Ngành Dệt may hướng tới phát triển bền vững

Ngành Dệt may nỗ lực tìm thị trường mới

(HNM) - Một trong những yêu cầu quan trọng khi thực thi các hiệp định thương mại mới ký kết đối với ngành Dệt may là nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, giảm tác động tiêu cực tới môi trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để phát triển bền vững, giảm phát thải hóa chất độc hại và tăng giá trị cho xuất khẩu.

Với kim ngạch xuất khẩu hơn 30 tỷ USD/năm, ngành Dệt may có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc gia. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng mạnh và may mặc là một trong những ngành được hưởng lợi. Nhưng chính điều này cũng đã, đang tạo ra thách thức cho ngành, vì sản phẩm may mặc không chỉ đáp ứng yêu cầu xuất xứ nguyên liệu sản xuất, mà còn phải chứng minh được trách nhiệm xã hội trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, thời gian qua, ngành Dệt may vẫn chưa nắm bắt được cơ hội này. Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chỉ rõ, lượng hóa chất sử dụng trong doanh nghiệp dệt nhuộm khoảng 500-2.000 kg/tấn sản phẩm và ngành Nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhất. Việt Nam có gần 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhưng hầu hết dây chuyền đều chưa được quản lý và khai thác công nghệ tương xứng với tính năng thiết bị…

Do vậy, cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh, sạch, giảm sử dụng năng lượng là giải pháp cần thiết để tăng năng lực cạnh tranh. Đề cập đến vấn đề này, ông Thomas Mills, đại diện thương hiệu Tommy Hilfiger cho biết, có 3 lý do chính để doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi. Cụ thể, những thương hiệu may mặc lớn trên thế giới đang chuyển hướng sang ưu tiên đặt đơn hàng cho những doanh nghiệp "xanh"; người tiêu dùng sản phẩm trên toàn cầu đã bắt đầu xem xét yếu tố trách nhiệm xã hội với môi trường của doanh nghiệp sản xuất; thương hiệu sản phẩm may mặc đã sẵn sàng tham gia mục tiêu giảm khí thải nhà kính…

Thực tế, đầu tư cho công nghệ và quy trình sản xuất "xanh" không dễ, giá cũng không rẻ. Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ và nhiều địa phương đã tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngành Dệt may nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội đã phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên triển khai dự án "Xanh hóa ngành Dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững". Dự án được triển khai trong giai đoạn 2018-2020, với mục tiêu chuyển đổi ngành Dệt may Việt Nam thông qua việc tham gia các chính sách quản lý ngành và môi trường để mang lại lợi ích xã hội, kinh tế nhiều hơn nữa.

Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, cải tiến công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Về vấn đề này, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, dù là khâu cuối cùng của ngành Dệt may và khâu tự động hóa thấp nhất trong chuỗi sợi dệt nhuộm may, nhưng Tổng công ty May 10 đều có các máy móc, thiết bị hiện đại nhất thế giới.

Còn ông Jorg Bauersachs, Tổng Giám đốc Nhà máy Nhuộm Tập đoàn Tal (Khu công nghiệp Sông Công - Thái Nguyên) cho biết, nhờ áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, đơn vị giảm được 26% lượng khí thải.

Để thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành Dệt may, tại hội thảo "Quản lý hóa chất hướng tới giảm phát thải hóa chất độc hại trong doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam" diễn ra mới đây, các đại biểu cho rằng, cần có những quy định rõ ràng về tiêu chí công nghệ đầu tư với ngành Dệt may; xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp dệt may cần tập trung đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, xanh hóa sản xuất, nâng cao năng suất...

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/949937/nganh-det-may-huong-toi-phat-trien-ben-vung