Ngành đồ gỗ và nội thất Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về giá trị XK

Hội thảo của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) ngày 7.12 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và đồ nội thất năm nay, tính đến thời điểm này đã đạt hơn 9 tỉ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một dịp tham quan sản phẩm đồ gỗ sản xuất tại Việt Nam (ảnh:HAWA).

Phát triển vượt bậc

Ngành đồ gỗ và nội thất Việt Nam hiện nay đang đứng số 1 Đông Nam Á, số 2 Châu Á và đứng thứ 5 thế giới về giá trị xuất khẩu.

Theo thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh, mục tiêu xuất khẩu đồ gỗ và nội thất của Việt Bam đến năm 2025 là 20 tỉ USD và chiếm khoảng 10% thị phần.

“Chiếc bánh” thị phần Việt Nam đang chiếm giữ là hơn 6% trong tổng giá trị thị trường xuất khẩu trên thế giới là 140 tỉ USD. Thứ trưởng Khánh nói vui: “Chính ngành gỗ đã tự chọn mình làm mũi nhọn, và đã đạt được những kết quả vượt bậc”.

Từ năm 2012-2018, doanh số xuất khẩu của ngành đồ gỗ Việt Nam tăng gấp gần 4 lần. Tuy nhiên trong góc nhìn của chuyên gia Phạm Phú Ngọc Trai, cần hướng đến thị trường người dùng (thị trường phân phối) đồ gỗ với tổng giá trị lên đến 450 tỉ USD/năm chứ không chỉ nhìn vào thị trường xuất khẩu 140 tỉ USD/năm, thì giá trị Việt Nam nhận được còn lớn hơn.

7 việc lớn phải làm

Ông Trai cho biết rõ hơn: “Nếu chúng ta định hướng lại câu chuyện ngành chế biến gỗ theo con số 450 tỉ USD thì phải tham gia cả các khâu từ thiết kế, thương hiệu, thương mại, phân phối.v.v…”.

Theo đó, có 7 việc lớn cần phải làm để đưa Việt Nam trở thành “trung tâm đồ gỗ của thế giới”, gồm: Tuân thủ qui định nguyên liệu gỗ hợp pháp; đảm bảo chất lượng sản phẩm; tạo ra thương hiệu đồ gỗ uy tín; ứng dụng công nghệ 4.0 không chỉ vào sản xuất mà cả ở các khâu phân phối, tiếp thị, quảng bá; bảo vệ môi trường trong trồng và khai thác, chế biến gỗ; hình thành chuỗi phân phối quốc tế; hình thành ngành công nghệ, cơ khí, công nghiệp phụ trợ cho ngành chế biến gỗ.

Thứ trưởng Khánh cho biết, mục tiêu trước mắt mà Chính phủ đề ra là nâng cao giá trị gia tăng cho ngành chế biến gỗ bằng việc sử dụng nguyên liệu từ gỗ rừng trồng tại Việt Nam từ 50-70%, về lâu dài là đầu tư trung tâm thiết kế trong đó cần gắn kết với việc đào tạo từ nhà trường.

Theo bà Loan – Giám đốc Cty Sao Nam chuyên sản xuất ván sàn, hiện cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ đang rất cần một trung tâm triển lãm đủ lớn để trưng bày và tổ chức hội chợ cho xứng tầm với vị trí của ngành đồ gỗ Việt Nam hiện nay là số 1 Đông Nam Á và số 5 thế giới.

Trả lời vấn đề này Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, không thể đầu tư cho mỗi ngành một trung tâm triển lãm vì còn phải tính đến hiệu quả khai thác. Tuy nhiên, bộ cũng đang cùng với tỉnh Đồng Nai tính toán dành một quĩ đất làm khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm đồ gỗ.

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/nganh-do-go-va-noi-that-viet-nam-dung-thu-5-the-gioi-ve-gia-tri-xk-645455.ldo