Ngành du lịch đứng trước nguy cơ thiếu nhân lực trầm trọng hậu Covid 19

Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp cung ứng du lịch như nhà hàng, khách sạn điêu đứng, nguồn khách không có, khiến doanh nghiệp phải cho nhân viên nghỉ việc, hoặc nghỉ việc luân phiên; hướng dẫn viên, điều hành cũng rơi vào tình trạng khó khăn, một số doanh nghiệp lữ hành đóng cửa. Hậu Covid-19 ngành du lịch đứng trước nguy cơ thiếu nhân lực.

Nguy cơ thiếu nhân lực ngành du lịch đang hiện hữu trước mắt.

Nguy cơ thiếu nhân lực ngành du lịch đang hiện hữu trước mắt.

Nhân sự ngành du lịch sang ngang, chuyển đổi ngành nghề do Covid-19

Hồi đầu năm 2020, sau mấy tháng xuất hiện ca dương tính với Covid-19, chị Hương, một hướng dẫn viên tự do ở Hà Nội, rơi vào tình trạng không có việc, thu nhập của toàn gia đình chị rơi vào “đóng băng”. Chị Hương đã tìm mọi cách, “giật gấu, vá vai”, phải vay mượn tiền để chi tiêu qua ngày, chờ ngày có đoàn đi để có thể trả nợ. Hay trường hợp của anh Tuấn, hướng dẫn viên ở Đà Nẵng, mặc dù đã làm ổn định cho một công ty du lịch, nhưng do khó khăn chung của doanh nghiệp nên anh cũng nghỉ không lương, khi có đoàn về thì công ty chi lương theo thời vụ. Chị Minh Trâm, một hướng dẫn viên chuyên dẫn tuor đoàn đi các nước Đông Nam Á, sau khi thất nghiệp đã chuyển sang nghề làm bánh ngọt, bán tại các chợ online.

Đây là hai trường hợp điển hình của nhân viên ngành du lịch thời Covid-19, khi dịch xảy ra hầu hết các công ty du lịch rơi vào tình trạng khủng khoảng, lâm vào tình trạng khó khăn chung, khiến hầu hết hướng dẫn viên, hay điều hành, nhân viên của ngành du lịch phải chuyển sang làm thêm ở các ngành nghề khác như: Bán bảo hiểm, cò đất, bán hàng online… để duy trì cuộc sống, có thêm thu nhập, nhiều người trong số họ chuyển luôn nghề khác.

Một số ông chủ, bà chủ của một số khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất, từ trả tiền lãi vay, đến nguồn duy trì đơn vị, và trả tiền nhân viên… Không ít các chủ doanh nghiệp do không duy trì được đơn vị phải bán rẻ doanh nghiệp, tìm cách cắt giảm nhân viên…

Nhân lực luôn là bài toán bức thiết trong ngành du lịch.

Theo Tổng cục Du lịch, Covid-19 khiến cả năm 2020, du lịch Việt Nam chỉ đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm hơn 80% so với năm trước, khách nội địa giảm 50%, ngành du lịch thất thu khoảng 23 tỷ USD. Đến nay, 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngưng hoạt động, công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt 10-15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa.

Điều này gây ra cú sốc chưa từng có đối với nhân sự ngành kinh tế xanh, theo các chuyên gia, Việt Nam có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể các mảng công việc có liên quan. Đến nay, Covid-19 khiến 18% doanh nghiệp phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% công ty cho từ 50 - 80% nhân viên nghỉ việc. Tại Hà Nội, số lao động tạm thời nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động ở các hãng lữ hành, vận chuyển khoảng 50 - 90%.

Hàng triệu lao động ngành du lịch đã chuyển sang làm nghề khác, giám đốc các hãng du lịch nhận định, đây là một nguy cơ rất lớn, bởi khi đại dịch qua đi, du lịch bước vào giai đoạn phục hồi thì sẽ bị thiếu nhân lực trầm trọng.

Cần chuẩn bị lại nguồn nhân lực chất lượng cao giúp du lịch phục hồi

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc VietSense Travel chia sẻ: Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực trong ngành du lịch Việt Nam chưa mạnh, chưa tinh, nay cộng thêm việc hao hụt nguồn lao động thì quả là khó khăn kép. Một số hãng lữ hành uy tín tại Hà Nội như VietSense Travel, AZA Travel, Ascend Travel… đã cùng liên kết, tổ chức các buổi huấn luyện cho nhân viên và sinh viên học chuyên ngành du lịch. Thành lập trung tâm Prato, chuyên đào tạo kỹ năng sale tour đỉnh cao cho các anh em du lịch. Mục đích là nâng cao khả năng thích ứng với thị trường, tạo cơ hội cọ xát thực tế cho các học viên. Sau các khóa huấn luyện, các công ty sẽ thực hiện tuyển dụng từ nguồn do chính mình đào. Hiện tại, thời điểm này, du lịch đang hoạt động “từ tốn”, nên đây là dịp các đơn vị sốc lại bộ máy, tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới phát triển bền vững.

Các điểm đến luôn hút khách.

Không chỉ có nhân viên cấp trung, mà nguồn nhân sự cấp cao trong các khách sạn cũng thiếu hụt trầm trọng. Du lịch Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh về cơ sở vật chất, hàng loạt khách sạn 5 sao, resort cao cấp mọc lên tại các thành phố lớn. Hiện nay, hệ thống khách sạn ở Việt Nam có hơn 120 khách sạn 5 sao, 270 khách sạn 4 sao, khoảng 500 khách sạn 1-3 sao với gần 35.000 buồng, phòng.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, ngành khách sạn có tốc độ phát triển nhanh, dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực tăng cao. Tuy nhiên, ngành khách sạn đang phải đối mặt với sự thiếu hụt lớn nguồn nhân sự chất lượng cao. Mỗi năm, toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động, trong khi năng suất lao động của Việt Nam thua một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia… dẫn đến hiệu quả, chất lượng dịch vụ, tiền lương của người lao động đều thấp.

Nguồn nhân lực luôn là khâu quan trọng nhất trong mỗi ngành nghề, thế nhưng với ngành du lịch, chảy máu chất xám đang là chuyện đáng bàn và lao động chất lượng cao trong doanh nghiệp cũng là bài toán dài hơi mà ngành du lịch cần chuẩn bị.

Theo đánh giá của một số chuyên gia ngành du lịch, trở ngại lớn là chúng ta thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ nhân lực chất lượng cao và nguồn lao động thâm hụt, vậy để giải quyết vấn đề này, ngành du lịch cần nhìn nhận và tiến hành đào tạo gấp rút nguồn nhân lực trong thời gian sắp tới.

Thanh Loan

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/du-lich/nganh-du-lich-dung-truoc-nguy-co-thieu-nhan-luc-hau-covid-19/20210112062142442