Ngành giao thông vận tải với tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: 'Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ'. Câu nói giản dị của Bác đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của giao thông vận tải (GTVT) trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể khẳng định, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là giai đoạn trầm hùng trong lịch sử hơn 70 năm ngành GTVT. Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là tuyến đường vận tải chiến lược mang tầm vóc lịch sử của thời đại Hồ Chí Minh, cũng chính là biểu tượng ý chí sắt đá, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao cả. Làm nên tuyến đường huyền thoại đó có sự đóng góp to lớn của ngành GTVT.

Ngành giao thông vận tải góp phần cùng quân, dân cả nước tạo nên kỳ tích Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Ảnh: TTXVN

Cùng với quân và dân cả nước, ngành GTVT, thanh niên xung phong (TNXP) đã lên đường đến với những chiến trường ác liệt nhất, xông ra tuyến đầu lửa đạn, với phương châm “GTVT đi trước mở đường” để giữ vững mạch máu giao thông. Với khẩu hiệu hành động “Địch phá ta sửa ta đi, địch lại phá, ta lại sửa ta đi”, đã có hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ, công nhân, TNXP, dân công được huy động vào các công trường làm đường dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT và Bộ tư lệnh Trường Sơn. Lãnh đạo Bộ GTVT xác định rõ vị trí chiến lược của tuyến đường vận tải Trường Sơn, do vậy, với mục tiêu bằng bất cứ giá nào cũng phải bảo đảm GTVT thông suốt, liên tục trong mọi tình huống, Bộ GTVT đã thành lập cơ quan tiền phương tại Khu IV. Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ đã giao cho các thứ trưởng: Nguyễn Tường Lân, Vũ Quang, Lê Dung trực tiếp tổ chức bảo đảm giao thông. Các đơn vị, như: Ban 67, Tổng đội TNXP, Cục Công trình 1, Cục Quản lý đường bộ đã nhanh chóng bảo đảm giao thông trên các tuyến đường thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị; các đường nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn phục vụ tốt cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và Mặt trận Đường 9-Nam Lào vào năm 1971. Cũng trong giai đoạn này, để đáp ứng yêu cầu của cách mạng Lào, Ban 54 được thành lập, đưa lực lượng TNXP sang giúp nước bạn bảo đảm giao thông.

Theo thống kê, hai giai đoạn chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã có tới 70.000 trận địch đánh phá nhằm vào hệ thống GTVT, chiếm 80% tổng số mục tiêu bị đánh phá ở miền Bắc, cùng 100% cầu đường sắt, cầu đường bộ trên các tuyến vận tải chủ yếu, nhiều nhà máy đóng và sửa chữa phương tiện vận tải, trụ sở cơ quan của ngành GTVT đều bị đánh phá. Các phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy bị thiệt hại nặng nề. Tất cả cảng biển, cảng sông chính đều bị phong tỏa bằng thủy lôi. Tổng số cán bộ, công nhân ngành GTVT bị thương và hy sinh lên đến hơn một vạn người. Trước tình hình khó khăn đó, Trung ương Đảng và Chính phủ xác định: “Công tác GTVT trong thời chiến là công tác đột xuất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó ngành GTVT là nòng cốt... Bảo đảm giao thông là công tác trọng tâm số một...”. Vận dụng tư tưởng chỉ đạo đó, các lực lượng quân và dân cùng toàn ngành GTVT đã vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, anh dũng đối đầu với quân thù, quyết tâm giữ vững mạch máu giao thông của Tổ quốc. Trên các tuyến đường bộ, đường thủy, đường sắt, mặc dù bị địch đánh phá ác liệt nhưng các đoàn xe, tàu, thuyền vận tải vẫn bất chấp “mưa bom, bão đạn” vượt qua hàng chục “cửa tử”, ngày đêm chở hàng ra mặt trận. Hàng vạn cây số đường được mở mang, khai thông từ Khu IV, Khu V đến Nam Bộ; mọi hư hỏng được sửa chữa nhanh chóng, bảo đảm giao thông được thông suốt.

