Ngành điều hụt hơi trong kế hoạch phát triển nhân điều chế biến sâu

Chỉ còn vài tháng nữa là đến thời hạn hoàn thành các chỉ tiêu trong đề án Phát triển bền vững ngành điều đến năm 2020, nhưng đến nay tỷ lệ thực hiện các chỉ tiêu này vẫn ở mức thấp.

Tỷ lệ điều nhân được chế biến sâu mới chỉ đạt 10%. Ảnh: N.H

Tỷ lệ điều nhân được chế biến sâu mới chỉ đạt 10%. Ảnh: N.H

Theo đề án Phát triển bền vững ngành điều đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 3993 QĐ-BNN-TT, tỷ lệ sản phẩm nhân điều chế biến sâu được nâng lên 20% (nhân điều được chế biến thành sản phẩm ăn liền); tiêu thụ nhân điều chế biến sâu tại thị trường trong nước đạt 50%. Bên cạnh đó, chế biến 100.000 lít nước ép trái điều để sản xuất cồn khô tại các vùng trồng điều tập trung; chế biến bán ép từ gỗ điều và bã điều khoảng 10.000 m3.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), việc tận dụng trái để chế biến ra nước ép trái điều, sản xuất cồn sinh học (Ethanol), chế biến ván ép từ gỗ điều và bã điều… hiện vẫn chỉ được xử lý ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa được phổ biến trong thương mại. Theo đó, chỉ có khoảng 1,5% số lượng trái được tận dụng để ép lấy nước.

Sản phẩm nhân điều chế biến sâu cũng mới chỉ đạt tỷ lệ khoảng 10% trong tổng số điều nhân được chế biến. Các sản phẩm phổ biến vẫn ở dạng ăn liền đơn giản như chiên, rang muối, tẩm gia vị, mật ong, wasabi, bánh kẹo…

Về thị trường nội địa, theo kế hoạch đề ra trong đề án, tỷ lệ chế biến sâu nhân điều được nâng lên 20%, trong đó tiêu thụ trong nước đạt 50%. Như vậy, khoảng 10% tổng sản lượng nhân điều chế biến ra sẽ dành cho tiêu thụ nội địa.

Với trên 1 triệu tấn hạt điều thô thu mua và nhập khẩu trong nửa đầu năm nay chế biến được khoảng 240.000 tấn điều nhân các loại. Trong đó có khoảng 15.000 tấn điều nhân được tiêu thụ nội địa, chủ yếu trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Theo ước tính của Vinacas, lượng điều nhân tiêu thụ ở thị trường nội địa mới chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 6,25% tổng sản lượng điều nhân được chế biến.

Theo Vinacas, nguyên nhân dẫn đến việc chưa mở rộng được thị trường trong nước là do các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm về phát triển các mặt hàng chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm. Trong khi đó, Hiệp hội chưa có những chương trình hoạt động để kích cầu tiêu dùng nhân điều nội địa. Hiện xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thực vật thay thế cho sữa đang diễn ra ngày càng nhanh trên thế giới nhưng Việt Nam chưa tận dụng được đầy đủ cơ hội này. Dự báo thị trường các sản phẩm thay thế cho sữa bò toàn cầu sẽ tăng lên 29,6 tỷ USD vào năm 2023, từ mức 17,3 tỷ USD năm 2018.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nganh-dieu-hut-hoi-trong-ke-hoach-phat-trien-nhan-dieu-che-bien-sau-110765.html