Ngành du lịch đổi mới

Du lịch đang trở thành một trong những động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế toàn cầu; trái đất đang trở thành một hành tinh của du khách - hãng tin Bloomberg nhận định dựa trên những dữ liệu toàn cầu về ngành công nghiệp không khói. Đáng chú ý là lượng du khách từ Trung Quốc đang làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch thế giới.

Du khách trẻ chuẩn bị chụp hình khi đứng trong nước biển ở Phuket, Thái Lan. Ảnh: Bloomber

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, trong bảy năm qua, năm nào lĩnh vực du lịch và lữ hành cũng tăng trưởng vượt mức tăng của nền kinh tế nói chung; đóng góp tới 7.600 tỉ đô la trong năm 2016 nếu tính cả tác động rộng rãi tới nền kinh tế. Hội đồng này dự báo trong thập niên tới, cứ 4 công việc làm được tạo ra trên thế giới sẽ có ít nhất 1 công việc liên quan tới ngành du lịch.

Châu Á - nguồn du khách mới

Không nơi nào mà cuộc cách mạng này diễn ra ngoạn mục hơn châu Á.

Một cơn thủy triều du khách từ Trung Quốc đang tỏa ra khắp khu vực, mua sắm, tiêu xài và ăn uống đều nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Du khách Trung Quốc lấp đầy các khách sạn, các xe bus lữ hành và tàu du lịch biển. Họ tràn ngập các sân bay, nhà ga, họ gửi về nhà hàng tỉ hình ảnh kỹ thuật số; và những hình ảnh này lại khuyến khích các đồng hương của họ tham gia vào cuộc chinh phục toàn cầu. Đội ngũ du khách Trung Quốc lại phình to thêm bởi hàng triệu du khách từ các nước châu Á khác, một thế hệ muốn nâng cao vị thế của mình bằng những chuyến du hành nước ngoài hơn là khoác những chiếc túi xách đắt tiền.

Simon Russell, Tổng giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn lữ hành hạng sang Scott Dunn có trụ sở tại London nhận xét: “Thương hiệu cá nhân được xác định bằng những địa điểm mà họ đã thăm viếng”. Tháng trước, Scott Dunn đã mua lại đối thủ cạnh tranh Country Holidays Travel của Singapore để mở rộng mạng lưới khách hàng châu Á.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hiệp quốc, Trung Quốc hiện đóng góp hơn một phần năm số tiền mà du khách chi tiêu khi đi du lịch nước ngoài, cao gấp đôi nước tiêu dùng nhiều thứ hai là Mỹ. Mà dân Trung Quốc chỉ mới bắt đầu phong trào đi du lịch nước ngoài - hiện mới chỉ có 5% dân số nước này có hộ chiếu và Chính phủ Trung Quốc chỉ phát hành khoảng 10 triệu hộ chiếu mới mỗi năm.

Đến năm 2021, du khách Trung Quốc sẽ chi tiêu khoảng 429 tỉ đô la ở nước ngoài, theo số liệu của công ty kế toán và kiểm toán CLSA. Và hiện nay họ đang chi tiêu mạnh tay. Các chuyến đi chơi cuối tuần đến các cửa hàng ở Hong Kong, các sòng bài ở Macau đang dần được thay bằng các chuyến du lịch tới các địa điểm mới. Trong vòng ba năm tới, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ và Úc sẽ đứng đầu danh sách “phải tới” của du khách Trung Quốc, kế tiếp là các địa điểm ở Đông Nam Á, đặc biệt là Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines.

Giống như người Nhật trong thập niên 1980, công dân các nước mới giàu lên có xu hướng đi du lịch nước ngoài. Trong năm năm từ 2017-2021, các quốc gia đang nổi lên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ đóng góp thêm khoảng 50 triệu khách đi du lịch nước ngoài nữa, theo Mastercard Inc. - tập đoàn tài chính chuyên về thẻ tín dụng.

Thêm nhiều tiện nghi, thêm nhiều điểm đến

Sự bùng nổ du châu Á lịch đang làm thay đổi cả khu vực; kích hoạt khoản đầu tư hơn 100 tỉ đô la Mỹ vào cơ sở hạ tầng, xây dựng những sân bay lớn hơn, mua sắm những đội máy bay phản lực mới hơn, thêm những cung đường sắt mới, những khách sạn và công viên giải trí mới. Tác động của cuộc bùng nổ này còn làm giá bất động sản tăng cao chót vót, gây áp lực lên môi trường sinh thái.

Ở các nước đang phát triển, một chương trình xây dựng sân bay lớn nhất trong lịch sử khu vực đang được thực hiện. Không một sân bay quốc tế nào của Thái Lan chưa bị quá tải và cảnh tượng những dòng người xếp hàng dài dằng dặc trước các cửa kiểm soát nhập cảnh đã trở nên rất phổ biến. Hiện khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có kế hoạch xây dựng thêm 178 sân bay mới, hàng trăm sân bay hiện hữu cũng sẽ được mở rộng và nâng cấp, theo thông tin từ tập đoàn tài chính-tín dụng Visa Inc.

