Ngành giáo dục quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế

Ngày 31-10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020. Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020; thống nhất phương hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021 và những năm tiếp.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo nhiều Bộ ngành, cơ quan Trung ương. Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, các Thứ trưởng và nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT các thời kỳ; lãnh đạo 63 tỉnh/thành phố tại 63 điểm cầu trực tuyến.

Năm học đặc biệt

Phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến toàn quốc năm 2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học 2019-2020 là năm học “đặc biệt”, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành Giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần 2 tháng so với những năm học trước. Chính vì vậy, thời gian tổ chức Hội nghị toàn ngành được tổ chức muộn hơn so với các năm trước.

 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn, qua hội nghị được nghe các ý kiến phát biểu đánh giá về những thành tựu, kết quả của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua và trong giai đoạn 2016-2020, những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai các hoạt động của ngành, đặc biệt là đóng góp ý kiến để ngành Giáo dục làm tốt hơn nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Năm học 2019-2020 có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Giáo dục, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Năm học 2019-2020 nói riêng và giai đoạn 2016-2020 nói chung, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có 6 kết quả nổi bật.

Thứ nhất, hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020. Thứ hai, tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Bộ GD&ĐT đã báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tổ chức thi thành 2 đợt phù hợp với tình hình dịch bệnh của từng địa phương.

Cùng với đó, ngành giáo dục cũng hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (năm 2015 mới có 32/63 tỉnh/thành phố); duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, trung học cơ sở. Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới và tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai theo lộ trình Quốc hội quy định.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Tiếp theo, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Cuối cùng là tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nếu như trước đây chỉ có hai đại học quốc gia được giao quyền tự chủ cao về chuyên môn, thì từ năm 2014 đã có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Mô hình quản trị đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong mọi mặt hoạt động.

Năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Khát vọng lớn thì khó khăn thách thức càng lớn

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng ngành giáo dục đã và sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức trước yêu cầu cao và khắt khe của người dân về giáo dục, những dư luận xã hội và áp lực cho ngành giáo dục. Mặt khác khi ngành giáo dục đặt ra những mục tiêu lớn, khát vọng lớn thì khó khăn thách thức phải vượt qua càng lớn. Do đó ngành giáo dục cần kiên định với những cái mới, cái đúng; toàn ngành không ngừng sáng tạo, từ giáo viên đến học sinh để tạo ra những con người Việt Nam “vừa hồng vừa chuyên”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại hội nghị.

Tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường-Trường ĐH Văn Lang đã có những chia sẻ trước hội nghị liên quan đến vấn đề chuyển đổi số và vấn đề xã hội hóa giáo dục để phát triển hơn nữa lĩnh vực giáo dục ngoài công lập.

Theo TS Nguyễn Cao Trí, từ đại dịch Covid-19, với bối cảnh khá đặc biệt, nhìn lại cho thấy giáo dục đã chuyển đổi số nhanh, học sinh, sinh viên, giáo viên đã thích ứng nhanh với việc giảng dạy, học tập trong đại dịch…

Gửi lời chúc mừng đến ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay: Giai đoạn Covid-19, có gần 80% học sinh học trực tuyến, xếp thứ 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này tạo niềm tin cho ngành Giáo dục và nếu chúng ta quyết tâm thì Việt Nam sẽ làm được.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; trong đó chuyển đổi số trong lĩnh vực Giáo dục là ưu tiên số 1. Tới đây, hai Bộ sẽ có buổi làm việc chuyên đề về chuyển đổi số ngành Giáo dục.

Ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng.

Phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng xác định chuyển đổi số là con đường đưa giáo dục Hải Phòng chuyển mình từng bước trở thành nền giáo dục 4.0; với sự hỗ trợ của Cục Công nghệ thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đồng hoạt triển khai các hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ, như triển khai thành công hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành cho toàn ngành giáo dục Hải Phòng với tổng số 32.141 giáo viên, 433.425 học sinh đều có mã định danh riêng và gắn bó suốt trong quá trình công tác, học tập. Hệ thống Cơ sở dữ liệu này đã hỗ trợ đắc lực công tác thống kê, báo cáo trong toàn ngành.

Khẳng định giáo dục đang đi đúng hướng và phù hợp với xu thế của thời đại, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Năm học 2019-2020, ngành Giáo dục đã làm được khá nhiều việc và cũng còn lại rất nhiều việc phải làm.

Việc chúng ta đã ban hành một Chương trình giáo dục phổ thông bài bản, đầy đủ, khoa học nhất từ trước đến nay; chuyển đổi từ SGK làm cơ sở sang chương trình làm cơ sở. Việc này ban đầu tạo ra một số lúng túng, khó khăn và Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn; nhưng chỉ trong một thời gian ngắn chưa khắc phục được ngay, GS Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận nhiều kết quả nổi bật ngành Giáo dục đạt được trong năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020 và khẳng định: “Chúng ta đã vượt lên khó khăn, vượt lên chính mình và ngành Giáo dục đã có tiến bộ toàn diện trên nhiều mặt rất rõ ràng, vững chắc. Không vì một số điểm chưa hài lòng, một số khiếm khuyết gần như là đương nhiên trong quá trình đổi mới mà làm mất đi lòng tin vào sự nghiệp đổi mới giáo dục”.

Phó thủ tướng hoan nghênh và biểu dương nỗ lực của hơn 1,3 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và hàng triệu cựu giáo viên – lực lượng hết sức tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục của đất nước; nỗ lực của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, đã dành sự ưu ái, quan tâm lớn cho giáo dục.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; giáo dục không tách rời khỏi điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Phó thủ tướng đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền tới đây cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục.

“Tinh giản biên chế nhưng không thể để trường lớp thiếu giáo viên”, Phó thủ tướng lưu ý.

Ngoài vấn đề trên, Phó thủ tướng cũng yêu cầu phải tập trung hơn đến văn hóa trong giáo dục; mà điều cụ thể đầu tiên là từng cơ sở giáo dục phải là thiết chế biểu tượng của văn hóa. Cùng với đó, giáo dục phải hội nhập quốc tế; điều gì đã là xu thế thế giới thì nhất định không đi ngược lại.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng cũng đưa ra một số nguyên tắc, nguyên lý trong giáo dục, đó là: Với giáo dục phổ thông, Nhà nước phải lo, hoặc trực tiếp hoặc xã hội hóa, để đủ trường lớp, giáo viên, để học sinh được học 2 buổi/ngày thuận lợi; phải bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào. Ngoài ra, cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học không chỉ là thiết chế của chính quyền mà còn phải là thiết chế của cộng đồng. Và đổi mới giáo dục là một quá trình, chúng ta phải rất kiên trì, kiên định khi triển khai thực hiện đổi mới.

Sau gần 4 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu về tình hình GD&ĐT cả nước thời gian qua; đặc biệt là ý kiến chỉ của đồng chí Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thay mặt ngành Giáo dục trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị và sẽ cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể để thực hiện có hiệu quả trong năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo.

Bộ trưởng khẳng định quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

KHÁNH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/nganh-giao-duc-quyet-tam-khac-phuc-nhung-ton-tai-han-che-642552