Ngành da giày đưa ra mục tiêu lớn cho năm 2019
Trong năm 2019, ngành da giày đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 21,5 tỷ USD, chỉ số sản xuất tăng trên 10% so với năm 2018.
Theo thống kê của Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về sản lượng xuất khẩu giày dép ra thị trường thế giới với khoảng hơn 1 tỷ đôi các loại mỗi năm. Đáng lưu ý, giá xuất khẩu trung bình của thế giới là 9,81 USD/đôi, trong khi đó giá của Việt Nam là 15 USD/đôi, cao gấp 1,6 lần so với giá trung bình của thế giới.
Hiện Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới trên 100 nước; trong đó có 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. Năm thị trường có kim ngạch lớn nhất (chiếm trên 82,3% tổng kim ngạch xuất khẩu) gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Khẳng định kết quả này, tại Hội nghị tổng kết ngành da giày-túi xách năm 2018 và xây dựng kế hoạch năm 2019 vào chiều 26/12, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Lefaso cho biết, chỉ trong 11 tháng năm 2018, ngành da giày đã đạt 17,68 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017. Dự kiến cả năm 2018, ngành sẽ về đích xuất khẩu đạt mục tiêu với 19,5 tỷ USD. Đóng góp chủ yếu cho kim ngạch xuất khẩu là khối doanh nghiệp có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với kim ngạch 13,97 tỷ USD, chiếm 78,8%.
Theo bà Xuân, hiện tổng các doanh nghiệp hoạt động trong ngành là gần 3.000. Cơ cấu đầu tư nước ngoài thay đổi, trước đây chiếm 30% nhưng nay đã chiếm 40% số lượng doanh nghiệp, cho thấy mức độ đầu tư của FDI vào ngành da giày rất nhanh. Tuy nhiên, khoảng cách của doanh nghiệp FDI và trong nước đã thu hẹp, khi doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỉ trọng 21,2% so với năm 2017 là 19,4%. Đây là dấu hiệu tốt, khẳng định sự phục hồi của các doanh nghiệp da giày trong nước.
Về triển vọng phát triển của ngành trong năm 2019, bà Phan Thị Thanh Xuân nhận định, năm tới nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn tốt. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may, da giày để tập trung sản xuất công nghệ cao.
Do đó, các đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, chờ cơ hội Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến ký kết và có hiệu lực trong năm 2019.
Đặc biệt, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, bắt đầu tác động đến xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực da giày tăng lên trong năm 2018-2019 để tránh tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đón đầu các FTA có hiệu lực trong năm 2019. Do đó, xuất khẩu da giày năm 2019 sẽ tiếp tục tăng nhờ xuất khẩu của khối FDI tăng.
Từ những thuận lợi trên, bà Xuân dự báo chỉ số sản xuất ngành da giày năm 2019, chỉ số sản xuất sẽ tăng trên 10% so với năm 2018, với tổng kim ngạch đạt khoảng 21,5 tỷ USD. Xuất khẩu da giày chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch cả nước, với tỉ lệ nội địa hóa đạt 60%. Xuất khẩu giày dép đứng thứ 4 và túi - cặp đứng thứ 10 trong Top 10 mặt hàng chủ lực của Việt Nam
Đánh giá cao kết quả đã đạt được của ngành trong năm 2018, tại Hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, năm 2018, tốc độ tăng trưởng của ngành da giày đã có sự bứt phá, duy trì ổn định, là ngành có quy mô xuất khẩu lớn thứ 4 cả nước, song tỉ trọng doanh nghiệp FDI vẫn còn cao. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kế hoạch của năm 2019, các doanh nghiệp da giày phải đáp ứng những tiêu chuẩn sản xuất, đáp ứng nhu cầu cho thị trường, cần phải có kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Đồng thời, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đề nghị Hiệp hội Lefaso cần có chiến lược rõ ràng thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong vấn đề vốn, công nghệ, đất đai, tín dụng...
Cùng với những nỗ lực phát triển của ngành da giày, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, phối kết hợp với các Bộ ngành liên quan, tạo những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất da giày phát triển bền vững. Bộ sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành da giày, tập trung hỗ trợ cho ngành về chất liệu, nguyên liệu, mẫu mã, công nghệ mới để ngành phát triển ổn định