rác’ chỉ đúng khi nguyên liệu này không phục vụ cho bất cứ hoạt động sản xuất nào, còn một khi đã là nguyên liệu sản xuất thiết yếu, lại là mặt hàng được giao dịch toàn cầu thì cần cẩn trọng xem xét.”

Ông Dũng đề xuất nên quản lý việc nhập khẩu giấy thu hồi theo “đích đến”. Yêu cầu các nhà sản xuất cung cấp bộ tiêu chuẩn trước khi nhập khẩu, thực hiện kiểm soát tại đích đến của lô hàng xem nhà máy có sử dụng đúng mục đích, xử lý môi trường theo quy định hay không, thay vì kiểm soát tại cảng, tránh gây ách tắc cửa khẩu, tăng chi phí lưu kho bãi, mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

“Việt Nam cần tham khảo chính sách quản lý nhập khẩu giấy phế liệu của các nước khác, đối chiếu với tình hình phát triển kinh tế và nhu cầu trong nước để đưa ra được chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc các cơ quan Nhà nước có liên quan tham vấn các doanh nghiệp để có quan điểm khách quan hơn để dần hình thành và hoàn thiện khung khổ pháp lý này là hoàn toàn cần thiết”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI khuyến nghị.

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đưa ra kiến nghị về việc sử dụng các công cụ khác như phân luồng vi phạm theo mức độ, xác suất sai phạm qua kiểm định của các doanh nghiệp chứ không đánh đồng tất cả như một. Bên cạnh đó tiến hành rà soát, chỉnh sửa tiêu chuẩn giấy tái chế đang nhập khẩu vào Việt Nam để giấy tái chế được quản lý và cân nhắc như tiêu chuẩn một nguồn nguyên liệu sản xuất. Đồng thời thay đổi tên nguyên liệu giấy từ “phế liệu giấy” thành “giấy thu hồi sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất.”

Bên cạnh đó, cần tham khảo chính sách quản lý nhập khẩu giấy phế liệu từ các quốc gia khác, tính toán cân đối với sự phát triển kinh tế trong thời điểm hiện tại của Việt Nam để đưa ra được định hướng chính sách phù hợp, đặc biệt là cân nhắc lộ trình áp dụng chính sách.

Về phía doanh nghiệp giấy, môi trường vẫn luôn phải là ưu tiên hàng đầu trong phương thức sản xuất và xả thải và giữ vững tiêu chí sẵn sàng phối hợp cùng Chính phủ, đóng góp kiến thức khoa học kỹ thuật để tăng chất lượng sản phẩm, bảo đảm xử lý môi trường và góp phần phát triển kinh tế để không biến thành những “con sâu làm rầu nồi canh” gây những định kiến xấu ảnh hưởng đến ngành.

Thu Lê

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/nganh-giay-voi-noi-lo-thieu-hut-nguyen-lieu-san-xuat/349638.vgp