Ngành giáo dục phải làm gì?

Liên tiếp những câu chuyện buồn của giáo dục được báo chí mổ xẻ trong thời gian gần đây khiến dư luận phẫn nộ.

Vụ việc học sinh ở Hải Phòng phải súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng cho đến chuyện cô giáo “tịnh khẩu” không giảng bài suốt 3 tháng ở TP.Hồ Chí Minh rấy lên nỗi quan ngại sâu sắc về mảng tối của bức tranh giáo dục nước nhà. Ngành giáo dục sẽ phải làm gì? Câu hỏi liệu có khó trả lời?

Suốt một thập kỷ qua, ngành giáo dục rất tích cực tìm ra các giải pháp đổi mới. Từ việc biên soạn lại sách giáo khoa cho đến cải tiến hình thức thi cử. Trong những lần cải tiến đó, không ít lần bị dư luận phản ứng gay gắt.

Gần đây, những đại đề án về ngoại ngữ, đại đề án về đào tạo tiến sĩ tiêu tốn ngàn tỷ đồng được cho là những giải pháp đột phá nhưng cũng không kêu gọi được sự đồng tình. Vì sao? Vì những đề án với khát vọng trên chín tầng mây ấy không phải là cái cần cho giáo dục lúc này.

Trở lại những câu chuyện trên giảng đường khiến dư luận “sốt sình sịch” mấy ngày qua. Em Nguyễn Song Toàn (Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM) đã khóc hết nước mắt khi dũng cảm đứng lên kể về việc cô giáo dạy Toán suốt 3 tháng trời "im như thóc". Cô giáo “tịnh khẩu” trong hàng trăm tiết dạy đã khiến lớp học rơi vào cảnh ngột ngạt tột cùng, một kiểu bạo hành tinh thần không thể tưởng tượng ra được.

Tưởng rằng sau câu chuyện của em Nguyễn Song Toàn thì nhà trường phải dám nhìn thẳng vào sự thật, ai ngờ một điều cực kỳ vô lý lại xảy ra. Người duy nhất dám đứng lên nói quan điểm về cách dạy không giống ai của cô giáo lại phải xin chuyển trường. Cô bé không chịu nổi sự kì thị, sự đả kích của số đông. Thử hỏi, giáo dục kiểu gì mà lại đào tạo ra cái số đông chỉ biết cam chịu và hèn nhát?

Tiếp đến là vụ việc ở huyện An Dương, TP Hải Phòng. Bé gái lớp 3 chưa đủ sức phản kháng đã phải súc miệng bằng cốc nước vắt từ giẻ lau bảng mà cô giáo “ban phát”. Một hình thức bạo hành đến mức “bệnh hoạn” chưa từng có trong lịch sử ngành giáo dục. Trường học sao đáng sợ đến thế?

Những vụ việc như học sinh bóp cổ cô giáo ở Bến Tre, nam sinh chặn đường đâm gục thầy giáo ở Quảng Bình, phụ huynh bắt giáo viên quỳ ở Long An, đánh cô giáo mầm non suýt xảy thai ở Nghệ An là những vụ việc rất đau xót. Nhưng rõ ràng, đó là hệ quả tất yếu từ giáo dục mà ra.

Những đứa trẻ hôm qua phải quỳ gối, phải súc miệng bằng nước giẻ lau bảng, ai khẳng định nó sẽ làm điều tương tự như thế với người khác. Dường như chúng ta đang dần quên rằng, giáo dục mục tiêu cơ bản nhất là dạy làm người chứ không chỉ đơn thuần là cung cấp kiến thức.

Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: "Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học". Không cần phải đề án gì cao siêu cả, đó chính là “minh triết giáo dục”.

Đoàn Gia

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/tam-diem-du-luan/nganh-giao-duc-phai-lam-gi-250208.html