Ngành điện hoàn toàn có thể công khai, minh bạch hơn

Suốt thời gian qua, câu chuyện công khai, minh bạch trong ngành điện nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận, đặc biệt là vấn đề tăng giá điện. Nhiều chuyên gia nhận định, còn nhiều không gian để ngành điện có thể thực hiện công khai, minh bạch tốt hơn nữa.

Trong số các quốc gia đang phát triển, Việt Nam là một trong những nước có thị trường năng lượng phát triển thành công nhất trên thế giới. Ảnh: Nguyễn Thanh

Trong số các quốc gia đang phát triển, Việt Nam là một trong những nước có thị trường năng lượng phát triển thành công nhất trên thế giới. Ảnh: Nguyễn Thanh

Nhiều điểm đã công khai

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan xung quanh câu chuyện minh bạch thị trường điện, đặc biệt là giá điện, ông Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho hay: “Thị trường điện hiện nay đã bắt đầu thị trường hóa phần nguồn. Bây giờ ai cũng biết xây dựng một nhà máy nhiệt điện hết bao nhiêu tiền, vận hành tốn kém bao nhiêu thì giá thành phải là bao nhiêu. Chuyện đó không có gì tù mù”.

Nói sâu về giá điện, ông Nguyễn Minh Đức-Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (chuyên gia tham gia Đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm do Bộ Công Thương tổ chức-PV) cho biết: Hiện tại, quy định về cách tính giá điện đã có, thể hiện trong Quyết định của Thủ tướng liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá điện. Bộ Công Thương cũng đã có thông tư quy định tương đối rõ về cách tính giá điện.

Nói chung, công thức tính giá điện khá là rõ ràng, song không phải ai đọc cũng hiểu công thức tính. Hàng năm, Bộ Công Thương có tổ chức đoàn kiểm tra chi phí giá thành. Đoàn kiểm tra gồm Đại diện của Cục Điều tiết điện lực, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Hội Điện lực, VCCI, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng….

“Việc kiểm tra khá nghiêm túc. Đoàn kiểm tra yêu cầu báo cáo các số liệu, rồi kiểm tra số liệu đó có khớp không. Các số liệu đó dựa trên báo cáo của Công ty kiểm toán Deloite – một trong 4 hãng kiểm toán hàng đầu thế giới. Đoàn kiểm tra chỉ xác định có khoản nào không phù hợp được tính vào giá điện hay không; hay các mục có chuẩn không. Những năm vừa qua, Công ty kiểm toán Deloite cũng đã vào làm. Họ có báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm trên báo cáo ấy, rằng những con số đó là chính xác và Deloite đảm bảo họ làm đúng nghiệp vụ kiểm toán trong quá trình đó”, ông Đức nói.

Nhìn nhận tổng thể mức độ minh bạch thông tin về tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Franz Gerner - Điều phối viên nhóm Chuyên gia năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết: EVN đã cung cấp cho WB và các đối tác khác báo cáo tài chính hàng năm được lập theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế, được kiểm toán bởi công ty kiểm toán quốc tế thuộc top 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (Big4) trước ngày 30/6 hàng năm.

Chất lượng báo cáo này được WB chấp nhận. EVN cũng được các tổ chức xếp hạng tín dụng đánh giá về khả năng phát hành trái phiếu doanh nghiệp và những kết quả này đều đã được công bố.

“Chúng tôi cũng biết rằng Bộ Tài chính yêu cầu EVN công bố báo cáo tài chính được lập theo chuẩn mực kế toán Việt Nam hàng năm. WB đang hợp tác với Bộ Tài chính để các doanh nghiệp nhà nước lớn, chẳng hạn như EVN sử dụng Báo cáo tài chính quốc tế nhằm cải thiện thêm tính minh bạch của các thông tin tài chính”, ông Franz Gerner cho hay.

Có thể minh bạch hơn nữa

Trên thực tế, ông Đức phân tích thêm: Sau khi Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đi kiểm tra về chi phí tính giá thành, Cục Điều tiết điện lực tổ chức họp báo công bố các loại chi phí. Tuy nhiên, thông cáo báo chí đưa ra tại họp báo là bản tổng hợp chung cuối cùng, đưa ra các con số cuối cùng và các nhận xét đánh giá tại sao ra con số đó. Báo cáo kiểm toán của Deloitte cũng không đưa ra tại buổi hôm đó.

“Rất nhiều thứ tôi nghĩ hoàn toàn có thể đưa ra được như báo cáo của Deloitte, báo cáo của các tổng công ty, những con số liên quan đến giá thành mua điện các nơi là bao nhiêu, thậm chí chi phí nhân công. Các con số này đoàn kiểm tra đều đã được cung cấp. Nhìn chung, có rất nhiều điểm ngành điện đã công khai minh bạch, đặc biệt công thức tính đã rất công khai. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, vẫn còn không gian để minh bạch hơn rất nhiều. Tôi kiến nghị nên công khai thêm từ khâu tính chi phí giá điện đến việc quyết định giá điện”, ông Đức nói.

Trong câu chuyện phát triển thị trường điện Việt Nam, nói thêm về vấn đề Việt Nam đã triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh và theo kế hoạch, năm 2021 sẽ có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, ông Franz Gerner cho hay: Thị trường điện bán buôn sẽ hoạt động đầy đủ vào năm 2021, nơi những khách hàng lớn (chẳng hạn các khách hàng công nghiệp lớn cũng như 5 Tổng công ty Điện lực) có thể ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị phát điện của nhà nước và tư nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng của họ.

Sau đó, Chính phủ có kế hoạch giới thiệu thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2023, nơi tất cả các nguồn phát điện và các công ty phân phối sẽ cạnh tranh để cung cấp cho các khách hàng công nghiệp, thương mại và hộ gia đình.

“Mặc dù việc mở rộng cạnh tranh cho tất cả các nhóm khách hàng có thể có lợi, nhưng thời điểm đưa ra thị trường bán lẻ cạnh tranh là rất quan trọng. WB khuyến nghị Chính phủ nên xem xét kinh nghiệm quốc tế về chi phí và lợi ích của việc vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh cũng như thời điểm vận hành nó. Kinh nghiệm từ các nước Mỹ Latinh cho thấy, hầu hết các quốc gia đã ngừng thị trường bán lẻ cạnh tranh khi nhu cầu điện tiếp tục tăng nhanh và các khoản đầu tư mới vào phát điện và và lưới điện không đến do sự bất định của việc vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh”, ông Franz Gerner cho hay.

Theo ông Franz Gerner - Điều phối viên nhóm Chuyên gia năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá: Trong số các quốc gia đang phát triển, Việt Nam là một trong những nước có thị trường năng lượng phát triển thành công nhất trên thế giới. Trong suốt vài thập kỷ qua, tiếp cận điện năng đã tăng từ mức 50% vào năm 1996 lên 99,6% vào năm 2018. Lĩnh vực năng lượng đã giảm được tổn thất trong khâu truyền tải và phân phối cũng như tổn thất thương mại với tỷ lệ thu hồi là 99,8% với sự tham gia đáng kể của khu vực tư nhân vào khâu phát điện.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/nganh-dien-hoan-toan-co-the-cong-khai-minh-bach-hon-105834.html