Ngành điện trước nỗi lo thiếu vốn đầu tư

Để bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng cao, dự kiến giai đoạn 2017-2020, nguồn điện cần bổ sung mỗi năm phải đạt tối thiểu khoảng 10%, tương ứng vốn đầu tư khoảng 5-6 tỷ USD/năm. Ngay trong năm 2018 này, ngành điện cần khoảng 118.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho các công trình điện. Tuy nhiên, ngành điện đang gặp rất nhiều khó khăn để lo được số vốn đầu tư này.

Loay hoay trong chính sách tài chính chặt chẽ hơn

Hiện nay, điện lực vẫn là một trong những ngành được Chính phủ cho phép bảo lãnh, nhưng để bảo đảm an toàn nợ công, mức bảo lãnh đã giảm so với trước. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Theo đó, giảm mức bảo lãnh Chính phủ từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống còn không quá 70%, tùy theo mức độ quan trọng của chương trình, dự án. Các điều kiện về bảo lãnh và vay vốn của Chính phủ ngày càng khắt khe. Mặt khác, đối với các dự án có bảo lãnh của Chính phủ hoặc vay vốn ODA, trình tự và thủ tục phê duyệt lâu hơn, đặc biệt là các dự án với số vốn trên 10.000 tỷ đồng phải trình Quốc hội xem xét.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, một dự án hiếm hoi khởi công mới của ngành điện. (Ảnh: http://baodautu.vn)

Cùng với đó, hạn mức cho vay của các ngân hàng thương mại đối với các công trình điện tối đa là 15% vốn điều lệ của ngân hàng đó. Trong khi vốn điều lệ của các ngân hàng lớn nhất Việt Nam hiện nay cũng chỉ khoảng 30.000-40.000 tỷ đồng/ngân hàng. Số vốn vay được chiếm tỷ lệ còn nhỏ so với tổng nhu cầu vốn của ngành điện.

Theo thông báo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thời hạn vay vốn ODA của Việt Nam còn kéo dài đến năm 2019, sau đó sẽ chuyển sang vay thương mại là chủ yếu. Vì vậy, từ nay đến năm 2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tích cực làm việc với các tổ chức tài chính và ngân hàng quốc tế, như: WB, ADB, JICA và các tổ chức tín dụng để thu xếp vốn ODA.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế

EVN đang quyết tâm đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) để 100% đơn vị của EVN đảm bảo được các chỉ tiêu tài chính và đạt mục tiêu tự phát hành trái phiếu, không cần bảo lãnh Chính phủ. Tuy nhiên, đây là việc không dễ, yêu cầu các đơn vị phải đạt tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu thấp hơn 3 lần, lợi nhuận hằng năm phải đạt 10-12% trên vốn sở hữu. Các chỉ tiêu thanh toán nhanh phải bảo đảm có thể sẵn sàng trả nợ bất kỳ lúc nào.

Vì vậy, để đạt được các chỉ tiêu đó, trong năm 2017, EVN đã thuê tư vấn quốc tế đánh giá, xếp hạng tài chính của EVN. Những tiêu chí không đảm bảo được theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ có kế hoạch điều chỉnh kịp thời. Mục tiêu từ nay đến năm 2019, EVN phải phát hành trái phiếu quốc tế. Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, với nhu cầu vốn trung bình 5-6 tỷ USD mỗi năm, bắt buộc EVN phải phát hành trái phiếu quốc tế, khi thị trường trái phiếu trong nước mỗi năm chỉ tương đương 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, một trong những điều kiện cần để có thể phát hành trái phiếu quốc tế là các tiêu chuẩn hạch toán, kế toán, báo cáo cũng phải theo chuẩn quốc tế. Đây cũng là mục tiêu của Bộ Tài chính đến năm 2020 sẽ áp dụng chuẩn kế toán quốc tế trên cả nước. Ngay từ năm 2017, EVN đã tiến hành đào tạo, sẵn sàng đưa vào hoạt động sau khi Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện.

