Ngành giáo dục TP.HCM chú trọng ứng dụng công nghệ Blockchain

Ngành GD&ĐT TP.HCM xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cải thiện môi trường đầu tư và là động lực trong việc nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Sáng 28-10, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo quốc tế về chuyển đổi số giáo dục.

Tại hội thảo, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP.HCM là đô thị lớn của cả nước trong khu vực. Hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông của TP có quy mô hơn 2 triệu học sinh, trên 100.000 giáo viên, giảng viên, cán bộ trong lĩnh vực. Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển giáo dục nên luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo TP.

Để phát triển giáo dục, TP đang tập trung triển khai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số đến cán bộ, giáo viên, giảng viên để phục vụ đào tạo học sinh.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết chuyển đối số đã và đang diễn ra, hiện diện trên tất cả ngành nghề, các lĩnh vực.

Theo ông Hiếu, ngành GD&ĐT xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo, là công cụ đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Đây cũng là mục tiêu và động lực quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GD&ĐT của TP.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Theo ông Hiếu, việc chuyển đổi số sẽ giảm áp lực cho học sinh, giáo viên, hỗ trợ việc quản lý giáo dục tốt hơn. CNTT hiện đang được ứng dụng rộng rãi trong công tác quản lý giáo dục, cụ thể như phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu học sinh, giáo viên; quản lý chuyển trường và tiếp nhận học sinh; quản lý thi và các hoạt động chuyên môn... Hiện hệ thống thẻ học đường thông minh với nhiều tiện ích không chỉ giúp hạn chế sử dụng tiền mặt mà còn hỗ trợ hoạt động học tập và sinh hoạt của học sinh. TP đã triển khai kiến trúc tổng thể ứng dụng CNTT. Đây là cơ sở quan trọng để kết nối hệ thống các phần mềm, tạo cơ sở dữ liệu chung cho ngành.

"Thực tế, việc ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý giúp trường học có được sự cộng tác, hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, sự đồng tình từ cha mẹ học sinh. Bản chất của ứng dụng công nghệ là kết nối, làm thể nào để thông tin giáo dục được minh bạch. Cán bộ quản lý cần được biết giáo viên của họ đang làm gì, dạy thế nào, học sinh học tập ra sao, từ đó có giải pháp để dạy và học tốt hơn" - ông Hiếu bày tỏ.

3 mục tiêu chính chuyển đổi số giáo dục đến năm 2023 và định hướng năm 2030

1. Hệ thống học tập bất đồng bộ và kho học liệu mở nhằm nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Học bất đồng bộ còn có lợi thế khi không phụ thuộc vào địa điểm vì học sinh có thể truy cập mọi nơi trên thế giới nhờ vào internet.

2. Sử dụng AI để phân tích trên nền tảng Bigdata cho những đánh giá, định hướng tổng quát, chính xác. Theo đó, sử dụng AI trong giáo dục không phải robot thay thế giáo viên mà hỗ trợ giáo viên, học sinh. Hoạt động dạy học được điều chỉnh theo nhu cầu của học sinh: AI gợi ý các nội dung học sinh chưa nắm vững, phù hợp với khả năng của từng học sinh. AI chatbot trong giáo dục để cung cấp những phản hồi thường xuyên cho học sinh, phụ huynh. AI giúp định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

3. Chú trọng ứng dụng công nghệ Blockchain đã được ứng dụng hiệu quả trong nhiều lĩnh vực do khả năng chia sẻ dữ liệu nhưng vẫn đảm bảo được tính toàn vẹn và quyền sở hữu của dữ liệu đó. Công nghệ này được kỳ vọng sẽ hạn chế được tối đa những vấn đề về gian lận, sửa điểm, giải mạo bằng cấp… Ngoài ra việc xác thực bằng bằng cấp, điểm số có thể được thực hiện một cách tự động và đáng tin cậy. Việc chuyển trường, liên thông văn bằng hay kiểm tra hồ sơ dự tuyển từ phía các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp hay nhà trường được thực hiện đơn giản và nhanh chóng.

NGUYỄN QUYÊN - VÕ THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nganh-giao-duc-tphcm-chu-trong-ung-dung-cong-nghe-blockchain-post705274.html