Ngành du lịch Ai Cập điêu đứng vì khủng bố và bạo lực

Vụ đánh bom khiến 3 du khách Việt Nam thiệt mạng ngày 28-12 không chỉ gây choáng váng cho người Việt Nam mà còn khiến ngành du lịch Ai Cập tiếp tục tổn thương sau nhiều năm gắng gượng phục hồi từ 'Mùa xuân Arab' năm 2011.

Khủng bố-mối đe dọa của ngành công nghiệp không khói

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và cũng là nguồn thu ngoại tệ chính của Ai Cập. Quốc gia này nổi tiếng với các kim tự tháp, trong đó có kim tự tháp Giza-công trình kiến trúc còn lại duy nhất cho tới ngày nay trong số 7 kỳ quan thế giới của thời cổ đại. Vì thế, Ai Cập luôn là một trong những điểm thu hút đông đảo du khách quốc tế. Theo thống kê, ngành du lịch đóng góp 6% GDP của Ai Cập, mang lại doanh thu 13 tỷ USD trong năm 2010 nhờ thu hút 14,7 triệu lượt du khách và tạo việc làm cho 8 triệu người dân Ai Cập.

Tuy nhiên, kể từ khi làn sóng “Mùa xuân Arab” nổ ra năm 2011 khiến nhà lãnh đạo Hosni Mubarak bị lật đổ, Ai Cập đã rơi vào khủng hoảng kéo dài. Quốc gia Bắc Phi phải đối phó với các tay súng Hồi giáo cực đoan đang bám trụ trên bán đảo Sinai. Lực lượng này thỉnh thoảng thâm nhập vào bán đảo Sinai để tấn công cộng đồng Công giáo thiểu số. Tới cuối năm 2017, lực lượng Hồi giáo cực đoan đã giết hơn 100 tín đồ Thiên chúa giáo trong các vụ đánh bom nhà thờ ở Sinai và trên toàn Ai Cập, khiến nhiều người sợ hãi, phải rời bỏ làng mạc đến vùng khác sinh sống. Mục tiêu của IS là kích động hận thù giữa các tôn giáo, từ đó châm ngòi cho bất mãn trong dân chúng và bất ổn trên toàn Ai Cập.

Kim tự tháp là nơi thu hút nhiều du khách nước ngoài khi tới tham quan Ai Cập. Ảnh: arabnews.com.

Chưa hết, các tay súng Hồi giáo cực đoan còn tấn công khách du lịch nước ngoài, không chỉ nhằm mục đích là gây bối rối cho chính quyền Ai Cập mà còn chủ tâm đánh gục ngành du lịch của nước này. Tháng 7-2017, hai du khách Đức bị một kẻ tấn công nghi là lực lượng thánh chiến đâm chết ở khu nghỉ dưỡng Hurgada bên bờ biển Đỏ của Ai Cập. Trước đó, năm 2015, một nhóm khủng bố có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bắn rơi một máy bay chở khách của Nga không lâu sau khi máy bay này cất cánh từ Sharm al Sheikh khiến 224 hành khách thiệt mạng. Sau vụ tấn công trên, Nga đã quyết định ngừng các chuyến bay tới xứ sở Kim tự tháp. Đây là một đòn đánh chí mạng vào ngành du lịch của Ai Cập bởi du lịch là một trong 4 nguồn thu ngoại tệ chính của đất nước Bắc Phi này. Sau vụ tai nạn máy bay trên, ngành du lịch Ai Cập đã bị ảnh hưởng nặng nề khi doanh thu giảm từ 6,1 tỷ USD trong năm 2015 xuống 3,4 tỷ USD năm 2016.

Khôi phục du lịch để phục hồi kinh tế

Để có thể khôi phục lại ngành du lịch như thời điểm trước năm 2010, chính quyền Cairo đã và đang áp dụng nhiều biện pháp cải cách kinh tế mạnh mẽ, như: Cắt giảm trợ cấp, áp thuế VAT, thả nổi tiền tệ, đổi mới chính sách thu hút đầu tư, thương mại… Các cải cách trên bước đầu đạt hiệu quả tích cực, cùng với những hỗ trợ tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giúp nền kinh tế Ai Cập dần đi vào ổn định, qua đó tác động tích cực tới ngành du lịch nước này. Chính phủ Ai Cập cũng thực thi các biện pháp an ninh chặt chẽ nhằm ngăn chặn các vụ tấn công xảy ra. “Một yếu tố quan trọng khác góp phần vào sự tăng trưởng về số du khách tới Ai Cập trong thời gian gần đây là việc Nga nối lại đường bay thẳng với Ai Cập vào tháng 4-2018 sau hơn hai năm gián đoạn”, tờ Le Monde của Pháp bổ sung.

Nguồn tin từ Chính phủ Ai Cập cho biết, doanh thu của ngành du lịch xứ sở Kim tự tháp đã tăng 77% trong nửa đầu năm 2018, đạt khoảng 4,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa đầu năm nay, Ai Cập đã đón khoảng 5 triệu lượt khách du lịch, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) xếp Ai Cập đứng thứ hai trong danh sách các nước có điểm đến du lịch tăng trưởng nhanh nhất năm ngoái. Trong khi đó, bảng xếp hạng Luật và trật tự Toàn cầu Gallup đã đánh giá Ai Cập đứng thứ 16 trong số các nước an toàn nhất thế giới. Với thứ hạng này, Ai Cập đã vượt qua Mỹ, Anh và toàn bộ các nước thuộc châu Phi. Ngoài ra, Ai Cập còn được cho là an toàn hơn nhiều so với các địa điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu như Pháp, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức. Các chuyên gia kinh tế nhận định, Ai Cập sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng như thời kỳ hoàng kim khi tình hình chính trị-an ninh của nước này đang ngày càng ổn định.

Tuy nhiên, sau vụ tấn công nhằm vào đoàn khách du lịch Việt Nam ngày 28-12 vừa qua, mục tiêu trở lại thời hoàng kim của ngành du lịch Ai Cập trở nên xa hơn nếu như chính quyền Cairo không có những biện pháp an ninh hiệu quả hơn để bảo đảm sự an toàn cho du khách.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nganh-du-lich-ai-cap-dieu-dung-vi-khung-bo-va-bao-luc-559406