Ngành dược liệu Việt Nam: Đâu là đột phá?

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng việc phát triển ngành dược liệu đang gặp không ít khó khăn, thách thức với tình trạng dược liệu bẩn, dược liệu giả, rác dược liệu, khai thác tràn lan, kỹ thuật nuôi trồng yếu kém, nhiều bài thuốc bị mai một...

Cà gai leo và dây thìa canh đã trồng thành công tại xã Yên Than (Tiên Yên - Quảng Ninh), mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân.

Cà gai leo và dây thìa canh đã trồng thành công tại xã Yên Than (Tiên Yên - Quảng Ninh), mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân.

Để khai thác có hiệu quả thế mạnh cây dược liệu, nâng cao sức khỏe người dân, bảo tồn hệ sinh thái cũng như đảm bảo lợi ích kinh tế, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm tháo gỡ.

Tiềm năng và thị trường

Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam ghi nhận có trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số những loài đã công bố, có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: sâm Ngọc Linh, Tam thất hoang, Bách hợp... Trong đó, sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin (có công dụng chống lão hóa, ức chế tế bào ung thư) cao nhất, cao hơn cả những loại sâm quý được nghiên cứu sử dụng lâu đời trên thế giới như sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc.

Ngành y tế đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái gồm: vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội), vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo - Vĩnh Phúc), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt - Lâm Đồng), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam bộ (TP Hồ Chí Minh). Đồng thời, ngành đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc tại 7 vườn cây thuốc thuộc các đơn vị; 100% nguồn gen bảo tồn được đánh giá ban đầu; 30% nguồn gen được đánh giá chi tiết về các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển… Công tác ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong phát triển dược liệu theo hướng dựa trên ứng dụng kết quả nghiên cứu, tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường, xây dựng các vùng trồng dược liệu, bảo tồn lưu giữ nguồn gen dược liệu và tri thức bản địa; một số sản phẩm dược liệu viên dầu gấc, cao trinh nữ hoàng cung, diệp hạ châu, tinh dầu tràm… đã được xuất khẩu.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cha ông ta đã tích lũy kho tri thức khổng lồ về dược liệu và y học cổ truyền với 1.300 bài thuốc.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80% dân số nông thôn và các nước đang phát triển vẫn dựa vào thuốc thảo dược để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ở các nước có nền công nghiệp phát triển, 1/4 số thuốc thống kê trong các đơn đều có chứa hoạt chất thảo mộc.

Còn tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50 - 60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu.

Hệ thống khám - chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện có hơn 60 bệnh viện y học cổ truyền công lập; hơn 90% bệnh viện đa khoa cấp tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám - chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh. Với thị trường tiêu thụ như vậy, dược liệu nói chung và cây thuốc nói riêng mang lại giá trị kinh tế hơn bất kỳ cây lương thực, thực phẩm nào..

Nhiều hạn chế

Ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền, cho rằng, mặc dù có tiềm năng thế mạnh lớn, nhưng hiện nay, Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước, còn lại 75% phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Việt Nam cũng chưa đưa được các bài thuốc quý trở thành hàng hóa có giá trị cao và được sử dụng rộng rãi.

Nói về vấn đề này, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nêu quan điểm: Việt Nam có nhiều dược liệu có tiếng nhưng một trong những điểm hạn chế là chưa làm tốt khâu xúc tiến thương mại. Việc sản xuất, chế biến, đưa sản phẩm y dược cổ truyền ra thị trường chưa được kết nối tốt.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa đưa được các bài thuốc quý trong cộng đồng ra sử dụng rộng rãi; khai thác dược liệu chưa có tổ chức, không có kế hoạch, không có hướng dẫn khai thác gắn với bảo tồn, phát triển bền vững, dẫn đến một số loài cây thuốc có nguy cơ cạn kiệt hoặc tiệt chủng, thậm chí nhiều bài thuốc quý đã bị mai một, thất truyền hoặc bị đánh cắp, giả mạo.

Lâu nay, dược liệu của ta không được quản lý tốt, thương lái nước ngoài thu mua tự do hoặc chỉ chế biến thô rồi xuất tiểu ngạch nên hiệu quả rất thấp.

Thêm nữa, công nghiệp chế biến dược liệu chưa đủ mạnh để sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Chưa có chính sách thu hút đầu tư trồng, chế biến dược liệu. Nghiên cứu khoa học về dược liệu còn yếu.

Vườn sâm Ngọc Linh giống của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trên núi Ngọc Linh, thuộc địa phận huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Bạch Dương.

Kỹ thuật canh tác và quản lý chất lượng trong sản xuất cây dược liệu còn hạn chế. Cây dược liệu có yêu cầu khắt khe trong kỹ thuật canh tác, làm sao vừa đảm bảo hàm lượng hoạt chất, vừa đảm bảo năng suất; yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao, tuy nhiên, việc nghiên cứu về thành phần sâu, bệnh hại trên cây dược liệu, quy trình canh tác tổng hợp, quy trình phòng trừ sâu bệnh hại chưa được thực hiện.

Khâu đột phá: Tổ chức sản xuất gắn với chế biến

Trước những tồn tại của ngành dược liệu, một số chuyên gia cho rằng, để phát triển dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, cần triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp như: Nhóm giải pháp hoạch định, tổ chức, quản lý; nhóm giải pháp về khoa học công nghệ; nhóm giải pháp về bảo tồn và phát triển bền vững…

Gần đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ tổng thể cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai nuôi trồng và khai thác dược liệu, hướng tới xuất khẩu sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu, hạn chế nhập khẩu dược liệu thô.

Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với công tác phát triển dược liệu, như: hỗ trợ đầu tư về tín dụng, vốn vay, cơ sở vật chất; hỗ trợ giống và kỹ thuật, công nghệ… cho người sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chế biến cây dược liệu.

Tăng cường công tác khuyến nông cho cây dược liệu theo hướng chuyển giao kỹ thuật cho hộ nông dân. Tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình chuyển giao kỹ thuật; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Khuyến khích các hộ nông dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển thành vùng sản xuất cây dược liệu tập trung, chuyên canh, thuận lợi cho áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong vùng quy hoạch. Các địa phương cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Khai thác phải đảm bảo hài hòa, phù hợp với bảo tồn, duy trì nguồn gen cây dược liệu. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong trồng, khai thác, bảo quản sau thu hoạch và chế biến cây dược liệu. Nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, điều tra thành phần sâu bệnh hại trên cây dược liệu, nghiên cứu đề xuất biện pháp quản lý tổng hợp sâu bệnh hại trên cây dược liệu nhằm vừa đảm bảo năng suất, chất lượng, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tổ chức sản xuất, tạo liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu; phối hợp với người dân, chính quyền địa phương xây dựng, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu các loài cây thuốc theo quy hoạch, đặc biệt đối với những loại dược liệu đang có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái và địa lý của từng địa phương

Để ngành dược liệu Việt Nam khai thác tốt tiềm năng, trở thành ngành kinh tế lớn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải nhanh chóng tìm biện pháp tổ chức sản xuất gắn với chế biến, thay vì chỉ chế biến thô có hiệu quả thấp. Cùng với đó, tổ chức một số trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu có quy mô lớn; các tổ chức, doanh nghiệp cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu; các cơ quan nhà nước phải mạnh tay hơn nữa đối với nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Thanh Xuân

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nganh-duoc-lieu-viet-nam-dau-la-dot-pha-post26742.html