Một chủ trương sáng tạo, độc đáo của ngành GTVT trong những năm chống Mỹ là mở thêm các tuyến đường phụ, đường vòng, đường tránh... để phá thế độc tuyến. Đường 20 Quyết thắng là minh chứng hùng hồn cho chủ trương sáng tạo đó. Để hoàn thành tuyến Đường 20 Quyết thắng trong thời hạn cho phép là 4 tháng, lực lượng thi công, gồm: Hơn một vạn cán bộ, công nhân ngành GTVT và các đội TNXP; các lực lượng công binh của quân đội và hai trung đoàn bộ binh trên đường hành quân vào Nam chiến đấu được lệnh dừng lại làm nhiệm vụ mở đường. Cán bộ chỉ huy công trường đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ kỹ thuật lành nghề của Bộ GTVT, cán bộ chính trị, quân sự dày dạn kinh nghiệm chiến đấu của Bộ Quốc phòng để cùng hoàn thành các nhiệm vụ mở đường, bảo vệ và phòng tránh địch. Vượt qua muôn vàn trở ngại, khó khăn, Đường 20 Quyết thắng đã được thi công với tốc độ đặc biệt. Lần đầu tiên, hàng trăm tấn thuốc nổ được sử dụng để đánh bạt nhiều dốc đá hiểm trở. Tuyến đường cơ bản được hoàn thành vào đầu năm 1966. Đường 20 Quyết thắng mở thông đã giải tỏa được thế độc tuyến để vận tải cơ giới nối Đông-Tây Trường Sơn, chi viện cho miền Nam và nước bạn Lào.

Tuyến Đường Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn hiểm trở là một công trình giao thông thế kỷ mà kẻ thù đã đánh phá ác liệt hòng cắt đứt nó. Hàng trăm lượt máy bay đã rải chất độc hóa học dọc tuyến hành lang vận chuyển. Gần 4 triệu tấn bom, đạn và các loại mìn được rải xuống nhằm phá đường, phá các đoàn xe của ta, hủy diệt mọi sự sống trên cung đường này. Những trọng điểm, như: Xiêng Phan, đèo Văng Mu, đèo Cốc Mạc (Đường 128 Tây Trường Sơn), cụm trọng điểm ATP (Đường 20)… trong hệ thống trọng điểm Trường Sơn nổi tiếng bởi sự khốc liệt và mức độ hủy diệt của bom đạn Mỹ. Rồi các loại phương tiện điện tử hiện đại nhất cũng được Mỹ triển khai hòng ngăn chặn ta. Song, cán bộ, công nhân ngành GTVT; cán bộ, chiến sĩ quân đội, TNXP... có mặt trên tuyến vận tải chiến lược này đã dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ, quyết tâm bảo vệ tuyến đường, chi viện cho miền Nam. Trong 16 năm (1959-1975) Đường Trường Sơn hình thành 5 tuyến đường dọc và 21 hệ trục đường ngang, kết thành mạng lưới giao thông liên hoàn với tổng số 216 con đường, có chiều dài tổng cộng hơn 20.000km là những kỳ tích phi thường của Đảng và nhân dân ta.

Nói đến Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, chúng ta không thể không nhắc đến lực lượng TNXP với nhiệm vụ mở đường, bảo đảm GTVT và sẵn sàng bổ sung cho lực lượng quân đội khi cần thiết. Những chiến công, thành tích của lực lượng TNXP đã đóng góp to lớn vào chiến công chung của dân tộc; cùng với các lực lượng ngành GTVT, bộ đội công binh làm nên những con đường chiến lược, nối liền mạch máu giao thông, như: Đường Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn, Đường 20 Quyết Thắng, Đường 10, Đường 16, Đường 128, Đường 129, Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Truông Bồn (Nghệ An), đèo Phu La Nhích, cua chữ A, cổng Trời (Đường 20-Tây Quảng Bình)...

Đầu năm 1975, Bộ GTVT nhận lệnh của Trung ương giao nhiệm vụ cho Cục Vận tải đường bộ tổ chức vận chuyển gấp khối lượng hàng hóa vào thẳng Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, cử các đoàn cán bộ giao thông vào tăng cường cho chiến trường miền Nam. Ngành đã hoàn thành cơ bản kế hoạch vận chuyển, cùng với lực lượng vận tải quân sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường, góp phần quan trọng vào thắng lợi vinh quang ngày 30-4-1975.

Tổng kết, đánh giá thành tích về quân sự, trực tiếp tham gia chiến đấu chống Mỹ của ngành GTVT, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng toàn ngành nhiều phần thưởng cao quý, gồm: 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 154 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba, 6.000 huy hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và 15.000 “Huy hiệu Chiến thắng 5-8” cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Hàng chục đơn vị và cá nhân trong ngành GTVT đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Nhắc lại quá khứ, trân trọng lịch sử, khắc ghi những thành tích, công lao của bao thế hệ đã hy sinh, cống hiến cho nền độc lập tự do của Tổ quốc, chúng ta càng có thêm động lực để vươn tới tương lai, xây dựng đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

LÊ ĐÌNH THỌ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nganh-giao-thong-van-tai-voi-tuyen-chi-vien-chien-luoc-truong-son-574522