Ngành đào tạo khai thác thủy sản đang bên bờ 'vực thẳm'

Hiện nay, nghề khai thác thủy sản đang đứng trước nguy cơ suy giảm về nguồn lợi và lực lượng lao động, kể cả lao động phổ thông và lao động qua đào tạo. Tại Trường Đại học Nha Trang - trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành khai thác thủy sản duy nhất cả nước, thời gian gần đây, số sinh viên (SV) theo học chỉ đếm trên đầu ngón tay, có nhiều khóa không tuyển được SV nào. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Đức Phú, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản (KH&CNKTTS), Trường Đại học Nha Trang. Tiến sĩ Phú cho biết:

Tiến sĩ Trần Đức Phú. Ảnh: Hải Luận

Tiến sĩ Trần Đức Phú. Ảnh: Hải Luận

- Trường Đại học Nha Trang là trường duy nhất trên cả nước đào tạo kỹ sư ngành khai thác thủy sản. Chúng ta có 28 tỉnh, thành phố ven biển, nhưng từ khóa 52 đến khóa 55, Trường Đại học Nha Trang không tuyển được SV nào vào học ngành khai thác thủy sản. Khóa 56-57 tuyển sinh được 35 SV, k58-59 không có SV.

Khóa 60-61, Viện KH&CNKTTS đã vận động các nguồn lực để hỗ trợ 100% học phí cho SV, hiện nay có 18 em theo học ngành khai thác thủy sản. Số SV này ra trường không đủ để Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố tuyển vào làm việc, chứ đừng nói cung cấp cho các cảng cá, doanh nghiệp, chủ tàu đánh cá...

Đảng ta đã có Nghị quyết Trung ương 8 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, chú trọng hiện đại hóa nghề khai thác thủy sản. Nhưng, nếu như không có lực lượng lao động qua đào tạo bài bản, thì khó có thể phát triển nghề cá hiện đại trong tương lai?
Ngư dân “đào tạo” kỹ sư

- Theo ông, nguyên nhân vì sao không có SV theo học ngành khai thác thủy sản?

- Thời hoàng kim, Trường Đại học Thủy sản Nha Trang (hiện nay là Trường Đại học Nha Trang) mỗi năm đào tạo rất nhiều SV ngành khai thác thủy sản, trở thành trung tâm đào tạo kỹ sư khai thác thủy sản lớn cho cả nước. Hiện nay, nghề khai thác thủy sản được xếp loại nặng nhọc, thu nhập không cao, không hợp “mốt” đối với các bạn trẻ, vì chủ yếu làm việc ở các cơ quan quản lý Nhà nước về thủy sản và các doanh nghiệp thủy sản.

- Vậy, nguồn lực lao động đối với nghề khai thác thủy sản nước ta như thế nào?

- Lực lượng lao động phổ thông cho nghề đánh cá đang thiếu hụt. Tôi dẫn chứng ở thành phố Đà Nẵng có 300 chiếc tàu mực khơi, mỗi chiếc tàu sử dụng từ 40 - 60 lao động. Không có lao động cho đội tàu mực khơi, số lượng tàu câu mực đã dần dần tàn lụi. Nhiều nghề khai thác biển khác cũng đang đứng trước tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” do thiếu lao động có tay nghề cao.

Nghề khai thác biển của chúng ta đang mắc phải cái “vòng luẩn quẩn”: nghề cá nhân dân chỉ dựa theo kinh nghiệm truyền thống, đầu tư thấp... dẫn đến chi phí cho một chuyến biển rất cao, nhưng lợi nhuận lại thấp, nhiều lúc bị lỗ vốn, hoặc chuyến này lời chút đỉnh, chuyến sau lại lỗ, điệp khúc này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Cuối năm, cộng gộp lại, họ bị lỗ ròng, đưa tàu lên sửa chữa, phải đi vay nóng về mua vật tư, trả tiền cho nhân công.

Điểm mấu chốt vẫn là con người có trình độ khoa học kỹ thuật mới áp dụng phương pháp khai thác mới, có cách bảo quản chất lượng sản phẩm tốt, làm tăng giá trị lợi nhuận cao trên mỗi kg sản phẩm. Và khi người lao động được trả công xứng đáng sẽ thu hút được nhiều người ở lại làm nghề biển.

