Ngành công thương tỉnh An Giang duy trì đà tăng trưởng

Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đang gây ra những ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công thương, Sở Công thương An Giang đã thực hiện nhiều giải pháp duy trì và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại, ổn định thị trường.

Tăng trưởng trên các chỉ tiêu

Quý I-2020, thị trường hàng hóa trong tỉnh được các doanh nghiệp (DN) cung ứng dồi dào, nhu cầu tiêu dùng của người dân đảm bảo, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và biến động giá cục bộ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 31.995 tỷ đồng, tăng 8,48% so cùng kỳ, đạt 22,5% so kế hoạch cả năm.

Hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tuy có tăng, nhưng tốc độ chậm hơn so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I ước tăng 7,13% so cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 3,65%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,41%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, hơi nước tăng 45,33%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 15,59%.

Các chỉ tiêu trong quý I tuy có tăng trưởng so cùng kỳ nhưng không đạt theo kế hoạch

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại biên giới của tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ, đảm bảo tính thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN và cư dân biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa.

Trong quý I, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 255,55 triệu USD, tăng 2,71% so cùng kỳ. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 217,31 triệu USD, tăng 2,6% so cùng kỳ, đạt 23,36% so kế hoạch năm, 98,1% so kịch bản tăng trưởng; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 38,24 triệu USD, tăng 3,35% so cùng kỳ, đạt 21,24% so kế hoạch năm.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang Đoàn Minh Triết cho biết, các chỉ tiêu ngành trong quý I-2020 tuy có tăng trưởng nhưng không đạt theo kế hoạch. Nguyên nhân do sau Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân bị chững lại, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp khiến người tiêu dùng hạn chế đến những nơi đông người. Điều này dẫn đến việc các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại vắng vẻ, việc mua bán sụt giảm từ 30-50%.

Dịch vụ lưu trú và du lịch bị ảnh hưởng nặng nề khi các lễ hội dừng tổ chức, tạm dừng tiếp nhận khách du lịch. Ngoài ra, tác động của dịch bệnh Covid-19, học sinh, sinh viên tạm thời nghỉ học, các quán ăn, nhà hàng cũng giảm, từ đó, làm ảnh hưởng đến sức mua trong ngắn hạn.

Hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tuy có tăng, nhưng tốc độ chậm hơn so cùng kỳ. Các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã và đang hoạt động mạnh trở lại, do đó vấn đề nguyên liệu (nhập khẩu từ Trung Quốc) cho sản xuất sẽ từng bước được giải quyết, đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Tại Trung Quốc, dịch bệnh Covid-19 được khống chế, nhu cầu hàng hóa sẽ tăng mạnh trở lại tạo cơ hội cho các DN chế biến xuất khẩu của tỉnh. Tình hình xuất khẩu hàng hóa không còn nhộn nhịp so cùng kỳ, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh tuy có sự tăng nhẹ, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra…

Tháo gỡ khó khăn

Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tăng cường công tác mời gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp; triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025.

Thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình sản xuất của các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh ứng phó tốt với dịch bệnh Covid-19. Thực hiện các chính sách hỗ trợ các DN trong đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất, đổi mới mô hình quản lý để hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm…

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các hoạt động liên quan đến công tác bình ổn thị trường và hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ mua sắm hàng trực tuyến hoặc qua điện thoại để vừa hỗ trợ DN, vừa hạn chế tình trạng người dân chen lấn mua hàng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục liên hệ các DN để nắm bắt các khó khăn, đồng thời phối hợp các sở, ngành, địa phương và cơ quan Trung ương để kịp thời hỗ trợ. Thường xuyên cập nhật tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh, để từ đó khuyến cáo và đề xuất UBND tỉnh có biện pháp hỗ trợ xuất khẩu. Đồng thời, chủ động, phối hợp các cơ quan liên quan theo dõi kịp thời diễn biến giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu; tiếp tục hỗ trợ địa phương biên giới đẩy mạnh hoạt động giao thương hàng hóa qua biên giới, phát triển kinh tế biên mậu...

ĐÌNH ĐỨC

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nganh-cong-thuong-tinh-an-giang-duy-tri-da-tang-truong-a268035.html