Ngành du lịch Indonesia phát triển vượt bậc

Ngành du lịch Indonesia đang bùng nổ. Năm 2017, cả nước đã đón hơn 14 triệu du khách nước ngoài, tăng hơn 2 triệu so với năm trước. Sự gia tăng nhanh chóng của lượng du khách cùng với nguồn thu hàng tỷ USD ngoại tệ có khả năng tiếp tục tăng. Đây là kết quả của nỗ lực phối hợp và chiến lược của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch. Năm 2015, Bộ Du lịch Indonesia đặt ra mục tiêu thu hút 20 triệu du khách nước ngoài vào năm 2019. Vào thời điểm đó, nhiều người cho rằng đây là mục tiêu hơi quá đà nhưng số liệu gần đây nhất cho thấy Jakarta đang tiến rất gần con số này. Điều gì đã thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng này?

Đền Borobudur, một trong 4 điểm đến được Indonesia ưu tiên phát triển hiện nay. Ảnh: Diplomat

Đền Borobudur, một trong 4 điểm đến được Indonesia ưu tiên phát triển hiện nay. Ảnh: Diplomat

Câu trả lời có vẻ khá rõ ràng: sau khi ông Joko Widodo được bầu làm tổng thống, chính phủ đặt ra các tiêu chí rõ ràng cho ngành du lịch, sau đó lên kế hoạch và nỗ lực tối đa để đạt được những mục tiêu đó.

Điểm đến với "giá cả phải chăng"

Những nỗ lực này thu hút du khách đến với Indonesia như một điểm đến giá cả phải chăng. Nhưng đó chỉ là một phần của bức tranh lớn, bao gồm những nỗ lực đa dạng để tái cấu trúc Bộ Du lịch, phát triển thị trường, ban hành các cải cách quy định để thu hút đầu tư và nhắm đến các điểm đến chiến lược, ngoài Bali, để phát triển và xúc tiến. Kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 2015, ngành công nghiệp phát triển bằng những bước nhảy vọt, tạo ra một loạt các hoạt động kinh tế và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm.

Nền kinh tế Indonesia vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Năm 2014, các nhà hoạch định chính sách đã tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế bằng cách ưu tiên phát triển các lĩnh vực dịch vụ phi xuất khẩu, chẳng hạn như du lịch. Năm 2015, Bộ Du lịch đưa ra Kế hoạch chiến lược 5 năm mới, đặt mục tiêu rõ ràng để đạt được vào năm 2019, bao gồm thu hút 20 triệu lượt khách, thu về 240.000 tỷ Rupiah (17,2 tỷ USD) ngoại hối, sử dụng 13 triệu lao động trong ngành và tăng mức đóng góp vào GDP quốc gia lên 8%. Để hoàn thành các mục tiêu này, Bộ Du lịch được tách khỏi Bộ Kinh tế và Du lịch, cho phép Bộ chỉ tập trung vào việc phát triển và tiếp thị các điểm du lịch. Cùng với nhiệm vụ này, Bộ Du lịch cũng nhận được sự gia tăng đáng kể về ngân sách. Ví dụ, ngân sách cho tiếp thị ở nước ngoài trong năm 2016 là 1.777 tỷ Rupiah (127 triệu USD).

Được trang bị nguồn lực tài chính và các mục tiêu tập trung hơn, Bộ Du lịch bắt đầu tập trung nỗ lực phát triển và tiếp thị 4 điểm đến ưu tiên: Labuan Bajo, cửa ngõ vào Quần đảo Komodo; Borobudur, một di sản thế giới được UNESCO công nhận ở Trung Java có nhà thờ Phật giáo được xây từ thế kỷ thứ IX; Mandalika, khu nghỉ mát lớn đang được xây dựng ở miền Trung Lombok; và Hồ Toba, miệng núi lửa lớn nhất thế giới ở Bắc Sumatra.

Đa dạng hóa các điểm đến

Mục đích của việc phát triển các khu vực này là đa dạng hóa các điểm đến, ngoài đảo du lịch nổi tiếng Bali. Indonesia thực hiện một nỗ lực đa dạng để phát triển 4 điểm đến ưu tiên trên. Bước đầu tiên bao gồm cải cách quy định nhằm loại bỏ những vướng mắc trong thủ tục đối với các nhà đầu tư và du khách. Năm 2014, tổng thống cho phép miễn visa đi lại cho công dân của 45 quốc gia. Năm 2016, quy định này đã được mở rộng đến 169 quốc gia. Một loạt các cải cách pháp lý cũng được ban hành, bao gồm việc cho phép mở các khách sạn và nhà hàng 100% sở hữu nước ngoài.

Quan trọng hơn, những quy định này được triển khai song song với các dự án cơ sở hạ tầng lớn, như xây dựng đường sá, sân bay và cảng biển. Điều này sẽ cải thiện hiệu quả của Indonesia trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời giúp hàng triệu du khách nước ngoài dễ dàng tiếp cận các điểm đến hơn.

Năm 2017, ông Widodo mở rộng sân bay Silangit với đường băng dài hơn và nhà ga hành khách lớn hơn nhiều. Nó cũng được trang bị các cơ sở hải quan và di trú để xử lý các chuyến bay quốc tế trực tiếp. Ngoài việc mở rộng sân bay, Bộ Công chính đang cải thiện và mở rộng hơn 400km đường vành đai trong và ngoài, kết nối nhiều điểm đến quanh Hồ Toba ở Bắc Sumatra. Ông Widodo hiện đang thúc đẩy xây dựng sân bay tại Khu hành chính đặc biệt Yogyakarta, bước quan trọng trong việc đạt được mục tiêu thu hút 2 triệu du khách nước ngoài đến Trung Java vào năm 2019.

Tuy nhiên, tăng trưởng quá mức cũng là con dao hai lưỡi. Các khu nghỉ mát lớn, như Mandalika, thường được tài trợ và sở hữu chủ yếu bởi người nước ngoài, mang lại những rủi ro lớn như khả năng người dân địa phương được chia sẻ lợi ích. Nguy cơ chuyển đổi đất có thể làm suy thoái môi trường như thoát nước thải quá mức, ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông. Tiềm năng tác động bất lợi đến môi trường được quan tâm ở một nơi như Borobudur, ngôi đền cổ chỉ nên tiếp nhận 2.000-3.000 người mỗi ngày. Tuy nhiên, trong năm 2016, 3,8 triệu người đã đến thăm Di sản Thế giới của UNESCO, với số lượng khách vượt quá 20.000 người mỗi ngày vào thời kỳ cao điểm.

AN BÌNH (Theo Diplomat)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_190792_nga-nh-du-li-ch-indonesia-pha-t-trie-n-vuo-t-ba-c.aspx