Ngành Dầu khí: Làm chủ công nghệ hiện đại

Với đặc điểm là ngành công nghiệp nặng, nhiều rủi ro, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và công nghệ kỹ thuật cao, do đó, thời gian qua, ngành dầu khí đã không ngừng đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN).

Đi đầu về công nghệ

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Yến- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)- cho biết, KH&CN đã được ứng dụng thành công vào công tác quản lý và vận hành khai thác các mỏ dầu khí ở cả trong và ngoài nước, góp phần quan trọng trong việc duy trì và gia tăng sản lượng khai thác. Đặc biệt, các nhà máy chế biến dầu khí của PVN đều là những nhà máy có công nghệ, thiết bị của các nước phát triển trên thế giới.

Nói về KH&CN, ông Nguyễn Văn Vy - Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - khẳng định, ngành dầu khí hiện đang ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất so với các ngành công nghiệp khác ở trong nước. PVN đã không ngừng phát triển và nâng cao tiềm lực KH&CN bằng việc tiếp nhận thành tựu KH&CN mới, làm chủ và cải tiến công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến hơn trong hoạt động sản xuất. Hoạt động KH&CN được triển khai ở tất cả các khâu, lĩnh vực kinh tế, quản lý, an toàn và môi trường dầu khí.

Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - cho hay, trong lĩnh vực dầu khí, việc nghiên cứu trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga đã hệ thống đầy đủ về quá trình hình thành và phát triển hệ thống thu gom, xử lý và vận chuyển dầu thô ngoài khơi làm tiền đề để phát triển các sơ đồ tổng thể kết nối mỏ dầu khí trong tương lai tại thềm lục địa Việt Nam và tạo cơ hội kết nối thêm các mỏ nhỏ, mỏ cận biên, tăng hiệu quả trong việc tận dụng và khai thác tối đa tài nguyên cho đất nước.

Đặc biệt, Công trình "Giàn khoan tự nâng 120m (Tam Đảo 05)" được hạ thủy ngày 12/8/2016 là giàn khoan tự nâng dầu khí lớn nhất Việt Nam với tổng khối lượng khoảng 18.000 tấn, có khả năng khai thác ở độ sâu 120m nước và khoan với độ sâu 9km. Với tỷ lệ nội đại hóa đạt trên 40% khối lượng, đã tạo sự đột phá, đưa Việt Nam vào danh sách các nước có khả năng chế tạo được sản phẩm giàn khoan tự nâng dầu khí.

Tăng cường đầu tư

Theo ông Trần Việt Hòa, Bộ Công Thương đang phối hợp cùng Bộ KH&CN và PVN xây dựng các nhiệm vụ lớn, có khả năng khai thác tận thu dầu tại các mỏ, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên. Cụ thể như: Nghiên cứu lựa chọn công nghệ phù hợp để nâng cao hệ số thu hồi dầu cho các đối tượng trầm tích lục nguyên các mỏ dầu tại bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam; nghiên cứu áp dụng công nghệ khoan giếng khoan thân nhỏ (slimhole/downsize) trong khoan thăm dò/thẩm lượng, đánh giá tiềm năng dầu khí và quy hoạch phát triển các mỏ khu vực ngoài khơi bắc bể sông Hồng.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Yến chia sẻ, trong giai đoạn tới, PVN sẽ tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu KH&CN để tìm ra các giải pháp tối ưu phục vụ cho khai thác dầu khí, gia tăng hệ số thu hồi (EOR), tối ưu hóa trong vận hành các nhà máy chế biến dầu khí, đa dạng hóa sản phẩm góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, hợp tác với các đối tác nước ngoài để nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ mới nhằm bảo đảm tối ưu nhất nguồn tài nguyên và phát triển bền vững của PVN.

Nguồn Bộ Công thương: http://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/nganh-dau-khi-lam-chu-cong-nghe-hien-%C4%91ai-12717-402.html