Cần cơ chế tốt để thu hút đầu tư

Để tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các dự án điện, ông Ngô Quốc Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần (CP) Điện An Khánh-Bắc Giang, kiến nghị: Chính phủ nên có chính sách để bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa nhà đầu tư dự án điện độc lập (IPP) và BOT. Hiện nay, loại hình đầu tư BOT cho ngành điện chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài và IPP cơ bản là các nhà đầu tư trong nước. Trong khi các dự án BOT được hưởng rất nhiều cơ chế chính sách về chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh hợp đồng mua bán điện… thì dự án IPP không được hưởng những ưu đãi trên. Vì thế, nên cho phép các ngân hàng trong nước nới rộng trần cho vay từ 15% vốn điều lệ như hiện nay lên mức 25% vốn điều lệ.

Nhìn nhận về hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), ông Phạm Quốc Đông, Công ty CP Đầu tư phát triển Lotus Việt Nam cho rằng, đây là hình thức đầu tư đầy tiềm năng để tháo gỡ vấn đề vốn cho ngành điện Việt Nam. PPP sẽ giúp Việt Nam khai thác được nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân nhiều hơn, chính sách trả nợ có đầu ra. Với góc nhìn đó, ông Đông đề xuất, Chính phủ cần có hành lang pháp lý tốt hơn nữa với PPP để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Trong khi đó, theo ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN: Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án sắp xếp, tái cơ cấu DN thuộc EVN giai đoạn 2017-2020, tập đoàn đã phê duyệt các đề án tái cơ cấu các đơn vị trực thuộc, trên cơ sở sẽ CP hóa toàn bộ khối phát điện. Hiện EVN đang tích cực thoái vốn, cổ phần hóa để có nguồn đầu tư cho các công trình điện. Tính cả năm 2017 vừa qua, EVN đã thoái vốn tại 8 công ty nằm trong diện phải thoái vốn hoặc giảm vốn, thu về được gần 219 tỷ đồng, thặng dư 31 tỷ đồng. Trong năm 2018, EVN tiếp tục thoái vốn tại các công ty CP, như: Thoái 7,5% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance); thoái vốn tại Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, Công ty CP phong điện Thuận Bình, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 và 4 …

Trong năm 2018, EVN sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại 3 tổng công ty phát điện trực thuộc. Vừa qua, EVN đã phối hợp tổ chức phiên IPO của Công ty mẹ-Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) có tổng tài sản 111.000 tỷ đồng. Phiên đấu giá này được đánh giá là chưa thật thành công với kết quả bán được 7.451.400 CP (chỉ chiếm gần 3% lượng CP chào bán ra công chúng trong đợt này), với mức giá đấu thành công bình quân là 24.802 đồng/CP. Cũng trong năm 2018, hai tổng công ty phát điện còn lại thuộc EVN là EVNGenco 1 và EVNGenco 2 cũng sẽ tiếp tục được IPO. Có thể thấy nếu không có các giải pháp đột phá, cách làm phù hợp thì cổ phiếu của ngành điện chưa hấp dẫn nhà đầu tư, và để CP hóa được lượng vốn cực lớn của 3 tổng công ty phát điện là không dễ.

Để bảo đảm vốn cho các dự án năm 2018, EVN đã yêu cầu các đơn vị cân đối nguồn vốn đầu tư đủ cho các công trình điện, đặc biệt là các công trình trọng điểm, các công trình phải hoàn thành trong năm. EVN cũng yêu cầu các ban quản lý dự án đặc biệt chú trọng công tác lập kế hoạch vốn, nghiệm thu khối lượng hoàn thành kịp thời cho các nhà thầu để thanh toán và giải ngân nhanh các nguồn vốn.

MINH HƯNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nganh-dien-truoc-noi-lo-thieu-von-dau-tu-532368