Ngành giáo dục cần giảm áp lực cho giáo viên mầm non

Với áp lực làm việc liên tục từ 8-10 tiếng mỗi ngày, số lượng học sinh luôn vượt quá quy định, áp lực về thành tích của nhà trường mà mức lương chỉ ở mức trung bình so với sự phát triển của xã hội khiến nhiều giáo viên rơi vào khủng hoảng, có những biểu hiện tiêu cực.

Áp lực của giáo viên mầm non không chỉ với công việc mà còn với gia đình và xã hội.

Thời gian qua, các cô giáo mầm non đang chịu áp lực rất lớn từ xã hội mà không phải ai cũng thấu hiểu được nỗi vất vả của những nguời mẹ thứ hai này. Những áp lực đó vô hình tạo nên những căng thẳng, stress khiến nhiều giáo viên vì quá sức chịu đựng phải nghỉ việc. Dù có cố gắng hết sức mình nhưng đôi lúc giáo viên mầm non vẫn phải gặp những áp lực vô hình từ phía phụ huynh, nhà trường và đôi khi là từ chính gia đình của mình.

Áp lực chồng áp lực đối với giáo viên mầm non

Những hành vi được xem là mất đạo đức nghề nghiệp, làm mất lòng tin của các bậc cha mẹ đã tạo áp lực lớn lên các giáo viên, đôi khi bởi chính sự chỉ trích từ gia đình và xã hội.

Cô Phạm Thị Oanh - giáo viên trường mầm non Anh Quốc, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: "Với đặc thù của giáo viên mầm non, một ngày đến lớp khoảng 8-10 tiếng thì các cô phải dạy cho trẻ học chữ, học hát, múa, đi dã ngoại, thậm chí khi các trẻ em ốm cũng phải sát sao, chăm sóc như một y tá. Việc chăm sóc giấc ngủ, bữa ăn của các con đều phải hết sức cẩn thận, thường chúng tôi đến lớp từ 7 giờ sáng và khi các phụ huynh đón hết trẻ là tới 5 - 6 giờ chiều mới tan làm. Với thời gian làm việc liên tục nhưng hàng tháng chỉ nhận về từ 4 - 5 triệu đồng/tháng khiến chúng tôi cũng khó khăn trong việc chi tiêu ở gia đình."

Một buổi lên lớp của giáo viên mầm non.

Còn với cô giáo Lê Thị Huyền - trường mầm non Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cho rằng bản thân cô với nhiều năm đi dạy trẻ mầm non cũng đã "thấm đủ" những nỗi khổ không tên của giáo viên. Từ việc chăm bẵm trẻ, vệ sinh cho các cháu, lau sàn, dọn đồ chơi, đặc biệt đối với các cháu nghịch ngợm lại khiến các cô càng vất vả hơn.

"Ở nhà bố mẹ chỉ có 1-2 cháu đôi khi còn thấy mệt mỏi, nhưng ở lớp các cô có tới 50 - 60 cháu. Lớp được 3 - 4 cô đôi khi xoay xở không kịp khi các cháu đến giờ ăn hoặc đi vệ sinh. Nếu các cháu có hư cũng không thể trách phạt, mà chỉ có thể nói chuyện với các cháu. Còn phụ huynh thì lúc nào cũng nghĩ giao con đến cho các cô thì các cô chăm sóc, nhưng khi con hư cũng không được trách phạt, thậm chí các cáu có đùa nghịch nhau không may xây xước lại nói ngược lại giáo viên, nghi ngờ giáo viên đánh con mình. Điều đó làm chúng tôi rất băn khoăn và ái ngại." - cô Huyền tâm sự.

Thời gian qua, dư luận xã hội quan tâm đến câu chuyện thừa thiếu giáo viên của ngành sư phạm. Trong khi hàng ngàn cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp, thì ở nhiều địa phương lại thiếu hàng ngàn giáo viên mầm non và tiểu học. Do thiếu giáo viên, mọi áp lực đổ lên những người đang công tác, khiến các cô bị quá tải công việc, dẫn đến chán nản, bỏ nghề là điều không thể tránh khỏi.

Giảm áp lực cho giáo viên: Khó nhưng vẫn phải làm

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, một lớp có 35 trẻ sẽ có 2 giáo viên phụ trách, nếu áp lực về sĩ số gia tăng nhà trường sẽ phải tăng cường giáo viên để phụ trách lớp.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết hiện nay về cơ bản vẫn chưa có cơ chế, chính sách để bảo vệ giáo viên trước các vấn đề của xã hội, thậm chí là bảo vệ giáo viên trước chính áp lực của phụ huynh. "Nếu giáo viên có sai trong phương pháp giáo dục thì xin lỗi phụ huynh, sửa sai theo nhiều cách. Tuy nhiên, nếu phụ huynh sai thì hiện tại vẫn chưa có cơ chế bảo vệ giáo viên vì giáo viên phải chịu nhiều áp lực từ nhà trường tới phụ huynh, tới xã hội, gia đình, đặc biệt là các giáo viên nữ. Chính vì thế, việc nâng cao trình độ cũng như thu nhập cho giáo viên là điều cần thiết trong sự phát triển xã hội ngày nay, dù khó khăn nhưng vẫn phải thực hiện" - ông Lâm chia sẻ.

Cũng trao đổi về vấn đề này, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: "Những vụ bạo hành trẻ mầm non vừa qua, khi tìm hiểu ra thì là nhân viên cấp dưỡng đứng lớp hoặc giáo viên được đào tạo sư phạm nghệ thuật. Đuổi việc họ sau khi xảy ra sự cố thực ra chỉ là giải quyết phần ngọn, không phải là giải pháp căn cơ. Chính vì vậy, ngành GD-ĐT các địa phương phải thực hiện tốt khâu tuyển dụng, đẩy mạnh công tác dân chủ trong trường học, bồi dưỡng đạo đức nhà giáo cũng như kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm”.

Ngành giáo dục cần có những giải pháp phù hợp giảm áp lực cho giáo viên để họ không vì thành tích, không vì chuẩn, không vì hạng, mà dạy thật, tổng kết đánh giá thật. Đó phải là những tấm gương trung thực, đào tạo ra những học trò trung thực, biết liêm sỉ, biết xấu hổ mới là điều xã hội cần nhất hiện nay.

Bài và ảnh: Viên Thị Hiền

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/nganh-giao-duc-can-giam-ap-luc-cho-giao-vien-mam-non-103498.html