Ngành dầu khí bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Để bảo đảm nguồn an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy nền kinh tế phát triển, những năm qua, ngành dầu khí Việt Nam đã không ngừng tìm kiếm, thăm dò, khai thác và gia tăng trữ lượng dầu khí nhằm cung cấp năng lượng sơ cấp, đầu vào cho các hoạt động sản xuất công nghiệp, phục vụ nhu cầu dân sinh và kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, ngành cũng đang đối diện nhiều khó khăn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cũng như các bộ, ngành nhằm tạo cơ chế, điều kiện để phát triển.

Ca làm việc của công nhân trên giàn khoan mỏ Đại Hùng.

Ca làm việc của công nhân trên giàn khoan mỏ Đại Hùng.

Khẳng định vị thế

Thống kê của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho thấy, qua 60 năm hình thành và phát triển, ngành dầu khí đã khai thác gần 400 triệu tấn dầu và 150 tỷ m3 khí đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kW giờ điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước), 55 triệu tấn xăng dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu cả nước). Tỷ trọng đóng góp của dầu khí trong cơ cấu năng lượng Việt Nam rất cao, bình quân 40% tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, khoảng 35% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay. PVN cũng đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí. Tính đến năm 2018, tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt hơn 374 tỷ USD, nộp ngân sách hơn 105 tỷ USD. Hiện tại, PVN đã xây dựng được đội ngũ hơn 60 nghìn người có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước. Ngành cũng đóng góp cho tăng trưởng GDP với tỷ trọng hơn 20%, chiếm hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trước sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, nhất là việc chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sử dụng các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống sang nền kinh tế sử dụng các dạng năng lượng tổng hợp và hiện đại, khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Việt Nam tăng trưởng rất cao, bình quân 10%/năm. Theo dự báo, tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng ở mức 5,66%/năm trong giai đoạn 2015-2035 và đạt 137,8 triệu TOE (tấn quy dầu) vào năm 2035 (tăng 2,5 lần so với năm 2015). Trong đó, điện năng trở thành dạng năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 42%, tiếp đến sản phẩm dầu mỏ chiếm 35%, than giảm xuống còn 15%, năng lượng tái tạo chiếm 5% và khí chiếm tỷ trọng 3%.

Ðánh giá về nhu cầu tiêu thụ điện năng trong thời gian tới, TS Nguyễn Hồng Minh (Viện Dầu khí Việt Nam) cho biết, cùng với than, thủy điện, trong những năm qua, dầu khí luôn là nguồn năng lượng chính bảo đảm sự ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dân sinh. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, để chủ động nguồn cung, PVN đã tích cực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và gia tăng trữ lượng dầu khí nhằm bảo đảm ổn định nguồn cung đầu vào cho các hoạt động sản xuất công nghiệp. Ðồng thời, đa dạng hóa và mở rộng công suất lắp đặt các nhà máy điện khí, điện than, điện gió, thủy điện,… đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng của nền kinh tế. Các dự án điện khí Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 và 2 đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện ở các tỉnh phía nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhất là trong các tháng mùa khô. Các nhà máy nhiệt điện do PVN đang đầu tư như Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1,… và chuẩn bị đầu tư như miền trung 1, 2, 3; Nhơn Trạch 3, 4, Sơn Mỹ 1, 2, 3 khi hoàn thành sẽ là nguồn phát điện lớn cho đất nước, góp phần bảo đảm cân bằng an ninh năng lượng.

Sửa đổi luật phù hợp thực tế

Với vai trò dẫn dắt và cung ứng nguồn năng lượng lớn trên thị trường, ngành dầu khí, chủ lực là PVN đã tập trung đầu tư, xây dựng các nhà máy điện và nhiệt điện, lọc hóa dầu,… để cung ứng năng lượng phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động dầu khí đang đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nhiều mỏ dầu truyền thống chủ lực, đóng góp sản lượng lớn như Bạch Hổ, Sư Tử, Rạng Ðông, Lan Tây cung cấp gần 600 triệu TOE đã qua giai đoạn khai thác đỉnh, sản lượng khai thác suy giảm, đòi hỏi phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ để tận thu, trong khi các mỏ mới triển khai chậm do thiếu vốn, vướng mắc thủ tục, rất khó khăn trong duy trì và gia tăng sản lượng khai thác. Hoạt động thăm dò khai thác dầu khí hiện tập trung ở vùng biển nông (độ sâu 200 m), để gia tăng trữ lượng và duy trì sản lượng lâu dài cần tiến ra vùng biển xa bờ, độ sâu hơn 1.000 m, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhân lực có trình độ kỹ thuật và công nghệ cao… Ðề cập vấn đề này, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San khẳng định, các mỏ dầu qua quá trình khai thác đang rơi vào tình trạng suy giảm, cạn kiệt, trong khi nhiều thủ tục "trói buộc" đang gây cản trở, làm chậm sự phát triển của ngành dầu khí. Khi quy mô hoạt động dầu khí bị thu hẹp, giá dịch vụ bị rớt thê thảm theo biến động giá dầu nhưng chậm hồi phục, trong lúc Luật Ðấu thầu không tạo sức cạnh tranh cho các đơn vị trong nước, ở nước ngoài thì bảo hộ nội địa gia tăng.

Trong khi các cơ chế, chính sách cho ngành dầu khí chưa kịp thay đổi, có nhiều quy định trong các luật chi phối hoạt động dầu khí (như Luật Ðấu thầu, Luật Ðầu tư, Luật Xây dựng cơ bản) xung đột với "Hợp đồng khung dầu khí", Luật Dầu khí và thông lệ dầu khí quốc tế, không phù hợp bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, biến động của kinh tế chính trị dầu khí thế giới, khu vực,… đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, rất cần Nhà nước và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí phù hợp thực tế. Ðồng thời, cần xây dựng cơ chế đặc thù cho PVN phát triển; trong đó, tăng quyền chủ động cho PVN, nhất là về quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm, đi đôi với kiểm tra, giám sát; về cơ chế đầu tư ra nước ngoài; về công tác tự tổ chức thực hiện các dịch vụ dầu khí đặc thù trong nội bộ PVN,…

PGS, TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho biết, Luật Dầu khí hiện nay chỉ điều chỉnh khâu thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí) mà chưa có các điều khoản điều chỉnh hoạt động khâu trung và hạ nguồn, chưa có điều khoản khuyến khích phù hợp đối với các đối tượng dầu khí phi truyền thống (khí than, khí sét, băng cháy,…) cho nên chưa thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. Luật Dầu khí hiện tại chưa quy định rõ ràng các vấn đề liên quan chuyển nhượng quyền lợi tham gia (trực tiếp và gián tiếp) trong hợp đồng dầu khí,… Do đó, đã đến lúc phải sửa đổi lại Luật Dầu khí để thúc đẩy ngành phát triển.

Bài và ảnh: QUỲNH CHI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41170202-nganh-dau-khi-bao-dam-an-ninh-nang-luong-quoc-gia.html