Ngành giáo dục và đào tạo An Giang hưởng ứng phong trào 'Chống rác thải nhựa'

Hưởng ứng phong trào 'Chống rác thải nhựa', ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tích cực triển khai sâu rộng trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, đồng thời vận động người thân cùng 'Nói không với túi ny-lon và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần'.

Túi ny-lon đã trở thành vật dụng khó thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi ny-lon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ đến các siêu thị và những trung tâm thương mại sầm uất. Tuy nhiên, những hệ lụy từ việc sử dụng túi ny-lon và rác thải nhựa mang đến nhiều hậu quả hiện hữu.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi ny-lon ở nước ta hiện nay rất nghiêm trọng, lượng rác thải nhựa và túi ny-lon ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Số lượng rác thải nhựa, túi ny-lon thải ra tăng dần theo từng năm, gây nguy hại nghiêm trọng cho môi trường sinh thái. Nhựa là một hợp chất được chế tạo để tồn tại đến muôn đời, vậy mà có tới 33% của các đồ nhựa, như: chai nước, túi nhựa và ống hút… chỉ dùng 1 lần rồi bỏ.

Theo tính toán của chuyên gia, chai nhựa đựng nước có thời gian phân hủy sau 450-1.000 năm; ống hút (phân hủy sau 100-500 năm), ly nhựa (phân hủy sau 50-200 năm), túi nhựa/túi ny-lon (phân hủy sau 500-1.000 năm), bỉm/tã lót (phân hủy sau 250-500 năm)...

Tuổi trẻ An Phú chung tay bảo vệ môi trường

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Đối với ngành GD&ĐT, đến nay, nhiều đơn vị đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phối hợp phổ biến ở đơn vị, thông qua các cuộc họp lệ của các đoàn thể; các buổi họp chi bộ, họp hội đồng trường, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, các hoạt động ngoại khóa… Từ đó nâng cao được nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa nhằm bảo vệ môi trường.

Nhiều đơn vị trường học đã kết hợp thực hiện phong trào “Kế hoạch nhỏ” thu gom rác thải nhựa để bán phế liệu giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua đó, nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và lòng nhân ái cho học sinh. Nhiều đơn vị, trường học còn thu gom rác thải nhựa để tái chế làm đồ dùng học tập, sinh hoạt trong gia đình. Nhiều trường đã tổ chức các hoạt động phong trào: hội thi, diễn tiểu phẩm… với nội dung “Chống rác thải nhựa”, nguy cơ ô nhiễm nhựa và túi ny-lon nhằm thay đổi hành vi, tiến tới xóa bỏ thói quen sử dụng túi ny-lon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng 1 lần.

Để góp phần bảo vệ môi trường bền vững, Sở GD&ĐT định hướng các trường tiếp tục thực hiện giáo dục lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các môn học: đạo đức, tự nhiên - xã hội, giáo dục công dân, sinh học, địa lý… vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa phù hợp. Các trường tiến tới việc bố trí thùng chứa rác thải nhựa riêng với các loại rác thải khác trong đơn vị để dễ dàng thu gom.

Mặt khác, giáo dục thói quen hạn chế sử dụng rác thải nhựa đối với các thành viên trong đơn vị và học sinh. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, túi ny-lon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Tuyên truyền sâu rộng về phong trào “Chống rác thải nhựa” cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, đồng thời vận động người thân cùng “Nói không với túi ny-lon và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần”. Tổ chức các phong trào: hội thi, diễn tiểu phẩm… nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ny-lon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng 1 lần.

Thực hiện giáo dục lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các môn học: đạo đức, tự nhiên - xã hội, giáo dục công dân, sinh học, địa lý… vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa phù hợp với từng cấp học, từng đối tượng học sinh. Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần khó phân hủy và tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Khuyến khích mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực. Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, túi ny-lon thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất, như: phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu…

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nganh-giao-duc-va-dao-tao-an-giang-huong-ung-phong-trao-chong-rac-thai-nhua--a303046.html