- Hiện nay, SV học ngành khai thác thủy sản đi thực tập trên tàu đánh cá ngoài khơi như thế nào, thưa ông?

- Nhà trường không có tàu đánh cá cho SV đi thực tập, Viện KH&CNKTTS đã tạo mối quan hệ tốt với ngư dân, mỗi khi có đợt SV thực tập là gửi đi theo tàu đánh cá của ngư dân, họ nuôi ăn, kèm cặp được cái gì thì tốt cái đó. Xét về mặt khoa học thì chưa ổn lắm, những chẳng có cách nào khác hơn để cho các em quen với sóng gió biển cả. Gặp được thuyền trưởng nào có kiến thức tốt sẽ dạy cho SV nhiều kinh nghiệm về khai thác, hàng hải, nhưng đụng phải thuyền trưởng trình độ thấp thì hiệu quả thực tập của SV sẽ không cao.

Vực lại công tác đào tạo ngành khai thác thủy sản

- Tiến sĩ đã có nhiều năm làm công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học khai thác biển, vậy, theo ông, có giải pháp nào để vực lại công tác đào tạo ngành khai thác thủy sản không?

- Qua nghiên cứu, số SV theo học ngành khai thác thủy sản những năm gần đây đa số ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Định, Khánh Hòa... Các em đều xuất phát từ gia đình làm nông nghiệp, nghèo khó, có một số ít gia đình làm nghề biển. Với chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững thời gian tới, theo tôi, Nhà nước cần có chính sách miễn học phí 100% đối với SV theo học ngành khai thác thủy sản, trang bị cho nhà trường tàu đánh cá với đầy đủ thiết bị để SV thực tập đánh bắt ngoài biển khơi.

Đây là giải pháp thu hút lực lượng lao động từ khu vực “làm ruộng” và “miền núi” chuyển sang “làm biển”. Khi đã có được đội ngũ lao động qua đào tạo ở vùng này, họ sẽ kéo theo lao động phổ thông sang vùng biển làm việc. Chỉ có con nhà lao động mới chịu được sự khắc nghiệt của biển cả. Chỉ có SV học ngành khai thác thủy sản ra mới quản lý tốt tàu thuyền, ngư trường và nguồn lợi bền vững được.

Nếu như so sánh với kinh phí của Nhà nước cấp cho trường đào tạo lực lượng lao động nghề cá, khai thác biển, thực sự không đáng kể so với con số thiệt hại hàng năm mà ngư dân phải gánh chịu. Nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á đã được Nhà nước tài trợ 100% đào tạo nguồn nhân lực khai thác biển.

Hao hụt sau thu hoạch đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương từ 25 - 30%, do đó, ngư dân cần có kiến thức khoa học để bảo quản cá tốt. Ảnh: Hải Luận

- Ngư dân chúng ta bao nhiêu năm nay cứ làm theo truyền thống, đôi khi giống như “đánh bạc” với may - rủi. Theo Tiến sĩ, ngư dân cần trang bị thêm những kiến thức gì cho phù hợp với điều kiện sản xuất trên biển hiện nay?

- Viện chúng tôi hiện đang đào tạo cho ngư dân học thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tàu cá nhằm cung cấp đầy đủ kiến thức về chuyên môn khai thác, pháp luật hàng hải, hướng dẫn để giúp ngư dân tránh được vi phạm đánh cá bất hợp pháp, đảm bảo an toàn cho tàu và người trên biển nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Việt Nam...

Độ nhanh nhạy với thời cuộc và sự kiên cường vươn khơi, bám biển của ngư dân ta rất tuyệt vời. Cần bổ sung thêm kiến thức khoa học để giúp ngư dân biết và sử dụng công nghệ mới, thiết bị máy móc hiện đại, ứng phó với những rủi ro thường xuyên xảy ra trên biển, tăng lợi nhuận cao trên mỗi chuyến đi. Đồng thời, tập huấn cho bà con nhận biết ranh giới vùng biển nước ta ở chỗ nào, vùng biển tiếp giáp, vùng chồng lấn với các nước như thế nào, vùng biển quốc tế được quyền khai thác chung ra sao, cách thức thông báo khẩn cấp SOS toàn cầu để tàu các nước xung quanh đến cứu kịp thời...

- Xin cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi này!.

Hải Luận (thực hiện

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nganh-dao-tao-khai-thac-thuy-san-dang-ben-bo-vuc-tham-post431609.html