Ngành da giày: Doanh nghiệp nhỏ và vừa 'chật vật' hưởng lợi từ EVFTA

Dù vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt nhờ cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường từ hiệu ứng của các FTA nhưng một phần lớn số DN của ngành da giày vẫn đang phải chật vật để có thể hưởng được lợi thế này.

Mới chỉ có rất ít DN sản xuất da giày đủ tiềm lực hưởng lợi từ EVFTA. Ảnh: Nguyễn Huế.

Mới chỉ có rất ít DN sản xuất da giày đủ tiềm lực hưởng lợi từ EVFTA. Ảnh: Nguyễn Huế.

Tăng trưởng tốt

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 9 tháng 2019, ngành da giày vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt với chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,9%; Sản lượng giầy, dép da 9 ước đạt 210 triệu đôi, tăng 5,3%; Kim ngạch XK giầy, dép các loại ước đạt 13,33 tỷ USD, tăng 13,5%, so với cùng kỳ năm 2018.

Bộ Công Thương nhận định, ngành da giày đang có tốc độ tăng trưởng khả quan nhờ vào hiệu ứng tốt từ các FTA, trong đó đáng chú ý là FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA) vừa được ký kết. Các chuyên gia trong ngành cũng nhận định EVFTA sẽ tác động tích cực đến ngành da giày khi thuế suất của sản phẩm da giày sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm. Trong đó, giày thể thao – sản phẩm chủ lực của DN XK sang châu Âu sẽ về 0% ngay lập tức. So với các đối thủ cạnh tranh khác, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5 - 4,2% khi XK vào EU nên tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Trên thực tế, mặc dù chưa có hiệu lực nhưng EVFTA đã có tác động tích cực đến hoạt động của nhiều DN, đặc biệt là các DN đang có thị trường XK chính là các nước EU. Thông tin từ Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định, số đơn hàng mà DN nhận từ thị trường EU đã tăng lên cả về số lượng và giá trị. Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định cho biết, Hiệp định EVFTA có tác động rất lớn đến DN này. So với năm 2018 số lượng đơn hàng từ châu Âu cũng như giá trị đơn hàng tăng từ 25 đến 30%. “Hiện tại chúng tôi đang mở rộng sản xuất, mở rộng dây chuyền, nâng hiệu suất của dây chuyền lên cao hơn, đồng thời tuyển dụng thêm lao động và có những bước chuẩn bị về tài chính, nguồn nguyên liệu để sản xuất đáp ứng cho các đơn hàng trong thời gian tới”, ông Trung cho biết.

Tương tự, tại Công ty TNHH Nam Bình, đại diện công ty cho biết, khi EVFTA được ký kết, DN đã nhận thấy có nhiều lợi thế, vì vậy đã chủ động hệ thống máy móc, công nghệ, phần mềm quản lý cũng như những yêu cầu khác từ phía châu Âu để nhanh chóng nắm bắt lợi thế từ hiệp định này.

Doanh nghiệp nhỏ khó hưởng lợi

Đầu tư về công nghệ, quản lý để đáp ứng yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn hàng hóa của EVFTA là xu hướng phổ biến của các DN da giày hiện nay vì EU luôn là thị trường lớn nhất nhì của ngành da giày. Theo ghi nhận của Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương, hiện nay các DN lớn đã chủ động đầu tư công nghệ máy móc, thiết bị lập trình, hệ thống robot để thay đổi và đáp ứng xu thế phát triển trong những năm tới. Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội da giày tỉnh Bình Dương việc nâng cấp về công nghệ là rất khó với những DN nhỏ, siêu nhỏ do họ chỉ gia công, vốn, công nghệ, trình độ năng lực rất hạn chế dẫn tới không thể nhận đơn hàng. Trong khi đó, theo thống kê từ Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 3.000 DN hoạt động trong ngành da giày thì có đến 85% DN là vừa và nhỏ. Nếu EVFTA bắt đầu có hiệu lực thì yếu tố then chốt để có thể gia tăng thị phần là đáp ứng được các yêu cầu cao về chất lượng, cải tiến mẫu mã. Để làm đáp ứng được yêu cầu này đòi hỏi DN phải đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng, nhân sự kỹ thuật cao và nguồn vốn bỏ ra là không hề nhỏ. Đây là một thách thức rất lớn đối với các DN không đủ tiềm lực về tài chính. Do vậy, theo ông Phan Hải, Giám đốc công ty giày BQ, việc đầu tư trang thiết bị theo tiêu chuẩn của các đối tác từ phía châu Âu là vô cùng khó khăn đối với các DN vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu của các DN cũng còn phải phụ thuộc và NK, do đó tiếp cận với EVFTA là không hề dễ dàng.

Cùng quan điểm như trên, ông Nguyễn Quốc Thái, Giám đốc Công ty TNHH SX – TM giày Uy Thái cho rằng muốn XK cần có nguồn vật tư dồi dào và chất lượng trong khi các DN vừa và nhỏ rất khó tiếp cận các nguồn vật tư, tài chính, việc đưa sản phẩm ra nước ngoài cũng rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian. Do vậy, cần có những công ty lớn đại diện, hoặc hiệp hội hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ trong vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM, mặc dù EVFTA là một hiệp định rất tốt cho ngành da giày nhưng cũng chỉ có một số DN lớn và các DN FDI mới có thể tận dụng được vì sản xuất của phần lớn các DN còn manh mún trong khi đối tác đòi hỏi phải có số lượng lớn, đáp ứng đơn hàng nhanh, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Đây là thách thức không nhỏ đối với phần lớn các DN trong ngành da giầy. Thời gian gần đây, Hội da giày TPHCM cũng đã nhận được những đơn hàng lớn nhưng các DN vừa và nhỏ không thể đáp ứng được các đơn hàng này. Để tạo động lực cho ngành phát triển, theo ông Khánh cần xây dựng những cụm công nghiệp tập trung các DN vừa và nhỏ vào một nơi, từ đó tạo sự liên kết chặt chẽ hơn. Một đơn hàng lớn, một DN làm sẽ rất khó khăn nhưng nhiều DN cùng làm sẽ rút ngắn thời gian, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về thời gian, chất lượng… từ các đối tác.

Ông Nguyễn Quang Vũ cũng cho rằng, các DN da giày cần phải liên kết lại vì nếu đi một mình sẽ không có sức mạnh tập thể, khó mà thực hiện nhanh việc chuyển đổi số hóa sản xuất; số hóa sản phẩm. Ngoài ra, DN cũng phải quan tâm nhiều hơn đến người lao động, đào tạo người có năng lực tiếp cận công nghệ hiện đại đẩy năng suất tăng lên. Đồng thời đảm bảo môi trường sản xuất đạt chuẩn để khách hàng thấy được năng lực của chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu mà họ đưa ra hay chưa. Riêng khâu phát triển sản phẩm, DN phải có những thiết kế mới, hợp xu hướng thị trường và việc này cũng phải được quan tâm đầu tư mới có thể đáp ứng được thị trường châu Âu. Có như vậy, DN mới đủ sức lực để cạnh tranh.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nganh-da-giay-doanh-nghiep-nho-va-vua-chat-vat-huong-loi-tu-evfta-113743-113743.html