Ngành điều : Xuất khẩu lớn, thua lỗ nhiều?

Thiếu quy hoạch cũng như sự cầm trịch của người 'nhạc trưởng', dẫn đến phát triển quá nóng là nguyên nhân đẩy các DN trong ngành chế biến, xuất khẩu điều rơi vào hoàn cảnh tranh mua nguyên liệu giá cao, rồi lại tranh bán điều nhân giá thấp.

Hệ lụy là khoảng 80% DN nhỏ và siêu nhỏ trong ngành đang phải tạm ngưng sản xuất do thua lỗ và hết nguyên liệu cục bộ.

Cầu tăng 5%, cung tăng 25%

Theo số liệu từ Hiệp hội điều Việt Nam, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 3,62 tỷ USD với 350.000 tấn điều nhân, đây cũng là năm thứ 12 liên tiếp ngành điều Việt Nam giữ vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân (chiếm trên 60% tổng số lượng điều nhân xuất khẩu trên toàn cầu).

Kế hoạch xuất khẩu trong năm 2018, toàn ngành phấn đấu đạt tổng kim ngạch 3,7 tỷ USD, duy trì thị phần 65% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều toàn cầu, và là năm thứ 13 liên tiếp ngành điều Việt Nam giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến, xuất khẩu điều nhân. Tuy nhiên, đằng sau những con số đầy lạc quan ấy, đa số các DN trong ngành đang rơi vào hoàn cảnh kinh doanh thua lỗ và phải tạm ngưng sản xuất do thiếu nguyên liệu cục bộ.

Trước hết theo khẳng định của các DN lớn cũng như phía Hiệp hội điều, nhu cầu nhập khẩu điều nhân trên thế giới của các nhà rang chiên và thương mại trong năm 2018 tăng khoảng 5% so với năm 2017. Thế nhưng, chỉ 5 tháng đầu năm công suất chế biến điều nhân của Việt Nam lại tăng tới 25% so với cùng kỳ, dẫn đến dư nguồn cung quá nhiều, các nhà máy phải đua nhau bán tháo với giá mỗi ngày một rẻ hơn nhằm thu hồi vốn, trả nợ vay.

Việc bùng nổ công suất quá lớn không chỉ đẩy các DN vào cảnh bán tháo giá rẻ, thua lỗ mà còn khiến toàn ngành đang đứng trước thực tế thiếu nguyên liệu để sản xuất, bị ép mua nguyên liệu với giá cao.

Lâu nay, ngành điều Việt Nam tuy giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu, nhưng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Theo phân tích của ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập 283.000 tấn điều thô, thu mua trong nước và biên mậu 370.000 tấn, tương đương tổng nhập kho của các DN là 653.000 tấn.

Xuất khẩu điều nhân trong 5 tháng qua 152.000 tấn. Với định mức 4,3kg nguyên liệu cho 1kg nhân thì 5 tháng qua các DN đã chế biến toàn bộ số nguyên liệu nhập kho. Như vậy hết tháng 5 hầu như các nhà máy đều rỗng kho, không còn nguyên liệu để sản xuất.

Ông Nguyễn Duy Tuân, Tổng giám đốc Công ty Lafooco (Long An) cho biết, các DN trong ngành đã phải chịu đựng cơn giảm giá của điều nhân suốt 9 tháng qua (từ tháng 9-2017), giá giảm từng ngày, từng tuần. Tại Long An hiện chỉ còn 12/33 DN hoạt động, trong khi tại thủ phủ điều Bình Phước có tới 80% DN nhỏ và siêu nhỏ phải tạm ngưng sản xuất. Việc phát triển quá nóng của ngành điều đặt ra một câu hỏi về vai trò điều phối, định hướng của hiệp hội, cũng như cơ quan quản lý.

Trước câu hỏi này, phía hiệp hội khẳng định chỉ có thể đưa ra khuyến cáo với các DN về việc nâng chất thông qua việc nâng tỷ lệ chế biến sâu lên 10%, giảm sản lượng, chứ không thể ép buộc DN nhất là các DN không là thành viên hiệp hội. Thị trường sẽ thanh lọc, đào thải các DN làm ăn không hiệu quả.

Phải chủ động nguyên liệu
Thực trạng ngành điều hiện nay đang đặt ra hai câu hỏi lớn: Thứ nhất, giá điều nhân từ giờ đến cuối năm liệu có khả quan hơn hay không. Thứ hai, ngành điều về lâu dài phải tìm cách chủ động về nguyên liệu, có như vậy mới tính đến những câu chuyện phát triển dài hơi.

Về giá theo nhìn nhận chung của DN, từ nay đến cuối năm sẽ cải thiện do phần nhiều các DN nhỏ đang tạm ngưng sản xuất, toàn ngành sẽ chỉ còn lại khoảng 20-30% DN lớn, như vậy công suất sẽ giảm, chất lượng sẽ được chú trọng và đương nhiên giá sẽ được nâng lên. Đồng thời, đây cũng được xem như cơ hội cho các DN lớn cùng nhau phát triển ngành và cung cấp những sản phẩm tốt nhất cho người mua, từ đó duy trì vị thế nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Về vấn đề nguyên liệu, theo tính toán của ông Tạ Quang Huyên, với mức cầu tăng như hiện nay năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu được 370.000 – 380.000 tấn điều, đồng nghĩa với việc từ giờ đến cuối năm phải nhập khẩu thêm từ 900.000 đến 1 triệu tấn nguyên liệu. Song lượng nguyên liệu có đủ hay không chưa thể đoán trước được. Vấn đề này một lần nữa đặt ra yêu cầu cấp bách về việc Việt Nam phải tìm cách chủ động nguyên liệu, giảm rủi ro khi phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu.

Châu Phi là những khu vực mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất, cũng đang hướng đến việc tự sản xuất điều nhân chứ không xuất điều thô nữa. Giải pháp của một số DN chính là chuyển qua một số vùng trồng ở Campuchia, hoặc gần đây một vài DN lớn đã bắt đầu hình thành liên kết chuỗi giữa DN và các vùng nguyên liệu. Chỉ tính riêng ở Bình Phước cũng đã có vài DN thành lập các hợp tác xã trồng điều sạch, điều organic để phục vụ cho xuất khẩu. Đây cũng là một hướng đi nhắm vào việc phát triển mạnh về chất cho ngành điều Việt Nam.

Theo dự báo của Hiệp hội điều Việt Nam năm 2019, ngành điều có thể bước qua một chu kỳ phát triển mới. Hiệp hội sẽ cùng đồng hành với nông dân và DN, khuyến khích sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị tăng cường các giải pháp chất lượng và truy suất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, sản xuất sạch hơn, chế biến sâu hơn, phát triển thị trường nội địa và hỗ trợ xuất khẩu để đưa giá trị thương mại của toàn ngành lên khoảng 4 tỷ USD.

Từ ngày 5 đến ngày 7-10-2018, tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, Hiệp hội điều Việt Nam sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tổ chức hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 10 năm 2018 với chủ đề “Nói tới hạt điều, nghĩ đến Việt Nam” – “Hãy đến với Hạ Long”. Dự kiến có khoảng 500 khách hàng trong nước và quốc tế đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự hội nghị.

Thanh Lâm

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/nganh-dieu-xuat-khau-lon-thua-lo-nhieu-59054.html