Ngành Điện 'căng mình' khắc phục sự cố sau mưa giông

Hàng trăm cán bộ, công nhân ngành Điện của tỉnh phải dầm mình dưới mưa suốt nhiều giờ đồng hồ, thức trắng đêm tìm nguyên nhân sự cố để kịp thời khắc phục và cấp điện trở lại phục vụ người dân và các đơn vị sản xuất.

Nhân viên ngành Điện khắc phục kịp thời sự cố kỹ thuật do mưa giông gây ra trên đường dây trung thế đoạn qua khu vực xã Hóa Trung (Đồng Hỷ), bảo đảm cấp điện ổn định phục vụ nhân dân (ảnh chụp lúc 16 giờ 30 phút ngày 11-9). Ảnh: Nan Hà

Nhân viên ngành Điện khắc phục kịp thời sự cố kỹ thuật do mưa giông gây ra trên đường dây trung thế đoạn qua khu vực xã Hóa Trung (Đồng Hỷ), bảo đảm cấp điện ổn định phục vụ nhân dân (ảnh chụp lúc 16 giờ 30 phút ngày 11-9). Ảnh: Nan Hà

Ngay trong thời điểm mưa giông (đêm 9, rạng sáng 10-9), khi trung tâm T.P Thái Nguyên cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh vẫn còn ngập trong nước thì cán bộ của ngành Điện đã tỏa đi khắp nơi để xử lý sự cố về điện. Tại Trạm điện 110kV Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên), sau một đêm mưa giông đã bị ngập sâu 50cm, vì thế, ngành Điện buộc phải cắt điện tạm thời, huy động hàng chục cán bộ đến hiện trường cùng nhiều thiết bị máy móc để khắc phục sự cố. Làm việc trong điều kiện nước ngập cao qua đầu gối và chảy xiết, việc đứng vững đôi khi còn khó khăn vậy mà các cán bộ, công nhân của ngành Điện vẫn tất tả vận chuyển máy phát điện, máy bơm, dọn dẹp đất cát, khơi thông dòng chảy. Anh Đỗ Bá An, Đội phó Đội quản lý Điện cao thế cho biết: Trong sáng 10-9, việc khắc phục của chúng tôi gần như... bất lực. Mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ khiến nước từ bên ngoài cổng vẫn không ngừng tràn vào khu vực bên trong. Mặc dù đã huy động 2 máy bơm công suất lớn nhưng cán bộ vẫn phải thay nhau tát nước liên tục. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, việc khắc phục mới cơ bản xong và từng bước đóng điện trở lại cho người dân Thành phố.

Không riêng T.P Thái Nguyên, 8 huyện, thị, thành còn lại cũng bị mất điện trên diện rộng và thiệt hại không nhỏ sau trận mưa giông vừa qua. Đã có hàng chục cột điện bị đổ gãy, hàng nghìn mét dây bị đứt, nhiều trạm biến áp ngập trong nước, hơn 90.000/370.000 khách hàng bị cắt điện, ước tính thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Mức thiệt hại lớn cộng với điều kiện làm việc khắc nghiệt đã khiến cho việc khôi phục cấp điện trở lại càng khó khăn. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật - An toàn (Điện lực huyện Võ Nhai) cho biết: Trận mưa giông đã khiến cho nhiều cột điện hạ thế, đường dây đi qua các xã phía Bắc của huyện như: Cúc Đường, Sảng Mộc, Thần Sa, Thượng Nung và Vũ Chấn bị hư hỏng dẫn đến mất điện trên diện rộng. Tuy chúng tôi đã rất cố gắng nhưng sau mưa giông cũng chỉ cấp điện trở lại được cho khoảng 90% khách hàng. Số khách hàng còn lại tập trung ở các xóm: Tân Lập, Khuổi Chạo (xã Sảng Mộc) và Tân Kim (xã Thần Sa) vẫn phải thiếu điện 1 ngày. Nguyên nhân là do khu vực này bị cô lập bởi mưa lũ, khi nước rút bớt chúng tôi mới có thể đến khắc phục.

Còn đối với huyện Định Hóa, ông Ngô Quang Huy, Giám đốc Điện lực huyện chia sẻ: Việc khắc phục sự cố mất điện của Định Hóa mất rất nhiều thời gian do địa hình của huyện có nhiều đồi núi, cán bộ không thể đi bằng xe máy mà phải đi bộ, thậm chí băng qua rừng, lội qua suối mới có thể kiểm tra được hết các thiết bị điện nhằm đảm bảo an toàn khi đóng điện trở lại.

Không gặp nhiều bất lợi về điều kiện đi lại như Điện lực của các huyện miền núi, vùng cao, nhưng đối với Điện lực T.P Sông Công và T.X Phổ Yên lại bị áp lực về thời gian cấp điện trở lại khi khắc phục sự cố. Bởi đây là những địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh với hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ đang hoạt động. Ông Trần Thanh Sơn, kỹ thuật viên, Điện lực T.X Phổ Yên chia sẻ: Mưa giông khiến cho gần như toàn bộ địa bàn thị xã bị mất điện, kể cả các khu công nghiệp. Sự cố lớn nhân lực lại mỏng cùng với đó yêu cầu về thời gian phải cấp điện trở lại nhanh, khiến chúng tôi phải “căng mình” để làm việc suốt nhiều ngày qua. Khó khăn nhất phải kể đến là việc khắc phục sự cố mất điện tại 2 xã Minh Đức và Thành Công. Tại khu vực này, chúng tôi phải huy động hơn một nửa nhân lực của đơn vị và thức trắng đêm 11-9 để tìm kiếm vị trí cháy nổ trên 20 cột điện cao thế. Thời gian từ khi tìm kiếm đến lên phương án khắc phục và cấp điện trở lại ổn định cho người dân kéo dài trong 2 ngày, 2 đêm.

Theo ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên: Nhờ sự nỗ lực của tập thể cán bộ ngành Điện, tính đến ngày 12-9, người dân toàn tỉnh đã cơ bản có điện để ổn định sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, ngay sau khi đã khắc phục xong các sự cố thì ngành Điện phải tiếp tục lên phương án ứng trực 24/24 giờ tại các vị trí xung yếu, tăng cường kiểm tra các hệ thống cột điện, đường dây nhằm đảm bảo khi vận hành, đồng thời chuẩn bị thêm máy móc, thiết bị để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố mới xảy ra.

Hoàng Cường

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/nganh-dien-%E2%80%9Ccang-minh%E2%80%9D-khac-phuc-su-co-sau-mua-giong-266217-85.html