Ngoài ra, đang có thêm nhiều hải đảo, thành phố và những khu vực xa xôi hẻo lánh được mở ra để thu hút lữ khách khỏi những điểm nóng du lịch đã quá đông đúc và chán ngấy của thập niên 1990, 2000. Indonesia đã có kế hoạch tạo ra “10 Bali”, nhắm tới những nơi như đảo Morotai Island - một chiến trường cũ thời Chiến tranh thế giới thứ hai - để xây dựng những điểm nghỉ dưỡng mới. Thái Lan - đã quảng bá rất mạnh cho ngành du lịch dưới khẩu hiệu “Amazing Thailand” (Thái Lan kỳ thú) hiện đã hợp tác với Nhật Bản để xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc lên miền bắc đất nước, mở ra nhiều địa điểm du lịch mới trên tuyến đường này. Nước láng giềng Malaysia không chịu kém, đang xây dựng dự án đường sắt xuyên quốc gia tới các vùng biển Kelantan và Terengganu, và đầu năm nay đã bắt đầu quảng bá chiến dịch “Joyful Malaysia” (Malaysia vui vẻ). Ở hai nước Indonesia và Philippines có tới 13.000 hòn đảo nhiệt đới không có người ở, nhiều gấp đôi tổng số đảo ở biển Caribbean. Một vài đảo, như đảo Siroktabe, có thể cho du khách thuê như một đảo riêng tư để họ trải nghiệm cảm giác của những Robinson Crusoe thực sự.

Thế hệ mới, cách kinh doanh mới

Theo nhà kinh doanh khách sạn nổi tiếng Adrian Zecha - đã xây dựng Aman Resort đầu tiên ở Phuket, Thái Lan năm 1988, dành riêng cho các du khách thượng lưu đi du lịch bằng máy bay - hiện nay xu hướng đã thay đổi. Ông Zecha đã rời tập đoàn Aman Resorts năm 2015, nay đang tìm cách khai thác một ngách thị trường mới mà ông gọi là “xa xỉ vừa túi tiền” với thương hiệu Azerai. Khách sạn đầu tiên của ông được mở năm ngoái ở Luang Prabang, Lào. “Tôi chú ý tới một thế hệ mới những người trẻ tuổi hơn và ngày càng đông đảo; họ coi việc đi nghỉ dưỡng thể hiện ý nghĩa một khía cạnh trong lối sống của họ. Họ không giàu có như những khách hàng nghỉ ngơi ở Aman của tôi trước đây, cho nên thách thức của tôi chính là “vừa túi tiền”.

Thế hệ mới mà ông Zecha đề cập tới cũng đang mang lại một sự thay đổi: thế hệ du khách nghiện điện thoại thông minh (smartphone), thành thạo Internet. Những đoàn du khách Trung Quốc đông đảo đi theo những lá cờ của công ty lữ hành tràn ngập khắp mọi nơi đang dần nhường chỗ cho loại khách mà dân trong ngành gọi là FIT - viết tắt của cụm từ Free, Independent Travelers (Những lữ khách tự do độc lập). Những người này sử dụng mạng Internet để hoạch định lộ trình, đặt vé máy bay, dịch các bảng hướng dẫn và ghi lại những trải nghiệm của họ.

“Rất nhiều khách hàng muốn làm theo cách của họ. Họ không thích gia nhập các đoàn du khách”, Chang Theng Hwe, người Singapore đã bỏ việc trong ngành ngân hàng để xây dựng một doanh nghiệp lữ hành; công ty của ông chuyên cung cấp những kỳ nghỉ theo yêu cầu của những người châu Á giàu có, tới những nơi như Nam Cực hoặc núi Hy Mã Lạp Sơn.

Kết quả là một “cuộc cách mạng thứ hai” trong ngành du lịch của khu vực - cuộc cách mạng được thúc đẩy nhờ mạng xã hội. Công nghệ dữ liệu lớn (big data) đã bắt đầu được các doanh nghiệp lữ hàng khai thác để đáp ứng nhu cầu của khối khách hàng ngày càng đa dạng này.

Công ty Ctrip.com International ở Thượng Hải chẳng hạn, là một doanh nghiệp tiên phong trong việc vận dụng smartphone, Internet và dữ liệu lớn vào thị trường Trung Quốc để phát triển một mô thức kinh doanh mới. Ctrip đã tích lũy được một cơ sở dữ liệu khổng lồ các thông tin về du khách Trung Quốc. “Chúng tôi có mọi dữ liệu khách hàng”, Jenna Qian, Trưởng bộ phận tiếp thị điểm đến của Ctrip nói. Công ty theo dõi mọi hoạt động đặt vé, tìm kiếm trên mạng, độ tuổi khách hàng... - mỗi hoạt động của hàng triệu du khách Trung Quốc, từ lúc họ bắt đầu tìm hiểu về điểm đến, cho tới thói quen và sở thích của họ khi ra nước ngoài. Lượng thông tin khách hàng khổng lồ đã giúp Ctrip trở thành đối tác quý giá của cả các công ty Internet Trung Quốc, các hãng hàng không và đại lý du lịch nước ngoài đang muốn giành một phần trong số tiền mà du khách Trung Quốc sẽ bỏ ra.

Tuy nhiên, những đồng tiền lớn hơn vẫn còn được sinh ra từ việc lôi cuốn được các đoàn du khách đông đảo tới một địa điểm nào đó, dù là một khu resort-sòng bài ở Singapore, một ngôi đền cổ ở Campuchia, một công viên chủ đề ở Trung Quốc hoặc chiếc tàu du lịch mới nhất của hãng Royal Caribbean Cruises, chở được 4.000 du khách đi tham quan các vùng biển ở gần Trung Quốc mỗi mùa hè. Thách thức là làm sao đứng vững trong mô thức kinh doanh hiện hữu mà vẫn sẵn sàng nền tảng công nghệ để đáp ứng nhu cầu của thế hệ du khách mới.

Thái Bình

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/269456/nganh-du-lich-doi-moi.html